Người “thắp lửa” cho ca trù xứ Đoài

Nguyễn Mai| 14/03/2023 09:32

(HNMO) - Ở tuổi 74, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam (nghệ danh Nguyễn Thị Minh Tam) ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng vừa được Chủ tịch nước vinh danh là Nghệ nhân nhân dân loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian ca trù. Đó là phần thưởng vô cùng quý giá của Nhà nước ghi nhận tài năng, sự cống hiến miệt mài của nghệ nhân quê hương “người gái đảm”...

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam (ở giữa) biểu diễn tiết mục ca trù.

Con tằm nhả tơ…

Ca trù là lối hát cung đình tồn tại lâu đời trên quê hương Thượng Mỗ. Tương truyền, từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng - người được mệnh danh là bà chúa của nghệ thuật ca trù đã truyền dạy cho con cháu dòng họ Nguyễn Duy - xã Thượng Mỗ. Hiện nay, tại đền Đầm Giếng, xã Thượng Mỗ – nơi thờ Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng vẫn còn bức hoành phi ghi 4 chữ "Kim chi ngọc diệp" (Cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời vua Lê Chính Hòa. Có những câu đối ngợi ca công đức của bà như: "Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt".

Trải qua hơn 400 năm, hậu duệ của Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng ở xã Thượng Mỗ vẫn tiếp nối truyền thống hát ca trù. Trong đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam là một trong những gương mặt tài năng, lão luyện trong làng. Cuối năm 2022 vừa qua, bà Tam đã được Chủ tịch nước vinh danh là Nghệ nhân nhân dân loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian ca trù.

Với tài năng và sự cống hiến miệt mài cho bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù, bà Nguyễn Thị Tam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Tuy vào tuổi "xưa nay hiếm" song Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng ca vẫn rất “lửa” với kỹ thuật điêu luyện, từ cách ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca tròn vành rõ chữ. Có bài, bà thể hiện cách hát chơi đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam kể: Xưa mẹ tôi là cụ Nguyễn Thị Chán từng là ca nương nức tiếng. Còn nhỏ, tôi đã được đắm mình trong những tiếng hát làn điệu mượt mà, những câu ca sâu lắng mà đầy triết lý của ca trù. Năm lên 12 tuổi, tôi được bố mẹ cho đi dự nhiều buổi biểu diễn trong vùng và bắt đầu học hát ca trù”, bà Tam nhớ lại.

Thừa hưởng “dòng máu” ca trù chảy trong người nên bà Tam dễ dàng thuộc làu 36 làn điệu cổ của mẹ từ Tỳ Bà, Bắc Phản đến Cung Bắc... Thấy con ham mê ca trù, cụ Nguyễn Thị Chán uốn nắn con từ cách cầm phách sao cho giòn đến cách lấy hơi, nhả chữ. Rồi ca trù cứ bén rễ, nảy mầm trong bà, đam mê cho tới tận ngày nay.

Vừa hát vừa gõ phách. Tiếng phách chắc và giòn. Lời ca và tiếng phách ăn khớp với nhau kết hợp cùng kép đàn đáy, trống chầu… Những làn điệu ca trù như: “Hồng hồng, tuyết tuyết”, "Ngày tháng thanh nhàn", “Tỳ bà hành"… hài hòa nhuần nhuyễn, thu hút sự chăm chú của người nghe. 

Trao truyền dòng chảy nghệ thuật

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên, trải qua chiều dài lịch sử, hát ca trù ở Thượng Mỗ cũng có khi thăng, khi trầm. Ví như trong suốt thời gian chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, khi cả đất nước dành ưu tiên hàng đầu cho đấu tranh giải phóng dân tộc, ca trù từng vắng bóng trong đời sống. Tới những năm 80-90 của thế kỷ trước, ca trù mới được phục dựng lại, ngày càng có bước phát triển thăng hoa. Cùng với chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc của huyện Đan Phượng. Trong đó, gìn giữ và phát triển nghệ thuật ca trù có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam ân cần truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ ở xã Thượng Mỗ.

Năm 2009, nghệ thuật ca trù đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Là một trong những cái nôi của ca trù xứ Đoài, việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này là nỗi trăn trở của rất nhiều nghệ nhân cũng như chính quyền xã Thượng Mỗ và huyện Đan Phượng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam tâm sự, những câu ca sâu lắng, đầy tính triết lý của ca trù như thôi thúc, cổ vũ bà phải nắm giữ tinh hoa ấy và gìn giữ, phát huy nghệ thuật ca trù lên tầm cao mới. Bởi vậy, bà đã tâm huyết truyền dạy tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ với mong mỏi dòng nghệ thuật dân tộc chảy mãi trong đời sống hiện đại.

Tiếp thêm nhiệt huyết của bà, năm 2003, UBND xã Thượng Mỗ đã quyết định thành lập Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ. Ban đầu, Câu lạc bộ chỉ vài thành viên trong dòng họ Nguyễn Duy, đến nay, Câu lạc bộ đã có gần 50 hội viên, có cả người thuộc nhiều dòng họ khác nhau trên địa bàn xã Thương Mỗ. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam là người “chèo lái” Câu lạc bộ. Bà cùng một số người cao tuổi am hiểu ca trù ngày đêm luyện tập cho thành viên trẻ trong Câu lạc bộ, đặc biệt là các em nhỏ. “Những ngày đầu mở lớp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì ít cháu theo học, cơ sở vật chất còn hạn chế. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động bố mẹ cho các cháu ra lớp học ca trù, bỏ tiền cá nhân mua quần áo cho bọn trẻ. Học ca trù rất khó, phải thuộc 5 khổ phách rồi mới dạy hát. Khi dạy phải uốn nắn từng câu rồi cách lấy hơi, nhả chữ. Điều đáng mừng là nhiều cháu rất thông minh, cảm nhận được nét đẹp của ca trù nên quyết tâm theo đuổi nghệ thuật dân gian này. Đến nay, ca trù ở Thượng Mỗ đã có lớp kế cận và còn có nhiều em nhỏ theo học – đó là điều rất mừng để giữ dòng chảy nghệ thuật của gia đình và quê hương”, bà Tam chia sẻ.

Cấp ủy, chính quyền xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) chúc mừng Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam - người đầu tiên ở huyện Đan Phượng được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước trong lĩnh vực ca trù.

Tôn vinh cống hiến của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam và vinh danh nghệ thuật ca trù của địa phương, mới đây, xã Thượng Mỗ tổ chức buổi giao lưu, vinh danh Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ Hoàng Quang Hưng cho biết, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của nghệ nhân Nguyễn Thị Tam và gia đình nói riêng mà còn là niềm tự hào của quê hương xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng nói chung khi có người đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này. Đó cũng là động lực để địa phương tiếp tục bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống hát ca trù của quê hương trong hành trình xây dựng nông thôn mới, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người “thắp lửa” cho ca trù xứ Đoài