Họa sĩ Đào Hải Phong: "Tôi thấy mình như một anh nông dân trong hội họa"

18/12/2021 14:17

(HNMCT) - Rời Hãng phim truyện Việt Nam trong vai trò họa sĩ thiết kế, Đào Hải Phong đã tìm cho mình con đường đi riêng trong hội họa. Những bức tranh của anh nồng ấm, vừa gần lại vừa xa, vừa thân thuộc, vừa xa xăm, vừa như gần gũi lại vừa khó nắm bắt. Cho đến nay, cái tên Đào Hải Phong là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ họa sĩ trưởng thành thời kỳ đầu Đổi mới, đóng góp tiếng nói mới mẻ cho nền mỹ thuật hiện đại với tư duy và ngôn ngữ tạo hình riêng có.

- Thưa họa sĩ Đào Hải Phong, thế mạnh của anh là tranh phong cảnh. Quay trở về quá khứ một chút, có khoảnh khắc nào trong cuộc đời cầm cọ mà anh vẫn nhớ mãi?

- Tôi rất ấn tượng với vùng đất Quảng Bình cách đây hơn 30 năm. Khi ấy tôi đang cùng đoàn làm phim đi quay bộ phim “Tình yêu bên dòng sông” của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Buổi chiều, khi đã tắt nắng, đoàn làm phim nghỉ. Khoảnh khắc ấy ám ảnh tôi vô cùng. Là một thanh niên thành phố, đứng trước cánh đồng mênh mông sau một ngày nắng gắt trên mảnh đất miền Trung, dưới bầu trời chuẩn bị tắt nắng, vẫn đỏ rực như lửa..., tôi đã có những ấn tượng về một không gian hội họa. Các họa sĩ trên thế giới thường nói “thiên nhiên là bậc thầy” thì tôi học và đón nhận không gian đó để đưa vào trạng thái hội họa của tôi.

- Anh có thể nói về triển lãm đầu tiên của mình?

- Đó là một triển lãm nhỏ. Tôi triển lãm ở phòng tranh Hoa sen, phố Quán Sứ. Có một vị khách người New Zealand, trạc tuổi tôi, sang Việt Nam và mời tôi làm triển lãm đó. Hồi ấy tôi vẽ những bức tranh nhỏ, không nhiều tiền nhưng vẫn bán được, để dành 30% cho các em nhỏ cơ nhỡ học nghề. Vị khách ấy chưa vợ, từ một nơi xa xôi sang Việt Nam, biết tôi đang ở căn hộ tập thể trên đường Lê Thanh Nghị thì cùng chọn tranh và mời tôi triển lãm. Tôi cứ nghĩ làm hội họa cho riêng mình thôi nhưng qua triển lãm ấy, tôi có được niềm vui, anh bạn trẻ người New Zealand được làm một việc có ích cho trẻ em nước mình và những người bạn của anh ấy cũng được đóng góp một điều gì đó. Nhìn lại những bức tranh ấy, tôi thấy còn hồn nhiên, ngô nghê, nhưng có một điều đến bây giờ cũng không bằng được là thời ấy, những bức tranh đó đầy tình cảm.

- Anh từng nói: Những bức tranh được vẽ ra bởi hương vị vùng đất anh đang sống. Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hình ảnh của Hà Nội có dáng dấp và có vị như thế nào trong tranh của anh?

- Thực ra khi vẽ tranh, tôi cũng không nhìn ra nó có vị gì. Nhưng có “số” may là khi đi ra nước ngoài, được bày tranh ở một không gian khác thì tôi mới thấy mình như một anh nông dân, nhất là trong hội họa. Hội họa Việt Nam mới chỉ được 100 năm thôi. Nhưng tại sao họ vẫn đón nhận? Đấy chính là sự chân thành. Sợ nhất là anh nông dân bắt chước và làm trò. Anh nông dân cũng có những giá trị của mình. Cho nên tôi vẫn đùa: Tranh của tôi chỉ như những củ khoai, củ sắn nhưng nó được luộc một cách nghiêm cