Chuyện về người khiếm thị làm nhiều ''việc tử tế''

Hà Hiền| 19/02/2023 11:27

(NSHN) - “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng với Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành, việc thiếu đi ánh sáng từ đôi mắt dường như không khiến anh gặp khó, mà tiếp thêm động lực, ý chí, niềm tin để sống tốt hơn, làm nhiều việc có ý nghĩa hơn. Hành trình vươn lên cùng những việc làm hữu ích đưa anh Thành trở thành nhân vật của chương trình “Việc tử tế”.

Anh Nguyễn Tiến Thành (trái) cùng một nhân vật được tôn vinh trong chương trình "Việc tử tế".

Tìm thấy ánh sáng từ niềm tin

“Thuyền trưởng” của cộng đồng người khiếm thị quận Thanh Xuân hiện nay sinh năm 1982, sống tại phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân). Hành trình lớn lên, lập nghiệp của anh Nguyễn Tiến Thành như bao nhiêu người bình thường khác. Đến năm 2009, anh Thành phát hiện bản thân bị bệnh Glocom (tăng nhãn áp). Dù tích cực điều trị, nhưng đôi mắt của anh cứ mờ dần rồi mất hẳn thị lực vào năm 2011.

“Thời gian đầu không nhìn thấy ánh sáng, tôi cảm thấy bế tắc, mất phương hướng trong cuộc sống. Trong tôi thường xuyên hỗn độn với những câu hỏi: “Tôi phải sống ra sao? Tôi phải làm gì? Tại sao lại như thế?...”, anh Thành nhớ lại.

Khi tâm lý ổn định hơn, bình tĩnh suy nghĩ, anh Thành nhận ra, bản thân cần thích ứng với cuộc sống mới. “Ánh sáng từ đôi mắt không còn, nhưng tôi vẫn có ánh sáng đến từ ý chí, nghị lực, niềm tin, từ tri thức, từ trái tim yêu thương và mong muốn được cống hiến”, anh Thành bày tỏ. 

Những suy nghĩ tích cực của bản thân cùng sự quan tâm, động viên, khích lệ của người thân, bạn bè, giúp anh Thành tự tin đi tìm nguồn ánh sáng đặc biệt mà anh thường gọi là “ánh sáng của niềm tin”. Việc đầu tiên trên chặng đường mới mà anh Nguyễn Tiến Thành thực hiện, đó là đăng ký tham gia sinh hoạt cùng những người đồng cảnh, trở thành hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân, học chữ nổi, học đánh máy vi tính dành cho người khiếm thị.

Với tinh thần nỗ lực vươn lên, chủ động thích ứng, anh Thành có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng kỹ thuật dành cho người khiếm thị. Cứ thế, cánh cửa cuộc sống mới dần mở ra và anh trở thành cán bộ, hội viên tích cực, nhiệt huyết của Hội Người mù quận Thanh Xuân. Đến tháng 5-2019, anh Thành được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2019-2024.

Vững “tay chèo”

Đảm nhận vai trò chèo lái các hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân, anh Nguyễn Tiến Thành luôn vững “tay chèo”, cùng đội ngũ cán bộ, hội viên đưa Hội phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu.

Chứng kiến không ít hội viên sống khép kín, thiếu tự tin, liên tục từ năm 2019 đến nay, anh Thành cùng Ban Chấp hành Hội Người mù quận Thanh Xuân mở nhiều lớp dạy chữ, dạy nghề, dạy yoga, nhảy zumba, dạy tiếng Anh, các chương trình văn hóa, văn nghệ…, tạo điều kiện cho đa số hội viên có thể tham gia.

Các hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân tự tin tỏa sáng theo cách riêng.

Cùng với đó, Hội Người mù quận Thanh Xuân mời các diễn giả, chuyên gia tổ chức nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn, tư vấn hội viên cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc, sống hữu ích… Nhiều hoạt động được Hội Người mù quận Thanh Xuân duy trì tổ chức ngay cả những thời điểm thành phố Hà Nội giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19.

“Khi hội viên không được giao tiếp, giao lưu, trao đổi trong thời gian dài, dễ dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ sinh hoạt. Thế nên, dù gặp nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức trực tuyến, tạo không khí phấn khởi cho hội viên”, anh Thành cho hay.

Đáng chú ý, một số chương trình, hoạt động do anh Nguyễn Tiến Thành khởi xướng, huy động nguồn lực để tổ chức trở thành sân chơi bổ ích, lý thú của hội viên, tạo tiếng vang trong xã hội. Nổi bật là chương trình “Tìm kiếm tài năng người khiếm thị Thủ đô”, “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”, “Tài sắc Thanh Xuân”...

