Chuyện về những nông dân tỷ phú

Ngọc Quỳnh| 15/10/2022 06:23

(HNM) - Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp, hai tỷ phú nông dân ở Hà Nội là Trần Văn Thắng và Hoàng Mạnh Ngọc đã tạo ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Họ cũng là những người có đóng góp rất lớn cho cộng đồng, cho xã hội với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng…

Anh Trần Văn Thắng tại trang trại chăn nuôi bò của gia đình ở xã Thọ An (huyện Đan Phượng). Ảnh: Minh Ngọc

Những nông dân tài ba

Những ngày tháng 10, khi cái gió heo may của mùa thu tràn vào thành phố với hương hoa sữa thơm nồng nàn, chúng tôi quay trở lại xã Thọ An (huyện Đan Phượng). Những đường làng, ngõ xóm khang trang đưa chúng tôi đến với các mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao của người nông dân tỷ phú ở làng quê này. 

Anh Trần Văn Thắng ở xã Thọ An được người dân quê gọi bằng cái tên trìu mến là “Thắng bò”. Không lam lũ “ống thấp, ống cao” như những người nông dân chăn bò trong suy nghĩ của chúng tôi, anh Trần Văn Thắng có phong cách của một doanh nhân chính hiệu thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại bò trên cánh đồng xã Thọ An, anh Trần Văn Thắng cho biết, bố mẹ anh làm nông nghiệp, gia đình có tới 8 anh, chị em nên trước đây cuộc sống nhiều khó khăn. Khi trưởng thành, để có thể trang trải cuộc sống, anh làm đủ nghề, từ đi chợ, buôn bán lợn… Năm 2010, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi bò, anh đã xây dựng trang trại và đến năm 2012 thì đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò. Ban đầu trang trại nuôi các giống bò truyền thống, từ năm 2014 bắt đầu nuôi các giống bò nhập từ nước ngoài như bò 3B, bò Brahman... Với quy mô nuôi 200 con bò thương phẩm một lứa, mỗi năm nuôi 5 lứa là 1.000 con, chưa kể trang trại còn duy trì 30 con bò sinh sản. Ngoài bán bò thịt cho các thương lái, trang trại còn giết mổ 10 đến 15 con bò mỗi ngày, cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

“Để có được trang trại như ngày hôm nay, tôi đã phải đi sang Thái Lan, Australia để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò công nghệ cao về áp dụng cho mô hình của mình…, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa chăn nuôi ổn định”, anh Trần Văn Thắng nói.

Trong câu chuyện về tỷ phú chăn nuôi bò Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi bò, trải qua không ít gian nan, vất vả, từ mô hình nuôi bò vỗ béo đến kinh doanh chế biến thực phẩm, hiện tại, trang trại của anh Trần Văn Thắng cho doanh thu 65 tỷ đồng mỗi năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng/người. Không chỉ thế, mô hình này còn góp phần hình thành và nhân rộng chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Rời xã Thọ An, chúng tôi tới xã Liên Hà (huyện Đông Anh) tham quan mô hình trang trại nuôi gà giống của Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng. Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất gà giống áp dụng công nghệ khép kín, điều chỉnh nhiệt bằng điện…, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng Hoàng Mạnh Ngọc tâm sự: "Trước đây, Liên Hà là vùng đất chiêm trũng, người dân quanh năm chăm chỉ cấy hái, gắn bó với ruộng vườn mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài số đó. Tôi cũng đã làm đủ thứ nghề nhưng cuộc sống chẳng dễ dàng. Sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội, năm 2000, tôi đã quyết định lập nghiệp ở vùng đất “chôn nhau cắt rốn” này, dồn hết tâm sức với công việc của một nông dân nuôi gà".

Vài chục năm chăn nuôi gà, ông Hoàng Mạnh Ngọc trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nếm trải không ít thất bại. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, dám vượt qua khó khăn, công ty của ông đã dần đi vào hoạt động ổn định... Đến nay, với xưởng ấp rộng 2.000m2 và khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2, trang trại nuôi 35.000 gà giống và kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh cho số gà giống lên tới 55.000 con. Mỗi tháng doanh thu của trang trại đạt 9 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương. "Giờ đây, muốn làm giàu từ chăn nuôi thì phải đầu tư công nghệ, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời người nông dân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để cập nhật, đổi mới và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong tất cả các khâu sản xuất”, ông Hoàng Mạnh Ngọc nói.

Khẳng định những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế lớn, mở ra hướng phát triển mới cho người dân trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, anh Trần Văn Thắng (huyện Đan Phượng) và ông Hoàng Mạnh Ngọc (huyện Đông Anh) đã được công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Ngoài chịu khó, đam mê, học hỏi, anh Trần Văn Thắng và ông Hoàng Mạnh Ngọc nói riêng, người nông dân Thủ đô nói chung giờ đây ngày càng năng động, dám đổi mới sáng tạo, đưa ra những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Hết lòng vì cộng đồng

Không chỉ làm kinh tế giỏi, những tỷ phú nông dân còn có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và hết lòng vì cộng đồng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Khắc Quang cho biết, anh Trần Văn Thắng là một trong những nông dân tiêu biểu của xã Thọ An trong phát triển kinh tế, làm giàu trên vùng đất quê hương và là một người có nhiều cống hiến cho xã hội. Thời gian qua, anh Trần Văn Thắng đã ủng hộ làm đường, tu bổ chùa, trường mầm non số tiền 170 triệu đồng và đầu tư vốn kinh doanh không tính lãi cho 20 hộ chăn nuôi trên địa bàn với chi phí 1,2 tỷ đồng... Đây là những việc làm rất thiết thực, hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và giúp nông dân làm giàu trên quê hương Thọ An.

Cũng như anh Trần Văn Thắng, ông Hoàng Mạnh Ngọc không chỉ là “lão nông” thu “vàng” từ gà giống mà còn luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hoạt động từ thiện, nhân đạo, trao quà cho những đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hộ nông dân nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán... Ông Hoàng Mạnh Ngọc còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp xã Liên Hà. Thông qua câu lạc bộ, các hội viên đã chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, làm giàu từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, anh Trần Văn Thắng và ông Hoàng Mạnh Ngọc đều là những tấm gương năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực như vốn, lao động, đất đai..., mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Họ thực sự là biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới và sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những nông dân tỷ phú