Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tú: "Tôi tin mình chọn đúng nghề"

Vân Thảo| 14/08/2022 05:36

(HNMCT) - Nghe Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Tú rổn rảng “cô đang bận chuẩn bị khai trương sân khấu kịch mới, vẫn còn nhiều thứ bộn bề quá...” qua điện thoại với chất giọng trong veo, khó có thể tin bà đã gần 80 tuổi. Nhưng gặp Thanh Tú ngoài đời còn nhiều chuyện ngạc nhiên hơn. Chẳng hạn như tình yêu và niềm đam mê của bà dành cho sân khấu, những lần diễn xuất thần và tài nhớ lời thoại độc đáo mà Thanh Tú cho rằng: “Tất cả mọi việc có thể quên, nhưng lời thoại thì chỉ cần liếc qua là nhớ!”.

1. NSƯT Thanh Tú sinh năm 1944, như vậy, tính từ thời điểm vào nghề năm 17 tuổi cho đến khi nghỉ hưu, bà đã có 39 năm gắn bó với sự nghiệp diễn xuất. Và cho đến tận bây giờ, nghiệp diễn vẫn “ám ảnh” bà không chỉ trong những bữa ăn, những lần đi chơi gặp gỡ bạn bè... mà còn trong cả giấc mơ. 

Thanh Tú sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, là con thứ 2 trong số 8 người con. Cha bà là kỹ sư Đông Dương đầu tiên đi theo cách mạng, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Bản thân bà năm 9 tuổi đã được cử đi học tại Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, giống như 7 anh chị em trong nhà đều chọn con đường nối nghiệp cha làm nghề kiến trúc và xây dựng, Thanh Tú cũng thi đỗ và trở thành sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tuy nhiên, số phận run rủi thế nào lại khiến bà bỏ học để thi vào Đoàn Văn công Hà Nội bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình. Sau đó, từ năm 1960 đến 1964, bà theo học và tốt nghiệp Đại học Sân khấu Hà Nội (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh) rồi về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cái giá phải trả cho niềm đam mê nghệ thuật của bà “rất đắt”: Bị gia đình dọa từ mặt và so với các anh em trong nhà, ai cũng thành công cả về sự nghiệp lẫn kinh tế thì bà tuy không đến nỗi thiếu thốn nhưng cuộc sống chỉ ở mức “đủ sống”. Vậy nhưng cho đến giờ Thanh Tú vẫn không hối hận về quyết định của mình. “Nếu được bắt đầu lại, tôi vẫn chọn con đường đó, dù vất vả từ lúc tóc trên đầu còn xanh đến bây giờ nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì còn đang được làm công việc mình thích, được hỉ nộ ái ố với đời, không cảm thấy cuộc đời mình vô nghĩa và đứng ngoài dòng chảy cuộc sống” - nghệ sĩ Thanh Tú chia sẻ.

2. Trong sự nghiệp diễn xuất, Thanh Tú được nhắc nhiều với vai "cô Nhu" trong bộ phim “Sao tháng Tám”. Với vai này, bà được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 - năm 1977, và tại Liên hoan phim Mátxcơva, bà được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô viết trao giải Đặc biệt. Ngoài ra, mỗi khi nói về đề tài điện ảnh cách mạng, giới truyền thông đều nhắc đến bộ phim “Tiền tuyến gọi”, không quên nhắc đến chi tiết là sau khi xem “Tiền tuyến gọi”, hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã xung phong lên đường nhập ngũ - điều cho thấy hiệu ứng của bộ phim.

“Tiền tuyến gọi” hoàn thành năm 1969, là bộ phim thứ hai mà nghệ sĩ Thanh Tú tham gia và đóng vai chính, do đạo diễn Phạm Kỳ Nam - chồng bà - làm đạo diễn. Trước đó, năm 1966, bà đóng bộ phim đầu tiên mang tên “Biển lửa” (vai Thảo) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam và bén duyên cùng người đạo diễn tài hoa. Cũng trong năm này, hai người làm đám cưới. Điều thú vị là bộ phim “Tiền tuyến gọi” được chuyển thể từ vở kịch cùng tên do đạo diễn sân khấu Trần Hoạt dàn dựng và Thanh Tú cũng chính là người tỏa sáng trên sàn diễn Nhà hát kịch Hà Nội với vai chính Hương Giang. Có lẽ do bà quá hợp vai và diễn quá xuất sắc nên các nhà làm phim đã mời bà "cùng nhân vật" đi từ sân khấu sang màn bạc. Sau bộ phim này, Thanh Tú tham gia trong một số bộ phim khác như: “Em bé Hà Nội” (vai mẹ bé Hà) của cố đạo diễn, NSND Hải Ninh, “Vùng trời” (vai chị Hảo) của đạo diễn Huy Thành trước khi giành được thành công lớn tiếp theo trong lĩnh vực điện ảnh với vai Nhu trong bộ phim “Sao tháng Tám” (1976).

