Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: Điểm mạnh của nhiếp ảnh là tính thật

28/05/2023 06:14

(HNMCT) - Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Ông nổi tiếng trong giới vì nhiều nhẽ, như sinh trưởng trong một gia đình gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, là chồng của NSND Như Quỳnh, nhưng quan trọng hơn, ông tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.

- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo đã có gần 50 năm chụp về Hà Nội. Vậy đề tài Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Thực ra mà nói, lúc đầu tôi chụp Hà Nội rất bản năng. Nói bản năng bởi tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ngay giữa trung tâm phố cổ. Từ khi còn bé tôi đã thuộc lòng từng ngõ ngách phố cổ. Hình ảnh khu phố cổ Hà Nội thấm vào mình, gần gũi như ngôi nhà của mình vậy. Sau này, năm 1973, khi bắt đầu chơi ảnh, tất cả ký ức của Hà Nội, của thời thơ ấu dội về và việc chụp Hà Nội như là hơi thở, là cuộc sống của mình vậy. Đến nay, 50 năm sau, tôi mới bắt đầu ý thức được là mình đã ghi lại được những gì, những thứ mình đã từng sống với nó và nay còn rơi rớt lại trong Hà Nội.

- Ông muốn nói đến tính tư liệu trong tác phẩm của mình?

- Trên đời này hóa ra những thứ mình tưởng là bình thường nhưng 10 năm, 20 năm sau nó lại là bất bình thường. Có nhiều người xem ảnh của tôi nghĩ là ảnh tư liệu của Pháp ngày xưa. Tôi đã làm một triển lãm để thấy cùng là một tác giả, cùng một tọa độ nhưng 40 năm trước thế này, nay thế này, để thấy được sự biến động của Hà Nội trong gần một nửa thế kỷ. Hà Nội đã trải qua nhiều biến động, mà biến động rất nhanh trong thời gian gần đây. Những thay đổi đột ngột trong thời gian gần đây đã đưa Hà Nội sang một diện mạo khác. Nhiều người khen “ông Bảo giỏi quá”, nhưng tôi nghĩ vì người ta không để ý. Mình chụp những cái rất bình thường nhưng khi đi vào lịch sử thì nó thành quý.

- Khi chụp về Hà Nội, điều gì gây ấn tượng nhất với ông? Theo ông, điều gì khiến cho tác phẩm trở nên quý giá sau một thời gian dài?

- Không gian kiến trúc vẫn là cái gây ấn tượng nhất. Có thể nói, kiến trúc là một bảo tàng sống ngoài trời, là tác phẩm sống, là nghệ thuật thực dụng. Những tấm ảnh về Hà Nội ngày xưa mà tôi chụp giống hệt tranh Bùi Xuân Phái, chả phải tôi tài ba gì cả, mà bởi đường nét của kiến trúc thuần Việt ngày xưa nó thế. Cái mạnh của ảnh là tính thật, cái mạnh của hội họa là cách điệu lên để tạo ra được cảm xúc gần gũi với đường nét của Hà Nội xưa. Ảnh của tôi là như vậy. Người ta hay bảo tôi lọ mọ nhưng không phải, chẳng qua nó quá gần gũi.

- Những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam rất phát triển, thậm chí chúng ta còn được đánh giá là cường quốc về nhiếp ảnh. Giờ đây, với sự phát triển của công nghệ, ai cũng có thể trở thành tác giả ảnh. Liệu điều đó có khiến cho đề tài Hà Nội trở nên trùng lặp, thậm chí nhàm chán?

- Đúng là hiện nay chúng ta thoải mái chụp hơn ngày xưa. Nhưng chính điều đó lại khiến nhiều nhà nhiếp ảnh rơi vào bế tắc, không biết chụp cái gì. Nếu chúng ta không hiểu thành phố này thì chỉ chụp được vẻ ngoài thôi. Tôi rất thích khi xem các triển lãm trong khuôn khổ Photo Hanoi’23 bởi thấy mỗi tác giả một vẻ, nhiều khi là cái vẻ đơn giản qua tấm ảnh về một bức tường loang lổ, hay nhìn Hà Nội qua lăng kính của khu chung cư... Đã bớt những ảnh đẹp thuần túy kiểu duy mỹ. Bản thân tôi cũng đang phấn đấu bỏ chụp ảnh đẹp đẽ, để hướng tới ảnh hay. Chụp ảnh đẹp đã khó nhưng có được tấm ảnh hay lại càng khó hơn.

- Tiêu chí của ảnh hay là gì, thưa ông?

- Ảnh hay, đó là ảnh sinh động, phải có đủ yếu tố hỷ - nộ - ái - ố như văn học. Tại sao chúng ta đưa bi kịch của văn học lên, đưa nỗi đau của thơ ca lên nhưng không đề cao điều đó trong nhiếp ảnh? Nhiếp ảnh cũng là nghệ thuật phản ảnh hiện thực. Bây giờ chúng ta đã có được sự cởi mở, có các điều kiện để chụp, vậy chúng ta đã đủ tình cảm, đủ sự cảm nhận về nỗi đau để chụp nỗi đau chưa? Đã đủ niềm vui để chụp niềm vui chưa?

Tôi nghĩ, hiện nay, cái mà nhiếp ảnh thiếu chính là tâm hồn của người chụp - điều mà máy móc hiện đại đến mấy cũng không thay thế được. Nhiều người cho rằng bố cục đẹp, ánh sáng đẹp đã là nghệ thuật rồi. Đối với tôi, bố cục và ánh sáng là phương tiện chứ không được phép là mục đích.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: Điểm mạnh của nhiếp ảnh là tính thật