Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân: Hết mình vì ''những đứa con tinh thần''

Vân Thảo| 01/01/2023 06:31

(HNMCT) - Là con trai của NSND Nguyễn Hải Ninh, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã nỗ lực vượt qua “cái bóng” của cha bằng những tác phẩm chỉn chu, mang đậm cá tính riêng. Trong những tác phẩm ấy, có những bộ phim đã trở thành tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam như “Chuyện tình trong ngõ hẹp”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Đời cát”…, và mới nhất là “Bình minh đỏ”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên trường quay bộ phim “Sống cùng lịch sử”.

1. Năm 10 tuổi, Nguyễn Thanh Vân đã theo chân bố đi làm phim với "nhiệm vụ chính" là hằng ngày ra trường quay đứng trật tự để xem các cô chú diễn. Anh kể, ê kíp làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” thực hiện một số cảnh quay tại vùng biển Hải Hậu (Nam Định) đúng dịp anh nghỉ hè nên được bố cho đi cùng. Đoàn làm phim chia thành nhiều nhóm trọ rải rác trong nhà dân, tối đến đạo diễn Hải Ninh giao cho con trai "nhiệm vụ" đến từng nhà mời các thành viên trong đoàn đến họp. Lúc này, Thanh Vân dĩ nhiên chưa hiểu sự vất vả, chi tiết của công việc làm phim mà chỉ thắc mắc một điều: Sao đoàn phim họp nhiều thế, ngày nào cũng họp?

Bảy năm sau, năm 1979, Nguyễn Thanh Vân tốt nghiệp cấp 3 Trường THPT Lý Thường Kiệt cùng với danh hiệu học sinh giỏi môn Văn. Đó cũng là thời điểm đạo diễn Hải Ninh nổi danh khắp trong và ngoài nước. Những tưởng Nguyễn Thanh Vân sẽ chọn theo nghề làm phim của cha mình nhưng anh lại nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau 4 năm học, Nguyễn Thanh Vân quyết định thi vào khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Rồi Nguyễn Thanh Vân về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, nơi cha anh đã gắn bó để làm nên những tác phẩm để đời như “Người chiến sĩ trẻ”, “Rừng O Thắm”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”... Tuy vậy, tới năm 1992, Nguyễn Thanh Vân mới được giao bộ phim đầu tay “Chuyện tình trong ngõ hẹp” và anh lập tức khẳng định tài năng đạo diễn của mình khi bộ phim giành giải Khuyến khích do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng.

Ở các phim tiếp theo, Nguyễn Thanh Vân tiếp tục chứng minh anh và điện ảnh có duyên nợ qua “Cây bạch đàn vô danh” (giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI - 1996, giải B Hội Điện ảnh Việt Nam - 1995, giải Ngọn đuốc Đồng Liên hoan phim quốc tế Các nước không liên kết tại Bình Nhưỡng - 1996), “Đời cát” (giải A Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Phim hay nhất Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 tổ chức tại Hà Nội năm 2000, giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII - 2001), “Sống cùng lịch sử” (Cánh diều Vàng - Phim truyện xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều 2014)…

2. Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Thanh Vân là đạo diễn giỏi với các bộ phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến. Từ “Cây bạch đàn vô danh”, “Đời cát” cho tới “Bình minh đỏ” - bộ phim mới nhất của anh nói về trung đội nữ lái xe Trường Sơn, Nguyễn Thanh Vân đã khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh không phải bằng những cảnh bom rơi đạn nổ mà bằng nỗi mất mát, cô đơn, khát khao hạnh phúc một cách bản năng của những con người ra đi, trở về cả trong và sau cuộc chiến. Có mất mát nào mà không gây đau đớn nhưng trong phim của Nguyễn Thanh Vân, đó là sự hy sinh để hồi sinh, bất kể đó là sinh mệnh hay tình yêu.

Cũng giống như cha mình, với cách làm việc thận trọng, chi tiết từ khâu chọn diễn viên, bối cảnh cho tới cách xử lý tinh tế trong từng tình huống, đặc biệt là những trường đoạn diễn tả nội tâm nhân vật, Nguyễn Thanh Vân đã thành công trong việc lấy cảm xúc từ người xem, biến mỗi bộ phim thành một bài thơ giàu cảm xúc.

