Tranh thêu Hoàng Thị Khương

18/04/2023 11:57

(NSHN) - Xã Quất Động, huyện Thường Tín nổi tiếng từ xưa về nghề thêu tay trên lụa, gấm vóc. Nơi đây, Hoàng Thị Khương là một nghệ nhân được mọi người trong làng quý trọng về tay nghề và lối sống.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương bên khung thêu.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương sinh năm 1966 trong một gia đình vừa làm nghề thêu, vừa làm nghề nông. Mẹ cô Khương là một thợ thêu giỏi. Cô Khương ra đời được ba tháng tuổi thì bị một trận sốt cao kéo dài, sau đó toàn thân bị bại liệt. Dù được cha mẹ chạy chữa khắp nơi nhưng di chứng để lại đến tận bây giờ là một chân bị teo và ngắn. Khi còn nhỏ, dù chân cao chân thấp, cô vẫn chịu khó đến trường và học đến lớp 9 phổ thông.

Năm cô 19 tuổi thì bố mất. Lớn lên trong tình yêu thương của mẹ cũng là cơ hội được mẹ dạy nghề, Hoàng Thị Khương bị hỏng một chân, nhưng bù lại cô thông minh, trí tưởng tượng phong phú và hai bàn tay khéo léo. Ngoài ra, cô còn có khiếu thẩm mỹ nên sau 10 năm, cô đã học được nghề thêu của mẹ, cùng mẹ làm nên những bức tranh được nhiều người yêu thích. Tính từ năm 2005, Hoàng Thị Khương đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm tranh thêu tay mỹ thuật trong và ngoài nước.    

Ở trong nước, Hoàng Thị Khương có một số tác phẩm được UBND thành phố Hà Nội trao giải thưởng và bằng khen. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tranh thêu của Hoàng Thị Khương được trưng bày trong triển lãm tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô và trong Hoàng thành Thăng Long. Cùng năm ấy, tranh thêu của Hoàng Thị Khương được nhận danh hiệu "Tác phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam" và được nhận Giấy khen cơ sở thêu tranh mỹ nghệ cao cấp, đóng góp tích cực cho thành công của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI và "Dấu ấn Thăng Long".

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương với biểu tượng danh dự ở Ấn Độ.

Năm 2015, Hoàng Thị Khương được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Và vào năm 2019, cô cũng đã nhận được giải Nhì cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội; được Tổ chức SAMBHAV (một diễn đàn quốc tế lớn nhằm tôn vinh các nghệ sĩ khuyết tật) mời sang tham gia các hoạt động như hội thảo, triển lãm nghệ thuật tại New Delhi (thủ đô Ấn Độ) và được tặng một biểu tượng danh dự đánh giá cao các tác phẩm tranh thêu tay xuất sắc. Năm 2011, cô Khương được mời sang Seoul (thủ đô Hàn Quốc) tham gia cuộc thi tay nghề của nghệ nhân là người khuyết tật.

Là hội viên tích cực của Hội Người khuyết tật huyện Thường Tín, dù cuộc sống đơn thân có nhiều vất vả, phải phụng dưỡng mẹ già yếu nhưng nghệ nhân Hoàng Thị Khương vẫn không ngừng sáng tác.

Mong muốn của nghệ nhân Hoàng Thị Khương là được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Người khuyết tật Việt Nam giúp đỡ để tác phẩm tranh thêu của cô và các đồng nghiệp trong xã được triển lãm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Một số tác phẩm tranh thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương:

Tác phẩm Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn (phỏng theo ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định).

Tác phẩm “Chùa Thầy”, giải Nhì năm 2019 tại Hà Nội.

Tác phẩm “Đàn cá 9 con”.

Tác phẩm “Lọ hoa”.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh thêu Hoàng Thị Khương