Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tận cùng với đam mê

Vân Thảo| 20/03/2023 06:25

(HNMCT) - Tốt nghiệp khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trịnh Thanh Nhã theo nghề biên kịch. Giải thưởng Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ VIII cho kịch bản đầu tay “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” là động lực để chị gắn bó với nghề “phu chữ” nhọc nhằn. Gần 40 năm làm nghề, Trịnh Thanh Nhã là biên kịch nữ hiếm hoi thành công ở cả lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, là “bà đỡ” mát tay cho nhiều biên kịch trẻ.

1. Quê gốc ở Nam Định nhưng Trịnh Thanh Nhã sinh ra tại Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông, chị thi vào khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ra trường, dù nằm trong nhóm học khá - giỏi nhưng Trịnh Thanh Nhã vẫn bị thất nghiệp. “Năm đó, sinh viên khoa Văn tốt nghiệp quá đông. Các tòa soạn báo đầy người, Viện Văn học cũng thế. Tôi thất nghiệp cho đến khi nhận được thông tin Hãng phim truyện Việt Nam tuyển người thông qua hình thức đào tạo tại chỗ. Ai trúng tuyển thì đi học 2 năm theo chương trình đào tạo do Cục Điện ảnh phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tổ chức, và quan trọng là được trả lương. Đương nhiên mình lao vào thôi, để giải quyết công ăn việc làm” - chị nhớ lại. Môn thi viết kéo dài 6 tiếng, trong khi nhiều người phải mang cả cơm đi ăn để chiều viết tiếp thì Trịnh Thanh Nhã chỉ làm bài có 2 tiếng là... hết vốn và xin phép về.

“Đến vòng thi vấn đáp, khi thấy các thầy hỏi những câu hỏi như thể cố gắng tìm hiểu xem mình là con cái nhà ai mà lại lao vào đây, thì mình biết là chẳng hy vọng gì rồi, nghĩ đằng nào cũng trượt nên trả lời rất đại khái. Cuối cùng, hóa ra lại đỗ thủ khoa” - chị chia sẻ.

Suốt 2 năm học, Trịnh Thanh Nhã giữ vững danh hiệu sinh viên xuất sắc, được các thầy Bành Bảo và Bành Châu rất yêu quý. Bài tập của chị luôn được chấm điểm cao. Đến khi làm bài tốt nghiệp, chị quyết định viết ra câu chuyện kỷ niệm của chính mình, lấy tựa đề là “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”. Kịch bản được chấm điểm khá cao và được giới thiệu để Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, để “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” có thể lên phim, chị đã phải trải qua quãng thời gian không hề lãng mạn như cổ tích khi làm việc với nhà biên kịch Lê Phương, lúc đó là người trực tiếp đảm nhận công tác biên tập.

Trịnh Thanh Nhã nhớ lại: “Kịch bản của mình đã được các thầy chấm điểm cao nhất rồi, vậy mà khi đem về Hãng, ông Lê Phương cứ bắt sửa đi sửa lại. Ông ấy không yêu cầu viết theo định hướng nào cả nhưng hoạnh họe đủ điều. Nào là tại sao lúc đó thư từ đi về lại khó như thế. Xong, lại hỏi đã từng nhìn thấy người chết chưa? Còn có một chuyện rất buồn cười. Lúc đó mình 25 - 26 tuổi và đã có chồng, vậy mà ông ấy vẫn quát lên: Cô không biết yêu là gì à? Hóa ra ông ấy muốn chê mình mô tả chuyện tình yêu như đang ở trên trời? Cứ thế, cho đến lần thứ 6, mình nghĩ nếu lần này không được thì thà bỏ cơ quan chứ nhất định không sửa nữa. May sao, ông ấy buông một tiếng “Được” nhẹ hều.

2. “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” được viết với phong cách đậm chất thơ, trữ tình. Nhân vật chính trong câu chuyện là An, nữ sinh năm cuối cấp 3. Sau khi mẹ qua đời, An sống với bố là bộ đội. Trong một lần tiễn bạn học nhập ngũ, An gặp cô giáo Thu có con trai tên Thái đang chiến đấu ngoài mặt trận. Cô Thu nhận An làm con dâu tương lai và cho An địa chỉ của Thái. Những cánh thư bay đi từ hậu phương và từ chiến trường trở về dệt nên mối tình đầu đẹp như câu chuyện cổ tích của cô nữ sinh 17 tuổi. Một mối tình câm lặng mà cô giữ kín trong lòng chỉ thổ lộ qua những con chữ, đó cũng là mối tình dành cho người lính, cho Tổ quốc thân yêu. Trong sáng thuần khiết, họ yêu nhau dù chưa một lần gặp mặt. An thậm chí từ chối bạn học cùng lớp tên Hải để dành trọn trái tim cho Thái. Nhưng anh không trở về mà nằm lại mãi mãi nơi chiến trường. Dù vậy, An vẫn một lòng yêu Thái, khiến cô suýt bỏ lỡ một mối tình có thực. Kịch bản “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” được ví như một bông hoa đẹp nhiều màu rực rỡ mà tinh khôi với nhiều trường đoạn bay bổng và lãng mạn đã trở thành cái nền vững chắc để đạo diễn Xuân Sơn hoàn thành bộ phim đề tài chiến tranh, hậu chiến đậm chất thơ. Ngoài giải Biên kịch xuất sắc, phim còn giành giải Đạo diễn xuất sắc, Quay phim và Họa sĩ thiết kế xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ VIII.  

