Vẽ lại chân dung người Hà Nội

Kinh Bắc| 04/02/2022 06:39

(HNMCT) - Trong chúng ta, hầu như ai cũng có lúc tự đặt câu hỏi: Thế nào là người Hà Nội? Một câu hỏi mà ngày càng khó tìm ra câu trả lời. Thành phố đã có quá nhiều đổi khác, nhất là thành phần dân cư. Nhưng một khi người ta biết trân trọng, biết tìm về cái đẹp của Hà Nội, thì có thể lắm, người ta sẽ tìm thấy mình, trong khái niệm người Hà Nội hôm nào.

Nét đẹp người Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Cuối năm 2021, đất nước kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến. Kháng chiến nổ ra trên toàn quốc, nhưng đặc biệt nhất là ở Hà Nội. Những chàng trai, cô gái, em nhỏ Hà thành hóa thân thành những người lính xung trận. Họ thề lời thề quyết tử, sẵn sàng lấy cái chết bảo vệ Thủ đô. Có một cụm từ không thể thay thế, và cũng chỉ dành riêng cho mảnh đất này trong chiến trận: Anh dũng, hào hoa. Nghe như là một nghịch lý, mà lại là có thật. Chẳng thế mà khi Nguyễn Huy Tưởng viết về những ngày tháng lịch sử ấy, ông không viết “Chiến lũy”, mà lại viết “Lũy hoa”. Người Hà Nội chiến đấu, người Hà Nội hy sinh theo cách không lẫn vào đâu được. Nhưng sau này, cụm từ “hào hoa mà anh dũng” mờ dần. Vì Hà Nội đã thay đổi theo năm tháng.

Khái niệm “người Hà Nội” ngày càng khó định hình. Hẳn chúng ta, khi sống ở mảnh đất này đều có lúc tự hỏi, người Hà Nội là ai? Tôi có một cô bạn đã sống ở Hà Nội hơn chục năm, yêu văn hóa, trân trọng những gì Hà Nội được viết qua trang sách. Cô ấy bảo đã thử cà phê ở những quán “rất Hà Nội” như cà phê Đinh, cà phê Giảng...; đã ăn nộm ở con phố ngắn nhất Hà Nội - phố Hồ Hoàn Kiếm; đã lang thang phố cổ, lang thang làng trong phố... Nhưng chưa “cảm” được Hà Nội. Chưa “gặp” người Hà Nội. Tôi đùa: Ở Thủ đô không gặp người Hà Nội thì muốn gặp ở đâu? Cô bạn cười: “Muốn gặp là gặp người Hà Nội khác”. Cái Hà Nội “khác” ở đây là Hà Nội tinh tế, lịch lãm, nhã nhặn như người ta vẫn nói.

Hàng triệu công dân mang hộ khẩu Thủ đô hôm nay đều là “người Hà Nội”? Người Hà Nội là những bà chị đứng chống nạnh chao chát bán hàng trên các con phố? Những thanh niên đứng vẫy mời gửi xe khi thành phố bắt đầu sáng đèn? Hay người Hà Nội là những chị, những anh, hay những cô cậu đang ngồi gác chân phun phì phì hạt hướng dương ở các quán trà chanh trước Nhà Thờ Lớn, hay khắp các quán cà phê đâu đâu cũng gặp?... Đều hộ khẩu Hà Nội và sống ở Hà Nội hẳn hoi đấy chứ? Thực ra, ý nghĩa địa lý trong khái niệm “người Hà Nội” là khá nhạt. Nó là khái niệm thuộc về phạm trù “địa - văn hóa”.

Khác với nhân tố “tĩnh” chi phối làng xã, một đô thị như Hà Nội luôn có tính “động” về mặt dân cư, mà dòng nhập cư ở thế thượng phong. Từ xưa, rồi bây giờ cũng thế. Nhưng cái khác trong câu chuyện xưa nay, chính là cấu trúc dân cư. Xưa, Hà Nội là điểm đến của giới tinh hoa. Người ta có thể bàn cãi rất nhiều về người Hà Nội xưa. Nhưng có những thứ mà người ta không cãi được. Cái tinh hoa, sinh ra tinh tế! Nói nôm na, là người Hà Nội “kỹ”. Bắt đầu từ uống trà. Trong “Vũ trung tùy bút”, cụ Phạm Đình Hổ đã mô tả cách uống trà “tinh” lắm rồi. Sang đến những trang viết của các cụ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, hay Hoàng Đạo Thúy, càng hiểu hơn về lối thưởng trà cầu kỳ, nhất là trà ướp hương hoa. Kế đến là chơi. Cái chơi ở đây, thực ra là sự đề cao văn hóa tinh thần. Không cứ phải những lối chơi hoa, chơi cây, chơi cổ ngoạn... của các cụ xưa để lại. Người Hà Nội, nhất là giới trẻ, cũng cởi mở với cái mới. Khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, cũng không thiếu những người chơi đồng hồ, chơi xe... Thậm chí ăn chơi khét tiếng. Thế nhưng, lại nói về những ngày Toàn quốc kháng chiến, không thiếu những cậu ấm, cô chiêu lại cầm súng lao ra chiến lũy chống quân thù. Không phải cái gì cũng vẹn toàn. Hà Nội cũng người nọ, người kia. Nhưng họ sống - rồi chiến đấu như thế, có lẽ bởi sinh ra, lớn lên trên cái nền “tinh hoa” thuở trước.

