Nhà văn khoa học viễn tưởng của thiếu nhi

Vân Hạ| 09/01/2022 05:55

(HNMCT) - Trong cuộc đời, có những khi chỉ một chút sai lệch mà thành cả một bước ngoặt khó quên. Cậu bé trong “Mái trường xưa” cũng vậy. Đó là một Hà Nội vào những ngày cuối năm 1946. Bình thường “dù là dương lịch, thường vẫn tấp nập rộn ràng”, nhưng từ ngày quân Pháp vào đóng, không khí trong thành phố đã khác hẳn. Khi thành phố có lệnh tản cư, gia đình của cậu bé ấy chỉ định khóa cửa về quê nên tối hôm trước cậu đã đi xuống nhà bạn ở Bạch Mai trả sách. Thế rồi không về nhà được nữa.

Đèn thành phố vụt tắt, cả Hà Nội chớp lửa, chỗ nào cũng oàng oàng súng, không ai được vào thành phố, cậu bé theo dòng người tìm về quê Hà Đông. Nhưng đến nơi, cả gia đình chưa ai về cả. “Bước ngoặt” cuộc đời niên thiếu của cậu bé chính thức bắt đầu khi quyết định theo anh bộ đội sinh viên “đi công tác” lên Yên Bái, từ đó cậu bước vào chặng đường mới để sau này kể lại trong “Mái trường xưa” dưới bút danh Viết Linh. Năm 1992, tác phẩm “Mái trường xưa” của nhà văn Viết Linh được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành tác phẩm được nhiều thế hệ học sinh yêu thích.

Qua lời kể của nhân vật “tôi” trong “Mái trường xưa”, nhà văn Viết Linh viết về ký ức của thời niên thiếu trong những ngày tháng tản cư tránh giặc mà không có bố mẹ ở bên. Sinh ra trong thời gian khó, lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, nhưng khó khăn chỉ càng khiến những cậu thiếu niên ấy thêm nỗ lực: “Mặc dù nhà trường không có cây bàng đỏ ối lá mùa thu, trống rộn ràng mỗi năm khai giảng nhưng “tôi” vẫn lo chép bài, lo đuổi kịp chương trình, lại lo cái bệnh sốt rét tái phát và lo nhất là đôi tai điếc sau một cơn sốt rét ác tính”. Là người thông minh và hiếu học, nhà văn đã tự mày mò học tập, bổ sung kiến thức và tốt nghiệp lớp 9 phổ thông (lớp cuối của hệ phổ thông khi đó). Ông còn loay hoay “nghiên cứu” cuốn “Tự học tiếng Anh” do người Pháp viết để hoàn thiện vốn ngoại ngữ.

Nỗ lực học tập và sự ham học hỏi của nhà văn không chỉ ở thuở thiếu thời, mà sau này, khi đi làm ông vẫn tiếp tục trau dồi không ngừng. Sau khi tốt nghiệp khoa Sử Đại học Sư phạm, ông về công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là cơ quan chuyên về văn học thiếu nhi nhưng ông lại được phân công biên tập mảng sách khoa học. Trình độ khoa học của ông khi đó "chỉ ở mức phổ thông", trong khi lại làm việc với cộng tác viên là các nhà khoa học uyên bác. Ông từng tự nói về mình một cách hóm hỉnh: “Học sử, làm công tác văn học, biên tập sách khoa học đúng là viết... linh tinh thật!”. Và để lấp đầy khoảng trống về kiến thức, nhà văn tự học qua sách. Có một thời gian dài, Thư viện Quốc gia chính là nơi Viết Linh đến mỗi ngày để đọc sách, tìm tài liệu, ông chỉ tiếp cộng tác viên ở cơ quan vào chiều thứ sáu mỗi tuần.

Sự nỗ lực ấy không chỉ giúp ông “hút” được các cộng tác viên là các tác giả viết về khoa học rất hay cho thiếu nhi như Phạm Ngọc Toàn, Hải Hồ... mà ông còn khởi xướng, gây dựng bộ sách “Em yêu khoa học” nổi tiếng một thời của Nhà xuất bản Kim Đồng nhằm tạo nên “chất gây men” cho các thế hệ học sinh ước mơ, khám phá và yêu thích khoa học. Với kiến văn thông tuệ và vốn sống dày dặn, ông đã cho ra đời những tác phẩm khoa học viễn tưởng đầy lý thú cho thiếu nhi như “Bí mật của nhà thôi miên", "Quả trứng vuông", "Giấc mơ bay”... Trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, đây là những tác phẩm “độc và lạ” đối với thiếu nhi nước Việt, và nhà văn Viết Linh là một trong những tác giả hiếm hoi viết về lĩnh vực khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi thời bấy giờ. Năm 1990, nhà văn viết tác phẩm “Hành tinh kỳ lạ" được độc giả nhỏ tuổi rất yêu thích. Tác phẩm sau đó đã được dịch và xuất bản tại Liên Xô.

Cùng với chủ đề khoa học, nhà văn có nhiều trang viết cho thiếu nhi, như “Bản thông cáo viết trên lá cây” (viết chung với Phạm Văn Đỗ), “Luống rau kết nghĩa”, “Gánh xiếc lớp tôi”, “Lá thư cá rô phi”, “Một trận hỏa mù”, “Chiếc xe đạp gỗ”, “Ông than đá”, “Quả xanh, quả chín”, “Việc nhẹ nhất”, “Đúng như vậy”... Đáng chú ý, còn phải kể đến tiểu thuyết lịch sử "Huyền Trân công chúa" của ông đến nay đã được tái bản nhiều lần. Bên cạnh đó, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình “Ánh sáng vùng biển tối”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn khoa học viễn tưởng của thiếu nhi