Chuyện về một “người Giời”

Nguyễn Năng Lực| 14/08/2022 06:00

(HNMCT) - “Người Giời” là cái hỗn danh trìu mến mà nhiều năm qua bạn bè, người thân vẫn gọi cựu cầu thủ bóng đá Hoàng Ngọc Minh (trên sân thường gọi là Minh “Mã”, chắc là do “cái nết” chạy như ngựa), nguyên thành viên đội Thể Công từ ngày thành lập, thành viên Đội tuyển Bóng đá quốc gia từ những năm 1960.

Danh thủ Minh “Mã” (trái) ở tuổi 90 vẫn ra sân đá bóng. Ảnh: Năng Lực

1. Tôi gọi điện thoại, chúc mừng cụ Minh tròn 90 tuổi. Vẫn cái giọng sang sảng, cụ khoe: “Chiều nay anh lên Bắc Giang đá giao lưu, em có đi thì đến nhà anh. Các em nó tổ chức sinh nhật cho anh trên đấy”. Hỏi: “Ông anh còn uống bia được không?”, cụ cười khà khà bảo bác sĩ và người thân khuyên đừng uống nữa, nhưng “ngần này tuổi rồi, đời còn gì mà không uống, có điều không uống nhiều như trước thôi”.

Nhắc lại cái đận cụ ốm hai năm trước, tưởng “đứt”, cụ cười. Ra là tiền thuốc men tốn kém, ngày mấy trăm nghìn, tháng tính ra cả chục triệu, nào tiêm, nào truyền, nào xạ trị, nên cụ chán, thôi không chữa nữa. “Thế mà vẫn chưa làm sao”.

Tròn 90 tuổi mà vẫn ra sân đá bóng, sau trận vẫn làm dăm vại bia, thế mà chỉ số huyết áp vẫn chỉ 120/75. Thật đúng là “người Giời!”.

2. Lão tướng Hoàng Ngọc Minh sinh ngày 26-6-1932 tại thành phố Thà Khẹt, Vương quốc Lào, nguyên là chiến sĩ Pa-thét Lào và Bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp. Năm 1954, cụ tham gia đá bóng cấp sư đoàn rồi lên đội Thể Công cùng các danh thủ Ngô Xuân Quýnh, Mười Tiền, Ba Đô... Cụ có mặt trong nhóm cầu thủ Thể Công về xây dựng Đội bóng đá Trường huấn luyện Thể dục - Thể thao Trung ương (đội tuyển quốc gia) từ ngày đầu thành lập năm 1960.

Nói đến Minh “Mã”, nhiều người biết cụ là lão tướng trên sân cỏ, đến nay 90 tuổi vẫn chơi đủ hai hiệp, bước chạy khoan thai, vẫn khéo lừa, tranh bóng, chuyền bóng và ghi bàn. Nhưng cụ Minh còn một kỳ tích nữa mà không nhiều người biết: Kỹ sư Hoàng Ngọc Minh là người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công ô tô chạy điện.

Sau khi giã từ nghiệp “quần đùi áo số”, năm 1963, cụ Minh được cử đi học hệ chính quy khoa Chế tạo máy (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Tốt nghiệp năm 1967, cụ được nhà trường giữ lại, giao làm xưởng phó Xưởng thực tập. Sau năm 1975, cụ vào Đà Nẵng công tác. Sau hai năm ở Đà Nẵng, cụ về Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự, làm ở đó một thời gian rồi chuyển lên Cục Cơ khí ô tô thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Sau khi nghỉ hưu, cụ Minh tham gia đội bóng đá Bách Khoa, đi “giao lưu” khắp nơi trong nước, sang cả Lào thi đấu giao hữu.

Vốn say mê nghiên cứu, cụ Minh rất khoái “món” ô tô điện. Ngày còn ở Xưởng thực tập Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cụ đã hì hục khênh động cơ điện và hàng tạ ắc quy đặt lên khung ô tô, khởi động cho xe chạy. Có thể coi đó là bước khởi đầu, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho sự ra đời của chiếc ô tô điện sau này.

Ô tô điện do kỹ sư Hoàng Ngọc Minh chế tạo năm 2007. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ ngày nghỉ hưu, cụ mở cơ sở chuyên làm khuôn mẫu (nghề cơ khí chính xác), ai đặt hàng thì làm. Cụ còn tham gia chế tạo robot cho mấy đội Tam Đảo, Học viện Kỹ thuật quân sự đi thi Robocon. Cụ hợp tác với Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuấn ở Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) để cùng nghiên cứu. Kỹ sư Minh lo phần thiết kế, chế tạo cơ khí, khung, gầm, hệ truyền động, chuyển hướng, hệ thống chân ga điều khiển tốc độ... Tiến sĩ Thuấn đảm nhiệm thiết kế, chế tạo mạch điện. Kết quả là năm 2007, cụ Minh và cộng sự đã chế tạo thành công chiếc ô tô điện “made in Việt Nam” đầu tiên.

Một ngày đẹp trời năm 2008, nhóm tác giả đưa “đứa con” thứ hai của mình “vào đời”. Kết quả thử nghiệm cả hai lần đều thành công mỹ mãn. Hệ thống vận hành trơn tru; chuyển hướng, tăng - giảm ga mượt mà. Kỹ sư Minh lúc bấy giờ đã 76 tuổi mang kết quả chế tạo và thử nghiệm lên báo cáo Vụ Cơ khí ô tô, được một cán bộ hứa hẹn sẽ “mục sở thị” công trình để làm thủ tục công nhận phát minh. Nhưng rồi không thấy tăm hơi vị cán bộ nọ đâu.

Chiếc ô tô điện đầu tiên của Việt Nam do người Việt Nam chế tạo bị “đắp chiếu” hàng chục năm, thỉnh thoảng có người đến xem, xuýt xoa chiêm ngưỡng. Năm 2018, một nông dân ở một tỉnh trung du phía Bắc cứ nài nỉ cụ bán lại. Thôi thì “đời còn gì nữa đâu”, cụ đứt ruột bán cái công trình đã hút hết gần như cả tài sản và sức lực đời mình với giá một chiếc xe máy.

3. Thử làm một phép so sánh vui. Năm 2019, Kỷ lục thế giới về cầu thủ cao tuổi nhất chơi cho một câu lạc bộ bóng đá là ông lão Isaak Hayik, 74 tuổi, chơi ở vị trí thủ môn của Câu lạc bộ Maccabi Or Yehuda ở giải hạng 5 Israel. Trong khi cụ Minh “Mã” nay đã 90 tuổi, thuộc lứa “U100” mà vẫn chơi ở vị trí tiền vệ tấn công, đá đủ hai hiệp, nghĩa là chạy nhiều hơn “ông trẻ” thủ môn nọ. Quả là không hổ danh Minh “Mã”!

Trong lúc tôi viết bài này thì cụ Minh “Mã” lại gọi điện, dặn: “Cứ chiều thứ năm và chủ nhật hằng tuần, em ra sân Đầm Hồng đá với bọn anh nhé. Đá xong sẽ “giao lưu” đến 9h tối. Đến nhé, đời còn gì nữa đâu mà ngại”.

Thật đúng là “người Giời”!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một “người Giời”