Có lần, cách đây đã ngót chục năm, khi ngồi vào một quán phở ở phố cổ, đối diện tôi là một bác trung niên. Như lẽ thường, tôi và bác thay nhau lấy giấm, thêm ớt. Khi tôi chuẩn bị đón miếng bánh phở đầu tiên, thì chợt nghe tiếng người đối diện: “Mời anh xơi”. Tôi mời lại bác, một thoáng giật mình. “Xơi” là kính ngữ nay ít người dùng. Bác trung niên nọ quần màu kem, áo trắng. Một chiếc mũ phớt đặt góc bàn. Xơi xong bữa sáng, bác ấy lại chào, rồi ra dắt chiếc xe đạp Peugoet đã cũ. Thực ra người Hà Nội cũ thường như thế. Chỉ đi ăn sáng thôi. Cũng chỉn chu, đàng hoàng. Sau này tôi nhận ra, hóa ra, cái lớp người ấy vẫn “có đoàn, có hội”. Cái nhẹ nhàng, tế nhị của người Hà Nội, không may đó lại là một điểm trừ trước những va chạm, ganh đua. Và cũng thật không may, nó không tạo ra sức đề kháng mạnh trước cuộc va chạm với các dòng văn hóa khác, đem theo từ những dòng cư dân đổ về những năm gần đây. Người Hà Nội thu mình lại. Song, họ cũng tìm cách tự vệ. Những người Hà Nội xưa vẫn hay tụ tập gặp gỡ, sống trong hoài niệm...

Không dễ tin, nếu bảo không ít người Hà Nội “cũ” vẫn đang sống theo một “mạch” riêng trong những dòng chảy bộn bề. Một cách lặng lẽ, người ta vẫn duy trì nền nếp đã quen thuộc mấy mươi năm qua của mình. Người ta giữ thói quen mua bán, ăn uống ở những cửa hàng, cửa hiệu nhất định, như cha ông họ. Người ta đạt được thành tựu gì, cũng không mấy ồn ào. Tôi biết có những người định cư tại Hà Nội một thời gian, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Khác với người Hà Nội xưa luôn nhớ tường tận quê cũ, giữ mối liên hệ với gốc gác của mình, thì những người mới này “gột” rất nhanh quá khứ, nhất thiết phải khẳng định mình sống cuộc sống ở Hà Nội thế nào, thậm chí, có người còn dạy con mình là “người Hà Nội”. Nhưng một người bạn gia đình mấy thế hệ chỉ sống quanh những phố cổ, phố cũ của tôi bảo rằng, đã là người Hà Nội thì không cần chứng tỏ. Người Hà Nội xưa trọng cái sang. Cái sang là thứ không dễ bắt chước mà có được.

Người Hà Nội là ai? Đúng là một câu trả lời khó. Nếu không tính xứ Đoài - vốn là một dòng chảy văn hóa khác, song hành với Thăng Long - Hà Nội, tôi tạm chia người Hà Nội làm ba nhóm, nhóm xưa - những người đã ăn đời ở kiếp với Hà Nội qua mấy thế hệ; nhóm cũ, đã sống ở Hà Nội ít nhất 30, 40 năm trở lên; nhóm mới, là phần còn lại. Dù cấu trúc dòng nhập cư bây giờ khác xưa, nhưng nếu quan sát, không quá khó để nhận ra sự khác biệt. Càng ở lâu, người ta càng lắng xuống. Và tôi nhớ tâm sự của cô bạn tôi, khi chưa “cảm”, chưa “gặp” người Hà Nội. Nhưng tôi tin, một khi có ý thức trân trọng tìm cái đẹp của Hà Nội như thế, sớm muộn gì cô ấy cũng “gặp” Hà Nội. Có thể, ở chính bản thân mình, trong mươi năm nữa, hay nhiều hơn thế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẽ lại chân dung người Hà Nội