Cô giáo giàu trách nhiệm với cộng đồng

Thu Hằng| 04/01/2023 06:34

(HNM) - Ở Trường Trung học Vinschool Times City, ai cũng khen cô giáo Vũ Thị Thảo là người có tấm lòng nhân ái và sống trách nhiệm với cộng đồng. Cô giáo Vũ Thị Thảo đã thành lập Câu lạc bộ Mì tôm xanh, tái chế phế thải (vỏ gói mì tôm) thành vật dụng hữu ích và lan tỏa lối sống xanh, chung tay bảo vệ môi trường đến người dân và các em học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Thảo (Trường Trung học Vinschool Times City) hướng dẫn học sinh của Câu lạc bộ Mì tôm xanh đan sản phẩm từ vỏ mì tôm.

Từ phế thải thành vật dụng hữu ích

Đầu năm 2020, Trường Trung học Vinschool Times City - nơi cô giáo Vũ Thị Thảo công tác đã phát động “Tuần lễ bảo vệ môi trường”, trong đó có cuộc thi ý tưởng tái chế phế thải thành vật dụng hữu ích. Hưởng ứng cuộc thi, cô giáo Vũ Thị Thảo đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi vật liệu tái chế.

Là người con của vùng quê có làng nghề truyền thống mây, tre đan huyện Phú Xuyên, cô giáo Vũ Thị Thảo đã nghĩ ngay đến việc dùng vỏ gói mì tôm làm nguyên liệu đan lát. “Từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy đan, nên tôi muốn bảo tồn và phát huy những giá trị đó bằng một cách đặc biệt hơn, đó là dùng nguyên liệu bằng vỏ gói mì tôm. Vỏ gói mì tôm mềm, dễ cuộn, lại có nhiều màu sắc sẽ tạo ra những sản phẩm bắt mắt. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 7 tỷ gói mì tôm, đồng nghĩa với lượng vỏ gói mì khổng lồ thải ra môi trường. Nếu tái chế được sẽ hạn chế tối đa việc thải rác khó phân hủy ra môi trường”, cô giáo Vũ Thị Thảo cho hay.

Sau khi thử nghiệm được một số sản phẩm thành công, cô giáo Vũ Thị Thảo đã thành lập Câu lạc bộ Mì tôm xanh tại nơi công tác. Ngay từ khi bắt đầu, Câu lạc bộ Mì tôm xanh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Có gần 300 cộng tác viên ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước làm đầu mối gom vỏ mì tôm gửi về cho câu lạc bộ. Câu lạc bộ mì tôm xanh cũng liên kết với Công ty Rác là vàng để chuyển những phế phẩm và rác thải trong khâu sản xuất, tái chế thành gạch, chứ không xả ra môi trường.

Song song với sứ mệnh giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường, Câu lạc bộ Mì tôm xanh cũng hướng tới việc giáo dục các phẩm chất, kỹ năng cho các bạn trẻ. Câu lạc bộ đã phối hợp với doanh nghiệp xã hội vì trẻ khiếm thính Việt Nam mở lớp dạy miễn phí cách đan các sản phẩm từ vỏ gói mì tôm. Các phụ huynh có con khiếm thính và trẻ khiếm thính trên 16 tuổi của Trường Phổ thông Hy vọng Long Biên được truyền nghề để có công việc ổn định, mang lại thu nhập.

Số tiền bán sản phẩm (khoảng 30 triệu đồng) được câu lạc bộ ủng hộ vào các quỹ từ thiện với mong muốn mọi người thêm thấu hiểu và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn. “Tôi rất vui khi 5 mục tiêu mình đặt ra đã thực hiện được. Đó là, tạo ra những sản phẩm sử dụng hiệu quả trong cuộc sống, có tính thời trang và đa dạng về mẫu mã từ vỏ gói mì tôm; bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải ni lông ra môi trường bằng cách thu gom vỏ gói mì tôm trên toàn quốc; tạo việc làm cho trẻ khiếm thính, đóng góp cho các quỹ và hỗ trợ cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền bán sản phẩm thu được; lan tỏa thông điệp phát triển bền vững tới mọi thế hệ”, cô giáo Vũ Thị Thảo chia sẻ.

Mong muốn phát triển thành doanh nghiệp xã hội

Vượt qua gần 400 hồ sơ sáng kiến dự thi, Dự án mì tôm xanh của cô giáo Vũ Thị Thảo đã đoạt giải B cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV tổ chức tối 29-11 vừa qua.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá, dự án này đã thực hiện được 2 năm, có phạm vi ứng dụng trên diện rộng, tất cả các sản phẩm làm ra đều được sử dụng hiệu quả trong thực tế. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mì tôm xanh là một giáo viên tâm huyết, tích cực hoạt động xã hội, có rất nhiều ý tưởng về sản phẩm, đã thực hiện được nhiều mẫu sản phẩm đẹp và đa dạng.

Nói về dự án, cô giáo Vũ Thị Thảo chia sẻ: “Điều tôi luôn cố gắng đem đến cho học sinh chính là kiến thức, văn hóa và lối sống tuần hoàn. Không chỉ kiến thức trên sách vở, mà còn là những kiến thức về cuộc sống, về xã hội, là lối sống lành mạnh, cống hiến vì xã hội, vì cộng đồng. Câu lạc bộ Mì tôm xanh cũng là động lực để tôi gắn bó hơn với đam mê nghề giáo”.

Thời gian tới, Câu lạc bộ Mì tôm xanh sẽ đến các trung tâm bảo trợ xã hội và Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội để hướng dẫn mọi người đan lát các sản phẩm từ vỏ gói mì tôm. Về lâu dài, Câu lạc bộ Mì tôm xanh sẽ chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp xã hội để phát triển một cách ổn định và giúp ích cho cộng đồng nhiều hơn. Đồng thời, tham gia nhiều các hoạt động thiện nguyện hoặc liên kết với các công ty môi trường để thu gom vỏ gói mì tôm ổn định; phối hợp với các nhà hàng, công ty du lịch, cửa hàng quà lưu niệm để tiêu thụ sản phẩm; kết hợp với các tour du lịch để bán sản phẩm cho khách nước ngoài, quảng bá hình ảnh người Việt Nam sống có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo giàu trách nhiệm với cộng đồng