“Đời cát” là một ví dụ tiêu biểu về chất lãng tử và chất thơ trong phong cách làm phim của Nguyễn Thanh Vân. Đó là câu chuyện giản dị mà sâu lắng về những phận người trên vùng cát trắng mênh mông trong những năm tháng chiến tranh vừa kết thúc. Rời chiến trường, họ trở về sống cùng cát và sống cuộc đời đẹp như cát. Thật cảm động trước cuộc chia tay của 3 người trên sân ga. Người vợ cả, bà Thoa, khi thấy chồng và cô vợ hai ôm nhau khóc trong một góc khuất của ngôi nhà hoang, đã quyết định mua thêm vé cho chồng đi cùng người ấy.

Còn Tâm - người vợ lẽ, khi thấy chồng xuất hiện trên tàu đã mừng khôn xiết với hy vọng được đoàn viên sau bao giận dỗi tủi hờn. Thế nhưng, người chồng lại quyết định xuống tàu ở lại vùng cát trắng với người vợ lam lũ đã chịu thương chịu khó đợi chờ anh suốt đời. Các nhân vật trong phim đẹp đẽ lạ thường trong cách hành xử mà đạo diễn đã định cho họ. Và, những trạng thái cảm xúc thăng hoa trong mỗi quyết định và cách hành xử của họ đã nâng tầm bộ phim lên rất nhiều.

“Đời cát” đã nhận cơn mưa giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII. Ngoài đồng giải Bông sen Vàng cùng phim “Mùa ổi”, phim còn nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc dành cho Hồng Ánh, giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Lan Hà... và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giành giải Đạo diễn xuất sắc.

Sau “Đời cát”, Nguyễn Thanh Vân làm hai bộ phim điện ảnh với những nhân vật nữ chính “có số phận đặc biệt”. Đó là các phim “Người đàn bà mộng du” và “Trái tim bé bỏng”. Vẫn phong cách làm phim tập trung vào câu chuyện và những tình tiết đẩy nội tâm nhân vật lên cao trào, thu hút cảm xúc của người xem theo cùng diễn tiến của phim hơn là thủ thuật ciné thông thường trong các giáo trình dạy làm phim, Nguyễn Thanh Vân đã mang đến một “Người đàn bà mộng du” đầy xúc cảm và một “Trái tim bé bỏng” buồn đến chênh chao. “Người đàn bà mộng du” đã đem về cho anh giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV, giải Cánh diều Vàng - Phim truyện xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều 2004 và giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 49, còn “Trái tim bé bỏng” giành giải Cánh diều Bạc 2007.

3. Vào nghề muộn, 30 tuổi mới đạo diễn bộ phim đầu tiên, sự nghiệp điện ảnh của Nguyễn Thanh Vân không nhiều nhưng anh là nhà làm phim hiếm hoi của Việt Nam thành công với hầu hết các dự án do anh thực hiện. Điện ảnh vốn không có giới hạn sáng tạo và không có thước đo hay công thức chuẩn nào để đánh giá. Vì sao Thanh Vân làm phim nào “ăn giải” phim nấy, liên tục chinh phục ban giám khảo các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh? Câu trả lời đơn giản, là bởi anh đã luôn hết mình cho nó. Thanh Vân không chỉ dành nhiều thời gian để chuẩn bị, mà còn để sống cùng những đứa con tinh thần của mình. Còn tài năng thì… dĩ nhiên là anh có rồi.

Đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường làm phim, từ chiếc bàn làm việc trong căn phòng ngăn nắp đầy ắp sách vở cũng là không gian sống của hai vợ chồng đến những cung đường cheo leo miền Tây Bắc hay vùng cát nóng Nam Trung Bộ luôn có người bạn đời, bạn nghề của anh - NSND Phạm Nhuệ Giang. Bà là đạo diễn của các bộ phim “Tâm hồn mẹ”, “Thung lũng hoang vắng”, (phim truyện điện ảnh) và các phim truyền hình: “Lập trình cho trái tim”, “Trò đời”, “Sống gượng”… Cùng nhau, họ đã sống và cống hiến, góp phần kiến tạo nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Từ năm 2005, tên tuổi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bắt đầu xuất hiện ở mảng truyền hình với đủ đề tài, thể loại. Tiêu biểu là các phim: “Một thời đã sống” của Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS), “Tuổi yêu” (Công ty Sao Thế giới), “Lều chõng” (TFS), “Cocktail cho tình yêu” (Hãng phim Đông A), “Những ông bố độc thân” (Công ty M&T)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân: Hết mình vì ''những đứa con tinh thần''