''Viết tiếp bài ca người lính'': Thông điệp tiếp lửa truyền thống của cựu chiến binh Sóc Sơn

Bài và ảnh: Ngô Văn Học| 12/06/2022 06:04

(HNMCT) - Không có giấy bút nào tả hết được hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” bình dị mà kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ với lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và truyền thống tốt đẹp ấy vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường của 14.300 hội viên Cựu chiến binh (CCB) huyện Sóc Sơn. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập huyện Sóc Sơn (5/7/1977 - 5/7/2022), chào mừng Đại hội đại biểu Hội CCB huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội CCB huyện Sóc Sơn đã ra mắt cuốn sách “Viết tiếp bài ca người lính” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành.

Thiếu tướng Bùi Duy Hùng, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội và lãnh đạo huyện Sóc Sơn trao tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào “Viết tiếp bài ca người lính".

“Viết tiếp bài ca người lính” có dung lượng vừa phải (200 trang), gồm 89 bài (83 bài thơ, 6 bài văn xuôi) của nhiều tác giả chọn lọc qua phong trào sáng tác văn thơ do Thường trực Hội CCB huyện Sóc Sơn phát động. Cuốn sách chia thành 3 phần chính: “Ký ức chiến tranh”, “Quê hương người lính” và “CCB vào trận mới”, toát lên chủ đề tư tưởng: Tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và niềm tin yêu của nhân dân.

Đặc biệt, phần “Ký ức chiến tranh” chiếm đa số dung lượng của cuốn sách đã để lại dấu ấn sâu đậm trong bạn đọc khi gợi nhớ về một thời hoa lửa. Dẫu biết chiến tranh là tàn khốc, là mất mát thương đau, nhưng không khí sôi sục cả nước lên đường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” đã thôi thúc những chàng trai Phù Đổng ra trận. Dấn thân vào nơi “lành ít dữ nhiều”, song những người con quê hương núi Sóc không những không hề nao núng, mà còn xác định cho những người thân nơi hậu phương yêu dấu: “Đời chiến tranh tháng năm dài gian khổ/ Ngày trở về thân thể chẳng vẹn nguyên/ Em chờ anh như bến đợi con thuyền/ Nơi quê hương ven sông Cầu xanh ngắt..." (“Nguồn sáng trong đời” của CCB, thương binh nặng Lê Văn Bát).

Mục tiêu và động lực lên đường ra trận lúc đó của những người con từ vùng đất đồi gò Bắc Sơn, Minh Trí, đến những làng quê ven sông Cà Lồ như Tân Dân, Thanh Xuân, Phú Cường, Phú Minh, Xuân Thu, Xuân Giang, Việt Long, Đông Xuân, Phù Lỗ... luôn xác định ra đi là để quê hương mãi mãi thanh bình: “Thời vận nước non/ Tạm biệt mái nghèo/ Gác tình riêng, mưu nghiệp lớn/ Con đường anh chọn/ Cơm dân, áo lính/ Nợ nước thù nhà/ Ngang dọc một thời cả máu và hoa” (“Ký ức trong đời” - Ngọc Bảo).

Cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về trong tâm thế của người chiến thắng, họ đều có những khát khao đến cháy bỏng là được cống hiến sức mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương Sóc Sơn ngày càng giàu đẹp: “Quê hương ơi, xưa người tiễn chúng tôi/ Đi suốt Trường Sơn, Người là điểm tựa/ Nay đi dọc ngang bờ vùng, bờ thửa/ Đồng quê thúng thóc vơi đầy/ Xin cho tôi theo suốt đường cày/ Và lòng tôi hòa vào lòng đất/ Để hồn tôi với trái cây làm mật/ Mang mùa thơm vị ngọt cho đời” (“Thơ tôi” - Ngô Bích Sen).

Những tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng đội thật đáng trân trọng, tự hào và luôn là nguồn cảm xúc lớn lao với những người lính cựu: “Những “kình ngư” dũng mãnh giữa trùng khơi/ Trận chiến tử sinh - so găng bầy “ó biển”/ Không lực Hoa Kỳ dẫu mưu mô quỷ quyệt/ “Chúng bay vào sẽ không có đường ra” - viết về Đại tá Lê Văn Chừng (xã Tân Minh), người thuyền trưởng tàu săn ngầm chỉ huy đơn vị đánh thắng trận đầu, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên vùng trời Quảng Ninh ngày 5-8-1964 (“Viết về anh” - Nguyễn Thị Lý).

Khi đồng đội trở về, dù mất một phần thân thể nhưng vẫn hăng say lao động sản xuất cũng là nguồn cảm hứng của các CCB làm ánh lên hình tượng người lính Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay, khiến người đọc không khỏi xúc động: “Dẫu mang thương tật, nỗi đau/ “Tàn nhưng không phế” khắc sâu lời Người” (“Thương binh tàn nhưng không phế” - Đỗ Ngọc Đống). Bên cạnh đó là sự lạc quan, yêu đời và lãng mạn của người thương binh trong lao động sản xuất: “Ruộng cạn lúa chưa mở cờ/ Gầu giai tát ánh trăng thơ vào đồng/ Một bên chân nạng, bên không/ Vung gầu kéo nước lên đồng vẫn hăng...” (“Người lính thương binh” - Xuân Tài).

Mặc dù nay đã ở tuổi thất thập nhưng cảm hứng về thời trai trẻ vẫn luôn rực cháy trong mỗi người lính cựu Sóc Sơn khi họ trở thành những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 với tinh thần: “Chiến dịch giữ chốt biên thùy/ Chống dịch - chống giặc cũng vì nhân dân” (“Chống dịch như chống giặc” - Đỗ Ngọc Đống).

Và giờ đây, những CCB Sóc Sơn đã và đang truyền lửa cho thế hệ kế tiếp bằng những vần thơ, áng văn chân thực nhất, về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã làm lay động tâm hồn của bao lớp trẻ hôm nay: “Mười tám đôi mươi... trời xanh biếc trên đầu/ Một thuở chúng mình điệp trùng đội ngũ/ Ngày chiến thắng nhiều đứa không về nữa/ Hóa tên mình vào tên núi tên sông” (“Ngày ấy chúng tôi đi” - Ngô Bích Sen).

Ngọn lửa yêu thương sâu lắng vẫn đang rực cháy trong trái tim của những người lính cựu và tác phẩm “Viết tiếp bài ca người lính” cũng chính là thông điệp tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ Sóc Sơn, như bản anh hùng ca cứ ngân nga vang mãi không thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Viết tiếp bài ca người lính'': Thông điệp tiếp lửa truyền thống của cựu chiến binh Sóc Sơn