Sáng tạo để vượt khó

Bài và ảnh: Bảo Hân| 29/01/2022 06:26

(HNM) - Dịch Covid-19 kéo dài, các hoạt động lễ hội, vui chơi tập trung đông người tại thành phố Hà Nội tạm dừng khiến Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành cùng hàng trăm thành viên Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) bị thu hẹp “đất diễn”. Tuy nhiên, trong “cái khó”, những nghệ nhân trên đất nghề “độc nhất vô nhị” lại có dịp phát huy sức sáng tạo để nhịp nghề liên tục được truyền giữ và tăng thêm giá trị.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành sáng tạo những sản phẩm tò he trưng bày có độ bền cao.

Thổi hồn vào đất nặn

Chủ tịch UBND xã Phượng Dực Lê Quý Đôn luôn tự hào khi nhắc đến hơn 20 nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu từ năm 2016 đến nay. Ngoài những nghệ nhân, Xuân La còn có hàng trăm người đang cần mẫn “giữ lửa” nghề. Với họ, tò he không đơn giản là kế mưu sinh mà còn là tinh hoa truyền thống được ông, cha để lại.

Là người con trên đất nghề, từ thuở lên 3, “ngồi rìa” xem ông nội và bố nặn “bánh chim cò” rồi cũng thoăn thoắt nặn đủ hình thù các con giống từ lúc nào không hay, nay bước vào tuổi 45 với danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được Nhà nước trao tặng (năm 2015), anh Nguyễn Văn Thành tạm “sơ kết” hai dấu mốc đáng nhớ của tò he Xuân La. Lần đầu vào năm 2009 khi nghề có nguy cơ mai một, thất truyền do sự lấn lướt của đồ chơi hiện đại và hai năm trở lại đây, người làm nghề tiếp tục chịu  ảnh hưởng của dịch Covid-19.  

Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào những nghệ nhân nặng lòng với nghề như anh Thành cũng đều thôi thúc tìm ra cách để vực nghề, giữ nghề. Năm 2009, anh Thành chính là người đưa ra ý tưởng và thành lập Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La. Trên cương vị Chủ tịch Câu lạc bộ trong hai nhiệm kỳ đầu, anh Thành vừa khôi phục các mẫu tò he cổ, vừa quyết tâm đưa tò he hòa mình vào thế giới đồ chơi hiện đại. Anh mở lớp hướng dẫn nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích rồi tiên phong đưa vào học đường bằng cách phối hợp với nhiều trường học để giới thiệu, hướng dẫn các em học sinh tập làm. Vượt ra khỏi biên giới, những sản phẩm tò he Xuân La cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia, để lại ấn tượng sâu đậm với bạn bè quốc tế. 

Cùng những nghệ nhân khác, anh Thành đã từng bước dẫn dắt và phát triển câu lạc bộ, đặc biệt chú trọng việc truyền nghề cho lớp trẻ. “Để tạo ra một sản phẩm với những hình thù đơn giản thì ai cũng làm được. Nhưng để cho ra những sản phẩm tò he độc đáo, bắt mắt, sống động luôn cần tư duy, trí tưởng tượng và đặc biệt là khả năng nhập tâm, thổi hồn qua đôi bàn tay…”, anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ. 

Anh Thành là một trong số những người đầu tiên dựa vào kinh nghiệm của cha, ông để khôi phục nghệ thuật hấp tò he. Sản phẩm sau nặn được hấp cách thủy đã tăng thêm độ bóng đẹp, bền màu. Rồi vẫn từ bột gạo tinh khiết, anh mày mò pha trộn thêm nguyên liệu để cho ra loại bột cao cấp, chuyên dùng cho những sản phẩm trưng bày, có độ bền 2-3 năm. Nhờ loại bột này mà trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Thành cùng các nghệ nhân khác vẫn có thể sáng tạo những sản phẩm đẹp, mang tính nghệ thuật cao để phục vụ các đối tác có nhu cầu trưng bày...

Lời chỉ dạy của các “kỳ nhân” cao tuổi trong làng luôn được những người thợ trẻ như anh Đặng Đình Thường khắc cốt ghi tâm để không chỉ vững vàng hơn trong nghề mà còn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định cho Câu lạc bộ. “Câu lạc bộ hiện thu hút hơn 140 hội viên, sinh hoạt định kỳ hằng tháng và tổ chức nhiều cuộc thi nâng cao tay nghề cho hội viên. Câu lạc bộ là nơi kết nối, tạo cơ hội để các hội viên được mở rộng phạm vi hành nghề khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều gia đình sống được với nghề, có của ăn của để nên ngày càng tha thiết giữ nghề truyền thống của cha, ông cùng với thể hiện khả năng sáng tạo và dấu ấn cá nhân”, anh Đặng Đình Thường kể. 

