Chuyện về những người nhóm máu ''KN''

Ngọc Quỳnh| 15/04/2023 06:21

(HNM) - Dù trời nắng hay mưa, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, song đội ngũ cán bộ khuyến nông vẫn bám sát địa bàn, tích cực hướng dẫn nông dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Không những vậy, cán bộ khuyến nông còn huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; triển khai các mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Luôn tận tuỵ với công việc, đội ngũ cán bộ khuyến nông được ví như những người có nhóm máu "KN" (khuyến nông)...

Cán bộ khuyến nông huyện Quốc Oai hướng dẫn nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Ánh Ngọc

Những cán bộ tận tụy

Một buổi chiều đầu tháng 4-2023, chúng tôi có dịp đến thăm ông Lê Duy Cư (64 tuổi), nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn nhớ rất chi tiết những công việc từng làm khi còn công tác. Câu chuyện về một thời làm cán bộ khuyến nông đầy sôi nổi, nhiệt huyết như dòng máu đào chảy mãi trong ông.

"Vào khoảng năm 2000, mặc dù địa bàn khu vực nông thôn của tỉnh Hà Tây (cũ) rộng, đường đi lại khó khăn, phương tiện chủ yếu là xe máy, song không quản ngại khó khăn, dù trời mưa hay nắng, cán bộ khuyến nông chúng tôi vẫn tận tâm xuống cơ sở để hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cây giống. Không chỉ “cầm tay, chỉ việc”, chúng tôi còn trực tiếp làm cùng với nông dân, đào hố, trồng mẫu cây để cho họ làm theo. Có những thời điểm phải tập huấn thêm vào buổi tối để người dân nhanh hiểu, sớm áp dụng vào thực tiễn. Nhiều lúc tưởng chừng quá sức, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc. Đến nay, dù đã nghỉ hưu, song tôi vẫn thấy mình chọn đúng nghề và cảm thấy vui vì đã giúp đỡ được nhiều cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Công việc khuyến nông như đã thấm đẫm vào huyết quản của chúng tôi", ông Cư bộc bạch.

Còn bà Đỗ Thị Thu Thủy (sinh năm 1970) từ nhỏ đã có ước mơ làm cán bộ khuyến nông để giúp người dân biết cách trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vào tháng 4-1993, bà Thủy đã về làm việc tại Trạm Khuyến nông Ba Vì. Bà Thủy cho biết, là địa bàn thuộc khu vực miền núi, đi lại khó khăn, nhưng bà và các đồng nghiệp vẫn không quản ngại, tận tụy thực hiện nhiệm vụ tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và xã đảo Minh Châu. Thông qua công tác tập huấn, cán bộ khuyến nông đã giúp các hộ nông dân ở đây thay đổi dần quy mô chăn nuôi; từ nuôi 100-200 con gà, vài con lợn, con bò…, đến nay, nhiều hộ đã nuôi hàng nghìn con gà, vài trăm con lợn, con bò và hàng chục con bò sữa. Hiện tại, Ba Vì là “thủ phủ” chăn nuôi của thành phố, với tổng đàn lợn lên tới 280.000 con, đàn gia cầm đạt 6 triệu con...

“Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề, nếu không có nhiệt huyết và sự hợp tác giúp đỡ của đồng nghiệp, gia đình, thì tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi luôn thấu hiểu hai từ “khuyến nông” là tạo sự kích thích, tự nguyện cho bà con nông dân đến với mình, làm theo mình. Đúng như nhiều người nói, cán bộ khuyến nông được ví như người mang trong mình nhóm máu "KN", không khi nào hết nhiệt huyết trong công việc. Điều này đã thôi thúc tôi và những người đồng nghiệp luôn phải cố gắng trong công việc để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho quê hương”, bà Thủy nói.

Chia sẻ thêm về công việc và niềm đam mê của các cán bộ khuyến nông cơ sở, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, những cán bộ khuyến nông cơ sở thường phải làm rất nhiều công việc khác nhau, từ phổ biến, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, đến xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn theo các chương trình, dự án của cơ quan khuyến nông hay nhu cầu của nông dân. Thậm chí, đêm hôm phải đến tận nhà của các hộ nông dân để làm “bà đỡ” cho trâu, bò sinh sản, thụ tinh nhân tạo cho gia súc, bình tuyển cây giống, con giống...

“Hoạt động tích cực của cán bộ khuyến nông đã góp phần đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả vào thực tiễn, nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn”, bà Vũ Thị Hương thông tin.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Nguyễn Quang Khải, xã Cấn Hữu hiện có vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, đời sống của người dân đang ngày một nâng cao. Sự thành công này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông…

Niềm vui là đồng hành với nông dân

Có thể khẳng định, sự phát triển của nền nông nghiệp Thủ đô thời gian qua có đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ khuyến nông. Họ là những cầu nối giúp nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ khuyến nông vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh Lê Quang Đức, thách thức lớn nhất của công tác khuyến nông hiện nay là làm sao giúp nông dân phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; đồng thời, phải giúp nông dân tiếp cận và theo kịp thời đại công nghệ 4.0. Do đó, các cán bộ khuyến nông phải không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, có khả năng xây dựng mô hình nông nghiệp phù hợp với từng địa phương.

Hiện nay, nhu cầu của nông dân đối với dịch vụ khuyến nông ngày càng tăng, cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi hệ thống khuyến nông phải hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công bảo đảm về số lượng và chất lượng. Để làm được điều này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, đội ngũ cán bộ khuyến nông trên địa bàn thành phố phải có những đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, có phương pháp tiếp cận phù hợp để nắm bắt, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Đặc biệt, các cán bộ khuyến nông phải luôn gần dân, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân để biết họ cần gì, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn cho phù hợp, nhằm phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng hàng hóa, quy mô lớn gắn với du lịch, sinh thái.

Qua những câu chuyện với cán bộ khuyến nông mới thấu hiểu nỗi vất vả của họ. Song, niềm vui lớn nhất của những cán bộ khuyến nông là khi những kỹ thuật sản xuất, những mô hình tốt được người nông dân áp dụng, nhân rộng đã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Với họ, dòng máu "KN" sẽ mãi ấm nóng và tạo động lực lớn lao để tận hiến với nghề và đồng hành với bà con nông dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người nhóm máu ''KN''