Tích cực tham gia các hoạt động, nhiều hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân vượt qua những rào cản tâm lý, sống tự tin. Hội viên Phú Thị Hạnh (sinh năm 1990) chia sẻ: “Tham gia những sân chơi bổ ích, chúng tôi có cơ hội tự tin tỏa sáng theo cách riêng. Điều này giúp chúng tôi nâng cao năng lực giao tiếp, hòa nhập xã hội”.

Về đời sống, anh Nguyễn Tiến Thành cùng các “cộng sự” chủ động liên hệ, vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao quà, trợ cấp đến các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm… Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, họ được quan tâm, giúp đỡ để vươn lên phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh.

Đời sống tinh thần của hội viên ngày càng nâng lên.

Nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt, hiện nay, Hội Người mù quận Thanh Xuân không còn hội viên phải sống trong cảnh nghèo, nhiều người tự tin hòa nhập bằng khả năng của chính họ. Số lượng hội viên của Hội ngày càng mở rộng (hiện có 115 người), có những người cư trú trên địa bàn quận Thanh Xuân, có những người cư trú ngoài quận Thanh Xuân, nhưng mong muốn được sinh hoạt tại đây.

Lan tỏa “việc tử tế”

Sau khi các hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân đi vào nếp, “thuyền trưởng” Nguyễn Tiến Thành tìm hướng đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, lan tỏa những việc tử tế.

Trên tinh thần đó, Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp với đơn vị chức năng, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thường xuyên cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt Nguyễn Thanh Liêm (trú tại ngõ 7, phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân). Ông Liêm không may bị khiếm thị, sống với mẹ già yếu gần 90 tuổi, lại mắc cùng lúc nhiều loại bệnh, nên nguồn trợ cấp xã hội hằng tháng không đủ trang trải cho cuộc sống, mua thuốc thang mỗi khi sức khỏe suy giảm. “Nhờ được hỗ trợ cao hơn mức chuẩn nghèo, cuộc sống vật chất của tôi vơi bớt khó khăn, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Hiện nay, tôi tham gia hầu hết các hoạt động do Hội Người mù quận Thanh Xuân tổ chức”, ông Liêm bày tỏ.

Những trường hợp có hoàn cành khó khăn được Hội Người mù quận Thanh Xuân quan tâm trợ giúp kịp thời.

Trường hợp khác hiện được trợ giúp về nhiều mặt từ Hội Người mù quận Thanh Xuân và Chủ tịch Hội Nguyễn Tiến Thành là cháu N.T.L (12 tuổi), tạm trú trên địa bàn phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Lều Thị Hảo, mẹ của cháu L cho biết: “Đúng lúc mẹ con tôi không biết phải đối diện với cuộc sống như thế nào, thì may mắn gặp được anh Nguyễn Tiến Thành. Anh Thành đã tận tình hướng dẫn tôi cách làm bạn, đồng hành với con; hướng dẫn con tôi kỹ năng thích ứng với cuộc sống không nhìn thấy ánh sáng”.

Theo lời kể, cuộc sống của 3 mẹ con chị Hảo chồng chất những nỗi đau, khi người chồng là trụ cột của gia đình đã chia tay vợ, ít quan tâm đến con cái. Trong khi đó, chị Hảo đang mắc trọng bệnh, còn hai con gái bị bại não, sức khỏe yếu ớt. Cháu N.T.L là gái lớn, bị mất hoàn toàn thị giác khi lên 9 tuổi.

Ngoài việc duy trì trợ giúp cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, anh Nguyễn Tiến Thành cùng Ban Chấp hành Hội Người mù quận Thanh Xuân xây dựng kế hoạch mở rộng sự trợ giúp đến người khiếm thị ở các địa phương vùng khó khăn thuộc thành phố Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố bạn. Phương thức trợ giúp linh hoạt, đa dạng, tương tự như cách làm trên địa bàn quận Thanh Xuân, góp phần khích lệ, động viên, tạo thuận lợi tối đa để đông đảo người khiếm thị có thể vượt qua “bóng tối”…

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa xuất phát từ sự đồng cảm, thấu hiểu và trái tim yêu thương, anh Nguyễn Tiến Thành được các cơ quan chức năng tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý. Đầu tháng 1-2023, anh là nhân vật đại diện cho cộng đồng người khiếm thị có mặt trong chương trình “Việc tử tế” của Đài Truyền hình Việt Nam, tôn vinh 50 người có những hành động đẹp, giàu tính nhân văn, góp phần lan tỏa những điều tử tế trong xã hội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người khiếm thị làm nhiều ''việc tử tế''