Lặng lẽ trao truyền nhịp nghề 

Giáp Tết, sau đợt uống thuốc trị viêm khớp, hai đầu gối đã bớt đau nhức, bà Chu Thị Hay chậm rãi đi lại, dọn dẹp nhà cửa. Nhẩn nha lau đến sáng bóng các Bằng khen của con trai - nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, bà Hay tủm tỉm cười khi chạm tay đến tấm Giấy khen nhỏ nhắn của con trai anh Thành, cậu bé Nguyễn Đức Trọng tên gọi ở nhà là “Khoai Tây”, được treo trang trọng một góc. “Khi xưa, Thành cũng “ngồi rìa” xem ông nội, bố, mẹ nặn tò he mà thành nghề thì nay, thằng Khoai Tây cũng thế. Mới lên 5 mà cháu đã nặn được đủ thứ hình thù. Vừa rồi cháu tham gia cuộc thi nặn ở Trường Mầm non Phượng Dực, giành giải Nhì”, bà Hay khoe. 

Câu chuyện xen lẫn niềm tự hào về con trai, nay đến cháu nội của bà Hay luôn gợi nhớ về ký ức tuổi đôi mươi thuở nào. Ngày ấy, cũng vì mến mộ vẻ hiền lành, chất phác cùng đôi bàn tay khéo léo nặn tò he đến hút hồn của ông Nguyễn Văn Đĩnh mà ông bà đã nên duyên vợ chồng. Hơn 30 năm sau đó, ông bà ngày ngày đạp xe từ làng ra phố, phía sau chở “gia tài” là chiếc hòm gỗ nhỏ, bên trong là những khối bột dẻo đã pha sẵn màu… Cổng đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Công viên Thống Nhất hay Công viên Thủ Lệ… ông bà đều đặn có mặt vào mỗi dịp lễ, Tết, đem đến những món tò he trong trẻo, giản đơn mà chứa đựng sức sáng tạo và biết bao cảm xúc yêu thương hồn hậu được truyền vào cho con trẻ. 

Bà Hay nay bước sang tuổi 63, còn ông Đĩnh ở tuổi 65. Sức khỏe không còn như trước, cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên cả hai đành tạm gác nghề, ở nhà vui thú vườn tược cùng chăm sóc cháu con. Có dịp nghỉ ngơi, ngắm nghía những tác phẩm do con trai làm ra, bà Hay như thấy lại những bước truyền dạy của ông Đĩnh ngày nào và nay lại tiếp tục được anh Thành trao cho con trai. 

“Nếu người thợ thực sự đắm đuối với nghề thì khó khăn đến đâu cũng có cách vượt qua” - tâm niệm của bà Hay có lẽ được rút ra từ chính con trai. Trong suốt năm 2021, dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, anh Thành vẫn đều đặn lên lớp dạy trực tuyến, nhận lời trình diễn nghề tại các sự kiện hay nặn các vật lưu niệm… Điều đáng quý, anh Thành không chỉ chăm lo nâng cao tay nghề mà còn đau đáu duy trì hoạt động của Câu lạc bộ, đem lại cho các thành viên nhiều hơn nữa cơ hội được phô diễn nghề, nâng cao giá trị cho tò he Xuân La. 

Đón xuân Nhâm Dần, Chủ tịch xã Phượng Dực Lê Quý Đôn có thêm niềm vui nhỏ. Ông thông tin, từ năm 2022, huyện Phú Xuyên sẽ dành một khoản kinh phí để hỗ trợ việc truyền dạy nghề của câu lạc bộ. Tương lai không xa, xã sẽ tiếp tục đề xuất để xây dựng nhà truyền thống, trưng bày tò he… Trân trọng tinh hoa cha, ông để lại, từ vai trò người lãnh đạo xã cho đến những nghệ nhân trẻ như anh Nguyễn Văn Thành, tất cả đều đang bằng những việc làm cụ thể để gìn giữ, phát triển nghề.

Trên sân thượng, hai bố con anh Thành thay xong bể lọc nước thì cũng là lúc bà Hay làm xong mấy việc nhẹ dưới phòng khách. Tiếng bé Khoai Tây đi chơi về đến cổng, lảnh lót chào… Xuân mới đang đến với ngôi nhà của nhiều thế hệ nghệ nhân tò he tiếp nối nhau tràn đầy những tin yêu và hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo để vượt khó