Niềm vui bất ngờ

Bảo Hân| 03/05/2022 06:48

(HNM) - Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” với ông Lương Nguyễn Tiến (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) là niềm vui hết sức bất ngờ. Bởi với ông chủ trang trại gà này, những đóng góp cho cộng đồng, cho quê hương trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát là hết sức nhỏ bé và là việc… đương nhiên phải làm.

Ông Lương Nguyễn Tiến cùng công nhân tiêm vắc xin cho gà giống. Ảnh: Triệu Hoa

Không bận tâm về việc đã làm

Ông Lương Nguyễn Tiến, 51 tuổi (thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) là một trong 12 cá nhân vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2022. Khi được hỏi về những đóng góp của mình, người đàn ông 51 tuổi cười xòa, hiền hậu nói mình không để ý đến bởi những gì ông làm còn hết sức khiêm tốn và nhỏ bé.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Dương Thanh Tuấn cảm động khi nhớ lại thời điểm năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát dữ dội, giữa lúc các lực lượng chức năng căng mình chống dịch, ông Tiến đã tới từng chốt phòng dịch trên địa bàn để trao tặng nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men; đồng thời, có nhiều đóng góp hỗ trợ vào quỹ phòng, chống Covid-19 của địa phương, động viên người dân tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội.

“Hành động của ông Lương Nguyễn Tiến đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của một công dân và là nguồn động viên quý báu cho lực lượng chống dịch khi ấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Dương Thanh Tuấn nói.

Không muốn kể nhiều về những việc đã làm, ông Tiến chỉ tâm niệm đơn giản, giữa lúc những người ở tuyến đầu phải vất vả chống dịch suốt thời gian dài, thì những đóng góp vật chất trong khả năng của ông chỉ là việc làm nhỏ bé.

“Bất cứ người dân nào khi ấy cũng đều có những cách riêng để thể hiện tình yêu với quê hương, làng xóm của mình. Tôi đã hết sức bất ngờ khi vinh dự được nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp thành phố. Khi thực hiện việc làm của mình, tôi không nghĩ đến việc được mọi người biết đến. Lúc ấy, chỉ mong dịch bệnh qua đi, người dân trở lại cuộc sống bình thường”, ông Tiến tâm sự.

Những ngày này, khi nhịp sống bình thường trở lại, với ông Tiến là chuỗi những ngày tháng tất bật, bận rộn nhưng vô cùng vui vẻ, hạnh phúc với trại gà Toàn Tiến, cơ ngơi một tay ông gây dựng gần 30 năm qua. Trong lời giới thiệu của lãnh đạo xã Khánh Hà, ông Tiến không chỉ có đóng góp nhiệt tình cho các phong trào, hoạt động của thôn, xã mà còn là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên trong làm ăn kinh tế, bước đầu thu về nhiều thành công từ trang trại chăn nuôi gà giống.

Luôn có đam mê với chăn nuôi

Ông Tiến nhớ lại, do từ nhỏ đã luôn gắn bó với nơi mẹ làm việc tại một trại nuôi lợn giống của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) nên sau này lớn lên, dù làm công nhân xây dựng nhưng ông vẫn luôn có nhiều hứng thú với chăn nuôi. Thời cơ đến khi năm 1994, sau khi kết thúc công việc tại công trình thủy điện Hòa Bình, ông quyết định về quê lập nghiệp.

Trại gà giống của ông Tiến trong những năm đầu gặp nhiều khó khăn do vốn liếng ít, đầu ra không nhiều. Cũng bởi do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chọn giống và chưa xây dựng được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng chuẩn nên dịch bệnh hay xảy ra, gây thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, càng gặp khó khăn, áp lực, ông càng quyết tâm tìm hướng giải quyết chứ không cho phép mình bỏ cuộc.

Nhờ sự động viên của lãnh đạo địa phương, bạn bè, gia đình, năm 2005, ông Tiến được UBND xã Khánh Hà tạo điều kiện chuyển đổi trại chăn nuôi tại gia đình ra khu quy hoạch chăn nuôi của xã, với diện tích gần 6.000m2. Ông mạnh dạn thay đổi nếp chăn nuôi cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến nuôi dưỡng, vệ sinh thú y bằng việc đầu tư hệ thống máy móc cho gà ăn uống, máy ấp trứng, máy tiêm vắc xin, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường cũng như chủ động tiếp thu các kiến thức mới trong chăn nuôi. Nhờ vậy, quy mô của trại gà từng bước tăng lên, hiện có gần 2 vạn gà đẻ trứng, cho con giống. Thị trường tiêu thụ gà giống của trại gà Toàn Tiến không chỉ bó hẹp tại các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… mà mở rộng ra cả nước.

“Nếu trước đây một công nhân chỉ chăm được vài trăm gà giống thì nay nhờ có các thiết bị hỗ trợ, một người có thể chăm được cả chục nghìn con”, ông Tiến phấn khởi nói. Gà giống của trại Toàn Tiến chủ yếu là gà ri truyền thống thuần chủng Việt Nam và một vài giống lai khác, được khách hàng tin tưởng đón nhận bởi chất lượng đồng đều, ổn định. Để tiếp tục mở rộng thị trường, ông Tiến vừa tiếp tục giữ vững uy tín, chất lượng gà giống, vừa tận dụng tối đa lợi thế của các mạng xã hội để quảng bá thương hiệu.

Ông Tiến cho biết, các công nhân lao động tại đây hiện đều có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân gần 10 triệu đồng/ người/tháng. Sau khi trừ chi phí đầu vào cho sản xuất và công lao động, hằng năm trang trại Toàn Tiến có thu nhập bình quân khoảng 300-500 triệu đồng. Sống được với nghề chăn nuôi mình đam mê, làm giàu trên chính quê hương của mình, với ông Tiến đó là hạnh phúc không gì bằng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui bất ngờ