Về phía Trịnh Thanh Nhã, sau cú “va đập” với nhà biên kịch dày dặn kinh nghiệm, chị nhận ra “câu chuyện làm lại nhiều lần thì tư tưởng của nó tự xuất hiện với các chi tiết hợp lý và gợi cảm nhất có thể; việc đặt ra các câu hỏi và trả lời các câu hỏi là để tăng thêm tính chặt chẽ của kịch bản và từ đó hiểu ra bố cục là gì, chi tiết là gì, tình huống là gì... - vốn là những bài học về nghề biên kịch mà chỉ thông qua thực hành mới hiểu được”. Dù vậy, chị vẫn quyết định ngừng làm việc với “cái người đã hành mình khốn khổ khốn nạn”.

“Quãng thời gian gần 2 năm sau đó, mình làm việc với biên tập khác. Cơ quan nhiều cửa, ông ấy vào cửa này thì mình vòng cửa sau, chứ để ông ấy nhìn thấy lại bảo làm tiếp đi thì chết dở” - chị kể. Nhưng cũng ngần ấy thời gian (khoảng 3 năm), Trịnh Thanh Nhã không có thêm kịch bản nào. Lúc này, chị nhận ra những lợi ích trong cách làm việc khắc nghiệt của biên tập Lê Phương nên quyết định quay lại với ông và lập tức thể hiện sự sung mãn trong nghề viết khi cho ra đời nhiều kịch bản mới đa dạng về đề tài, như “Gánh hàng hoa”, “Cạm bẫy tình”, “Tráng sĩ Bồ Đề”... Không chỉ thành công với mảng điện ảnh, Trịnh Thanh Nhã còn là "biên kịch vàng" của truyền hình. Chương trình Văn nghệ chiều chủ nhật một thời thu hút số lượng lớn người xem nhờ các bộ phim hấp dẫn, trong đó có nhiều phim do chị viết kịch bản, như “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ”, “Ngã ba thời gian”, “Con nhện xanh”, “Mã số thần kỳ”, “Lối rẽ”, “Những bông hồng xanh”...

Một cảnh trong phim “Lối rẽ” của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

3. Tác phẩm đầu tay không chỉ giúp chị giành giải thưởng mà còn kết nối Trịnh Thanh Nhã với nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Lê Phương để rồi vượt qua những buồn vui, thăng trầm của cuộc sống, họ đã gắn bó với nhau 35 năm cho đến lúc ông rời cõi tạm vào tháng 5-2022. Có lẽ nhiều người đã biết chuyện tình của Trịnh Thanh Nhã với nhà biên kịch Lê Phương nhưng chỉ khi chứng kiến cách chị - một người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ, lúc nào cũng sôi nổi, bận rộn - ân cần tỉ mẩn chăm sóc ông trong những chuyến đi ngược xuôi Nam - Bắc, lên rừng hay ra biển cho tới khi ông sống những ngày cuối đời trên giường bệnh mới hiểu rằng hai người họ sinh ra là để dành cho nhau. Nhờ tình yêu đẹp và những năm tháng đồng hành với người đàn anh, người thầy của mình mà Trịnh Thanh Nhã đã thành công hơn với nghề. Không những thế, chị còn là người nâng cánh ước mơ và trở thành bà đỡ cho các thế hệ biên kịch kế cận.

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, Trịnh Thanh Nhã vẫn chăm đi như trước. Những mối quan hệ cô trò gắn kết như gia đình với những chuyến đi thực tế sáng tác kết hợp thiện nguyện đã trở thành niềm vui, lẽ sống của chị. Trịnh Thanh Nhã là thế - người phụ nữ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực và luôn muốn lan tỏa điều đó tới mọi người.

Trong vai trò biên kịch, chị là tác giả của một số bộ phim điện ảnh “Chuyện cổ tích cho tuổi 17”, “Giải hạn”, “Tráng sĩ Bồ Đề”, “Cạm bẫy tình” và nhiều kịch bản phim truyền hình  như “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ”, “Ngã ba thời gian”, “Con nhện xanh”, “Mã số thần kỳ”, “Lối rẽ”, “Những bông hồng xanh”, “Chuyện làng bè”, “Chạm tới bình minh”, “Huế - mùa mai đỏ”, “Ám ảnh xanh”, “Ngược sóng”, “Trò đời”, “Mộ gió”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tận cùng với đam mê