Ấm lòng nghĩa tình đồng đội

Mai Hoa| 29/07/2022 06:33

(HNM) - Minh mẫn, nhiệt huyết, nắm việc chắc “như trong lòng bàn tay”, Đại tá Phùng Bá Đam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ là gương sáng của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Mặc dù là thương binh hạng 3/4, nhưng ông vẫn vượt qua mọi khó khăn, có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, với nhiều việc làm thiết thực, ấm lòng nghĩa tình đồng đội.

Đại tá Phùng Bá Đam (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu người có công tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Tham gia giáo dục thế hệ trẻ

Tại nhà riêng (tổ 17, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Đại tá Phùng Bá Đam giới thiệu với phóng viên Báo Hànộimới một kho tư liệu, ký ức ăm ắp về những tháng ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sinh năm 1948, hưởng ứng lệnh Tổng động viên của quân đội chi viện cho miền Nam khi đang là cán bộ Ngân hàng tỉnh Hà Tây (cũ), chàng thanh niên Phùng Bá Đam xin vào quân đội năm 1967, cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tham gia hàng loạt chiến dịch lớn, tại các chiến trường ác liệt nhất.

Đáng chú ý, tại chiến dịch giải phóng Thượng Đức năm 1974 - tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng (một trong những căn cứ lớn nhất của địch ở miền Nam), ông bị trúng đạn pháo của địch, trong đó có mảnh đạn nay vẫn nằm ở đốt sống cổ, nơi các bác sĩ quyết định không can thiệp vì dễ gây liệt. Vừa tạm phục hồi, ông lập tức quay lại đơn vị chiến đấu chứ không ra Bắc, tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, đánh dọc duyên hải miền Trung, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng đồng đội chứng kiến khoảnh khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, ông Đam lần lượt theo học khóa đào tạo của Học viện Chính trị quân sự, làm Trưởng ban Cán bộ, Cục Hậu cần, Quân khu 2, rồi tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Năm 1983, ông trở về Học viện, tham gia giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003, với quân hàm Đại tá, Chủ nhiệm Khối Đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật - chiến dịch của Học viện Chính trị quân sự.

Sau khi nghỉ chế độ, ông tham gia giảng dạy lồng ghép Bộ môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng tại Trường Trung học phổ thông dân lập Đông Đô và gắn bó với trường suốt 20 năm qua. “Làm nghề giáo dục, phải có môi trường giáo dục. Niềm vui lớn nhất của tôi là được truyền kinh nghiệm sống của mình, kể về lịch sử của cách mạng quân đội cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống cha anh”, ông Đam chia sẻ.

Chăm sóc đồng đội, con của đồng đội

Là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, sống chung với bệnh tiểu đường từ năm 2006 đến nay, ông Phùng Bá Đam còn đảm trách công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ, làm Phó Chủ tịch Hội năm 2011, rồi Chủ tịch Hội từ năm 2016 đến nay. Tổng số hội viên của hội nay đã lên đến 650 người, trong đó, số nạn nhân chất độc da cam của quận hiện còn 158 người. 11 năm tham gia công tác Hội không có phụ cấp, thù lao (theo quy định, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ thành lập sau ngày 1-7-2010 nên không phải là hội đặc thù, các thành viên không được hưởng trợ cấp, thù lao), ông Đam vẫn luôn nhiệt huyết với công việc chung, tham gia chăm sóc đồng đội, con của đồng đội.

Chứng kiến những gia đình đồng đội, có người con gần 50 tuổi vẫn “đặt đâu nằm đấy”, bố mẹ phải chăm sóc suốt đời, ông Đam luôn trăn trở, đau đáu. Đó là ông Hà Văn Kiến (phường Quảng An), 3 bố con đều là nạn nhân chất độc da cam, các con bị tâm thần, đập phá, chỉ có vợ là bà Nguyễn Thị Thật, 80 tuổi, chăm sóc bố con ông Kiến. Rồi gia đình ông Bùi Mạnh Phúc, vợ là bà Phí Thị Ngân, hai vợ chồng đều là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, hưởng chế độ chính sách, tuổi cao (70 tuổi), ốm đau đi viện thường xuyên, hoàn cảnh rất khó khăn. Hay trường hợp gia đình ông Nguyễn Trọng Khánh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Yên Phụ, hai bố con đều là nạn nhân chất độc da cam…

Biến niềm đau thành hành động thiết thực, ông Đam đã vận động tập thể Trường Trung học phổ thông dân lập Đông Đô và phụ huynh tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình có người nhiễm chất độc da cam khó khăn. Ông kết nối, tổ chức các chuyến đi thực tế để thầy trò, phụ huynh, cùng lãnh đạo quận và phường, các nhà hảo tâm đến các gia đình, trực tiếp chứng kiến, tặng quà, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Những người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học của quận Tây Hồ năm nào cũng được quan tâm hỗ trợ, tặng quà vào Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8) và dịp lễ, Tết. Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Tây Hồ đã huy động được hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thấu hiểu sự vất vả, tấm lòng của chồng, bà Bùi Thị Hằng, vợ ông Đam chia sẻ: “Nhà tôi thấy vui và ý nghĩa khi tham gia việc cộng đồng. Tôi rất ủng hộ việc làm này và điều hạnh phúc nhất, đó là chúng tôi có đại gia đình các con, cháu gắn bó, yêu thương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm lòng nghĩa tình đồng đội