Điểm tựa cho đồng đội khó khăn

Bảo Hân| 15/11/2022 06:21

(HNM) - Ở tuổi 67, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên Nguyễn Thị Bình vẫn vẹn nguyên sự mộc mạc, chân tình và phần nào tác phong nhanh nhẹn của người nữ thanh niên xung phong cách đây 50 năm trước. Giờ đây, không chỉ chăm lo, vun vén cho gia đình riêng, bà Nguyễn Thị Bình còn đặt tâm huyết ở “gia đình lớn” là Hội Cựu thanh niên xung phong với gần 900 hội viên, với mong muốn trở thành điểm tựa cho những đồng đội khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên và các hội viên thăm gia đình hội viên làm kinh tế giỏi.

Bắc cầu phao dưới bom B52

Tình nguyện nhập ngũ ngày 13-6-1972 khi đơn vị thanh niên xung phong C1-2771-N277 (Đội cầu 3) Bộ Giao thông Vận tải vừa thành lập, thiếu nữ 17 tuổi Nguyễn Thị Bình cùng các đồng đội chỉ có một tháng để vừa học chính trị, vừa học kỹ thuật lắp ráp cầu phao Đông Trù dài 480m.

Trong hồi ức về 12 ngày đêm rực lửa của trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bà Bình vẫn nhớ rõ từng chi tiết vào đêm 13-12-1972, cầu phao bị đánh bom. “Hai tiểu đội trực cầu đêm ấy gồm 25 đồng chí, trong đó có tôi, khi nghe còi báo động lập tức di chuyển nhanh lên bờ. Thay vì vào hầm như mọi khi, mọi người được yêu cầu trú ẩn ở bốt xi măng trên đê. Ngay sau đó, hầm bị bom dội trúng. Nếu không nhờ may mắn và chỉ đạo sáng suốt của chỉ huy đơn vị thì tất cả đã hy sinh…”, bà Bình xúc động hồi tưởng.

Những ngày sau đó, dù giặc Mỹ tiếp tục bắn phá, đơn vị của bà vẫn ngày đêm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn xe vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội lên phía Bắc. Dòng nước lúc dâng cao, lúc rút thấp nên mố cầu thường xuyên phải nâng lên hạ xuống theo. Nhiều lần do lũ cuốn, cầu bị uốn cong, toàn đơn vị phải làm việc liên tục ngày đêm để thông cầu... Nhớ lại những năm tháng gian khó mà oanh liệt ấy, bà Bình vẫn thấy thật tự hào và nhờ đó đã tôi luyện, hình thành ở bà nhiều đức tính tích cực.

Từ năm 1976, hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương (xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên) bà Bình tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phong trào, đảm nhiệm nhiều vai trò, từ Bí thư Đoàn Thanh niên xã đến Bí thư Chi bộ 2, kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thạch Bàn. Ở vai trò nào bà cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chiếm được thiện cảm của mọi người bởi sự năng động, nhiệt tình, chuyên tâm và chỉn chu trong công việc.

Tận tình với việc chung

Tháng 3-2021 là dấu mốc mới khi bà Nguyễn Thị Bình được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên. Nhận nhiệm vụ, bà Bình chủ động cùng tập thể Ban Thường vụ xây dựng quy chế hoạt động của Hội, xây dựng và triển khai kế hoạch từng năm, quán triệt các văn bản chỉ đạo đến tổ chức cơ sở.

Trong năm 2022, Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp quận Long Biên đã thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ 86 lượt hội viên khó khăn, tặng các phần quà trị giá trên 34 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, Ban Chấp hành Hội đang lên kế hoạch vận động các hội viên cũng như các nguồn tài trợ khác gây quỹ giúp đỡ gia đình một nữ hội viên là thương binh tại phường Đức Giang nâng cấp nhà ở vào đầu năm 2023.

Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” được gây dựng với số tiền gần 400 triệu đồng, do các cơ sở tự quản lý, đã giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Quận hội Long Biên hiện có 25 gia đình và trên 50 hội viên làm kinh tế giỏi. Những mô hình tiêu biểu kinh doanh, dịch vụ gia đình như các bà Hà Thị Khánh, Nguyễn Thị Chuyển (phường Đức Giang), gia đình bà Ngô Thị Ninh, Ngô Thị Nõn (phường Phúc Đồng), gia đình ông Trần Văn Tiến (phường Sài Đồng) có doanh thu đạt từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho con cháu của hội viên cựu thanh niên xung phong với thu nhập ổn định 6-10 triệu đồng/tháng.

“Hiện nay, Quận hội còn 7/14 đồng chí là chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong các phường chưa được hưởng chế độ thù lao đặc thù, 150 hội viên thanh niên xung phong tiền trạm Lâm Đồng giai đoạn 1976-1979 và 24 hội viên tham gia xây dựng kinh tế Thủ đô đến nay chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Trách nhiệm của Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên trong thời gian tới là tiếp tục khắc phục khó khăn, liên hệ xác minh các hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách với cựu thanh niên xung phong còn tồn đọng”, bà Bình trăn trở về các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đánh giá cao năng lực làm việc của bà Bình, Trưởng ban Tổ chức - Thi đua, Tuyên truyền Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Nguyễn Khổn cảm nhận, dù mới nhận nhiệm vụ nhưng nhờ cách làm việc khoa học, chỉn chu và giàu nhiệt huyết nên hoạt động của Hội Cựu thanh niên xung phong quận Long Biên đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là công tác nghĩa tình đồng đội. Các cấp hội ở quận Long Biên thực sự quan tâm đến hội viên.

Với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm trong công việc, bà Nguyễn Thị Bình luôn là chỗ dựa tin cậy cho nhiều đồng đội, hội viên cựu thanh niên xung phong trên địa bàn quận Long Biên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa cho đồng đội khó khăn