Lấp lánh hạt vàng dâng đời

Bảo Hân| 14/03/2023 06:28

(HNM) - Những mảng lấp lánh ký ức Thăng Long xưa cũ trên những hoành phi, câu đối còn vương lại trong nét xuân chưa tan đã dẫn chúng tôi về làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm để gặp nghệ nhân trẻ Hoàng Thị Anh - một “nội tướng” giữ nếp nhà, giữ nghề tổ của mảnh đất nghề giàu truyền thống.

Nghệ nhân trẻ Hoàng Thị Anh (bên trái) hoàn thiện một sản phẩm mỹ nghệ tại làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

Lắng đọng nghìn năm

Kiêu Kỵ hôm nay đang đổi mới từng ngày để xứng với việc được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; gìn giữ nét độc đáo được truyền từ đời ông “Tổ nghề” Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), mà uy danh truyền lại trong đôi câu đối: “Phá giặc uy danh lừng đất Bắc/Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”.

Hôm nay đến làng nghề Kiêu Kỵ, bước ra ngõ là chạm mặt nghệ nhân. Nét riêng làng nghề còn thấy cả hình bóng nữ nhi trong vai trò là doanh nhân, nghệ nhân giữ nghề, truyền nghề cho muôn đời sau. Được vinh danh là nữ nghệ nhân tiêu biểu làng nghề Hà Nội đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, nữ nghệ nhân Hoàng Thị Anh, chủ cơ sở dát vàng Phương Nam và Phúc Lộc Thọ luôn ý thức vai trò “nội tướng” giữ nếp nhà, giữ nghề tổ để lan tỏa tinh hoa đi khắp muôn nơi.

Về làm dâu con Kiêu Kỵ chưa lâu, được bố chồng là một nghệ nhân dát vàng có tiếng trong vùng truyền nghề, nghệ nhân Hoàng Thị Anh nhập môn bằng tư duy người Thăng Long xưa cũ. Đấy chính là triết lý sống của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, lấy nhân hòa, lấy đức đối đãi người làm lẽ sống. Sản phẩm mang ý nghĩa nhất của 2 cơ sở Phương Nam và Phúc Lộc Thọ do chính bàn tay nghệ nhân Hoàng Thị Anh chế tác chính là bức tượng dát vàng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, luôn được lựa chọn trưng bày trong những sự kiện lớn của Thủ đô và cả nước. Để ra được khuôn mẫu sản phẩm tâm đắc mang nhiều triết lý dân sinh này, nghệ nhân Hoàng Thị Anh đã lặn lội đến những mảnh đất thiêng như Yên Tử , Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định..., nơi còn lưu dấu vị vua anh hùng 3 lần chiến thắng quân Nguyên, người khai mở Phật phái Trúc Lâm.

“Lửa thử vàng, gian nan thử người”, qua không biết bao lần chỉnh sửa, hình bóng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hiện lên đầy đủ các đức tính cao quý. Nói như nhà sử học Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đức, giảng viên Khoa Sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện được chân thực một quân vương gần gũi với nhân dân, quan tâm đời sống nhân dân, vừa thể hiện ngài là tu sĩ, nhà hiền triết minh tuệ, lắng đọng những đức tính người Việt nhân hậu, trí dũng song toàn.

Nữ “nội tướng“ trẻ tiên phong

Những năm gần đây, nhu cầu làm nội thất, phòng thờ và làm công đức chùa chiền lớn hơn nên việc làm ở làng nghề cũng nhiều hơn. Tuy nhiên yếu tố quan trọng để thành công phải là sự đam mê, phải luôn nỗ lực vượt qua và tìm cách giải quyết được khó khăn.

“Từ bé tôi đã theo mẹ đi lễ   nhiều chùa, lớn lên cũng mong muốn góp sức phụng sự Phật pháp, muốn được khôi phục lại các nét cổ của các tượng Phật, giữ được những nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống mà ngày xưa các cụ từng ghi dấu tích. Do vậy, trong quá trình làm nghề, lắm khi gặp khó khăn, thử thách, song với niềm đam mê và mong muốn tô điểm vẻ đẹp cho những ngôi chùa nên tôi đã nỗ lực vượt qua” - Nghệ nhân Hoàng Thị Anh chia sẻ.

Nghề dát quỳ gian nan, vất vả, không mấy ai hiểu để có được sản phẩm, người nghệ nhân phải liên tục quai búa và cùng lúc làm các động tác kỹ thuật trong nhiều giờ. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, đất Kiêu Kỵ lên phố với san sát chung cư, biệt thự, nhiều người trẻ làng nghề tính đi buôn bất động sản, bỏ lại cả cơ ngơi phú quý của tiên tổ truyền lại. Nhưng riêng nghệ nhân trẻ Hoàng Thị Anh và nhiều người khác vẫn thấy bồi hồi, thôi thúc mỗi khi nghe tiếng đập quỳ khoan nhặt, ngắm những miếng vàng, bạc thật được chế tác thành những sản phẩm quý dâng đời.

Nghệ nhân trẻ chia sẻ, để dát một pho tượng, người thợ ngoài sự cẩn thận, tỉ mỉ thì phải tìm hiểu kỹ, đọc nhiều tài liệu để lên phương án làm tốt nhất. Để làm ra một mẫu mất rất nhiều thời gian. Dù một số công đoạn đã có thể dùng máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng có những phần việc vẫn phải làm thủ công, như xây lò, làm mực, sang vàng... Vất vả là vậy, nên thật không dễ dàng theo được nghề, gắn bó được với nghề.

Với việc xây dựng được đội ngũ thiết kế hỗ trợ từ khâu lên ý tưởng, đồ họa và thi công lành nghề, cơ sở của nghệ nhân Hoàng Thị Anh ngày càng phát triển. Cùng với đó, nghệ nhân còn truyền dạy nghề cho hàng trăm người cùng có chung niềm yêu nghề truyền thống. Sau nhiều nỗ lực, năm 2021, nghệ nhân Hoàng Thị Anh được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội vinh danh là một trong 10 nữ nghệ nhân tiêu biểu... Đó là sự ghi nhận, động viên để Hoàng Thị Anh tiếp tục cố gắng, trở thành tấm gương sáng của thế hệ trẻ, mang đến hơi thở mới cho làng nghề truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấp lánh hạt vàng dâng đời