Sau “Sao tháng Tám”, nghệ sĩ Thanh Tú toàn tâm toàn ý gắn bó với sân khấu kịch nói. Không chỉ chuyên tâm làm diễn viên, bà còn học lấy bằng đạo diễn sân khấu (khóa học 4 năm, từ năm 1979 đến 1983) và trở lại màn bạc vào năm 1984 với các bộ phim “Tình yêu và khoảng cách” (đạo diễn Đức Hoàn), “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (đạo diễn Xuân Sơn), “Thời hiện tại” và “Gánh hàng hoa” (đạo diễn Trần Đắc), “Mối tình sau song sắt” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi).

Dù có vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim được coi là tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhưng sự nghiệp điện ảnh của nghệ sĩ Thanh Tú không dài so với kịch nói. Bà tự nhận thấy “cái bóng” của nhân vật cô Nhu trong bộ phim “Sao tháng Tám” quá lớn. Dừng đóng phim, Thanh Tú đắm mình dưới ánh đèn sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi bà từng tỏa sáng từ rất sớm với vở “Tiền tuyến gọi”, với nhân vật Tanhia trong vở “Tanhia”, với quận chúa Minfo trong “Âm mưu và tình yêu”...

NSƯT Thanh Tú cùng các nghệ sĩ tham gia phim “Sao tháng Tám”.

3. Có gặp NSƯT Thanh Tú ngoài đời mới hiểu vì sao bà "dám" bỏ con đường học vấn với tương lai thuận lợi để theo đuổi nghệ thuật, để hiểu vì sao đến giờ, khi đã gần 80 tuổi, bà vẫn “start up” một sân khấu kịch mới, chạy “long tóc gáy” lo đủ thứ việc cho ngày khai trương, và cũng để biết vì sao một người có bằng cấp, nữ đảng viên, nữ NSƯT đầu tiên của nhà hát nhưng 39 năm bà vẫn chỉ làm công việc của người nghệ sĩ, không màng chức tước này kia chỉ vì... “không thích những thứ quan trọng”...

Bà kể, quãng đời làm nghề với bà lúc nào cũng vui. “Diễn nhiều đến mức như... thợ diễn. Có những hôm đang diễn, khán giả từ dưới đi lên sân khấu ngồi cùng và thấy diễn viên ngồi hút thuốc lào cũng... xin một điếu. Lại có hôm, đang diễn giữa chừng thì các bác người dân tộc leo lên sân khấu xin được hát một bài...” - bà nhớ lại. Có lẽ chính những kỷ niệm đáng yêu ấy đã trở thành động lực để bà và đồng nghiệp “cứ vậy mà say mê, đi đến tất cả những nơi được yêu cầu để phục vụ”.

Trong cuộc sống đời thường, Thanh Tú là người tin vào số phận. Bà cho rằng, mỗi người sinh ra đã mang sẵn nghiệp của mình, và tin chắc rằng mình đã chọn đúng nghề. “Nếu tôi làm kinh doanh, chắc chắn sẽ thất bại, nếu không vì tính toán sai thì cũng do… đếm nhầm tiền. Còn làm nghệ thuật, tôi không những không quên gì mà càng ngày càng được bồi đắp thêm” - nghệ sĩ Thanh Tú khẳng định.

Chuyện đang rôm rả, bà đột nhiên hỏi tôi: “Trông cô lên hình còn được không! Nghe cháu đến cô phải trang điểm đấy!”. Phụ nữ là vậy, lúc nào cũng thích mình đẹp trong mắt mọi người. Nhưng không phủ nhận, dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng gương mặt “cô Nhu” vẫn lưu giữ những nét đẹp thừa hưởng của người mẹ từng là hoa khôi.

Cả cuộc đời làm nghệ thuật, NSƯT Thanh Tú đã sống cuộc đời của nhiều nhân vật đến nỗi có lúc bà cảm thấy mình không được là chính mình. Bà tâm sự: “Hôm nay là nhân vật này, ngày mai là nhân vật kia, tình cảm cũng không theo những gì mình muốn, lúc chạy theo cái này, khi buông theo cái khác”. Một cuộc đời không bình lặng nhưng bà vẫn thích, vẫn yêu.

Năm 1966, nghệ sĩ Thanh Tú xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim “Biển lửa” với vai chính Thảo. Sau đó bà đảm nhận vai chính Hương Giang trong phim “Tiền tuyến gọi”. Sau hai bộ phim “Em bé Hà Nội” và “Vùng trời”, Thanh Tú tỏa sáng với nhân vật cô Nhu trong bộ phim điện ảnh kinh điển “Sao tháng Tám”. Với vai diễn này, bà giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV - năm 1977.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Tú: "Tôi tin mình chọn đúng nghề"