Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa: Khát khao được cống hiến cho Hà Nội

Đăng Khoa| 16/10/2022 05:58

(HNMCT) - Yêu, say đắm giá trị văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã bỏ công sức tìm tòi, nghiên cứu các dòng tranh dân gian, đặc biệt là tranh Kim Hoàng. Với nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 6 năm qua, chị đã bước đầu khôi phục được dòng tranh thất truyền ngót 70 năm nay tại làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Mới đây, chị đã nhận giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội trong khuôn khổ giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội với cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (Nhà xuất bản Thế giới).

1. Có mặt tại buổi ra mắt sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, tôi vô cùng khâm phục sự đam mê, tâm huyết và sức làm việc của chị. Tôi tự hỏi, nguồn năng lượng nào, thời gian nào để người phụ nữ nhỏ nhắn này vừa làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, vừa làm quản lý cho một cơ sở đào tạo giáo dục, vừa đảm đương vị trí Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội mà vẫn có thời gian nghiên cứu tranh dân gian, đặc biệt là tranh dân gian Kim Hoàng. Nhận được câu hỏi này, chị mỉm cười đáp: “Tôi đã làm việc gì là làm đến cùng và làm bằng đam mê cháy bỏng. Với mỗi lĩnh vực nghiên cứu tôi như sống trong một cuộc đời khác nhau, đó chẳng phải là điều hết sức thú vị hay sao!”.

Việc nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa giành giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội trong hệ thống giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay với cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” không gây bất ngờ với nhiều người. Bởi suốt 6 năm qua, ai trong giới nghiên cứu cũng đều biết, chị đã phải bỏ biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, tâm huyết vào việc phục dựng dòng tranh dân gian đã bị thất truyền ngót 70 năm qua. “Khi bắt đầu nghiên cứu về tranh Kim Hoàng, tất cả tư liệu mà chúng tôi sưu tầm, tìm hiểu được gần như là con số 0, vì thời gian đã quá lâu rồi, những người sống ở thời đó hầu hết đã qua đời. Chính những cuốn sách của Maurice Durand và Henri Oger về tranh dân gian Việt Nam đã truyền cảm hứng cho tôi, bởi tôi nghĩ rằng họ là người nước ngoài nhưng lại kỳ công nghiên cứu di sản quý báu của Việt Nam, tại sao chúng ta lại không làm được? Nếu ta không làm thì 5 năm nữa sẽ không còn hiện vật để sưu tầm, hơn nữa tôi vẫn tự nhủ mình là người Hà Nội mà không tìm hiểu, góp sức lan tỏa giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội thì thật đáng tiếc” - chị chia sẻ.

2. Suốt 15 năm tìm hiểu tư liệu, khảo sát, điền dã khắp mọi miền Tổ quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã sở hữu bộ sưu tập “khủng” là nhiều cuốn sách có giá trị về tranh dân gian Việt Nam. Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” gồm ba chương, với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn. Độc giả có thể tìm hiểu về làng Kim Hoàng, xuất xứ và đặc điểm của dòng tranh tại đây cũng như quy trình chọn giấy in tranh, kỹ thuật pha màu, cách thức tổ chức sản xuất, tạo mẫu... cho các bức tranh Kim Hoàng trong giai đoạn hiện tại. Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” ra đời là một minh chứng để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam, góp phần đưa dòng tranh dân gian đến gần hơn với người dân đất Việt”.

Trước đó, Nguyễn Thị Thu Hòa đã ra mắt loạt sách về tranh dân gian: “Tranh dân gian Hàng Trống”, “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, “Tranh dân gian Huế”, “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” và là chủ biên bộ sách gồm 2 cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (giải B Giải Sách quốc gia lần thứ 3 - năm 2020). Tất nhiên, ra sách chỉ là một phần việc cụ thể trong dự án khôi phục dòng tranh dân gian, điều quan trọng mà chị hướng đến là những việc làm, hành động cụ thể, có hiệu quả rõ rệt. Những ai có dịp về làng Kim Hoàng thì thấy, hiện nay, ở làng đã có nghệ nhân Đào Văn Chung - một người con của làng, dù còn thiếu hiểu biết về tranh Kim Hoàng nhưng đã tham gia việc bảo tồn tranh, và điều quan trọng là anh đã sống được bằng nghề mà không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ dự án. Theo chị Thu Hòa thì đây chính là thành quả rõ ràng nhất mà dự án đã mang lại cho miền quê này. “Không ai giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa tốt bằng chính những người con của quê hương. Từ một cá nhân sẽ nhen nhóm, thắp lên “ngọn lửa” đam mê, nhiệt huyết tham gia bảo tồn các giá trị mà cha ông để lại trong mỗi người con của mảnh đất này” - chị Hòa chia sẻ.

3. Dù dự án khôi phục tranh Kim Hoàng bước đầu đã có thành quả nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc tạo ra mẫu mới. Theo chị Hòa, việc tạo ra mẫu mới chính là sự khẳng định giá trị văn hóa của tranh dân gian trong đời sống đương đại. “Chúng ta không thể mãi tạo ra những bức tranh cổ, như bộ tranh Kiều, tranh Tam quốc diễn nghĩa, mà phải tạo ra những mẫu mới với chủ đề, họa tiết bắt mắt, phù hợp với xu thế của thời đại. Chúng tôi dựa vào thị hiếu của khách hàng, mỗi năm đến con giáp nào thì chuẩn bị tranh về con giáp ấy. Như năm Tuất, chúng tôi đã chọn mẫu nghê ở đền vua Đinh tại Ninh Bình và đền vua Lê ở Thanh Hóa. Năm Nhâm Dần thì chúng tôi sáng tác hai mẹ con “ông hổ”. Với Tết Nguyên đán 2023, chúng tôi đã chuẩn bị 8 mẫu tranh mèo, là các mẫu của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, họa sĩ Xuân Lan và nghệ nhân Nam Chi” - chị Hòa nói.

Trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - một trong những bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên của Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn sưu tầm, giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm gốm sứ của Thủ đô nói riêng và miền Bắc nói chung đến với công chúng. Đặc biệt, chị mong muốn “lấn sân” sang mảng gốm sứ tại khu vực Nam Bộ. Thời điểm này, chị đang tất bật chuẩn bị cho lễ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Học viện Quản lý giáo dục. Vùi đầu vào “núi” công việc nhưng chị chưa khi nào cảm thấy chán nản, động lực để chị vượt qua tất cả đó chính là khát khao được cống hiến cho Hà Nội, cho nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Tinh thần, cốt cách của người Tràng An đã ngấm vào chị và bồi đắp nên một con người yêu, say mê giá trị văn hóa của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Mỗi ngày qua đi, chị luôn chắt chiu, cố gắng để lan tỏa tình yêu Hà Nội đến nhiều người, nhất là những người trẻ với mong muốn sẽ có thêm những công trình nghiên cứu, bảo tồn vốn cổ của đất Thăng Long, để Hà Nội mãi vang danh đất ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa: Khát khao được cống hiến cho Hà Nội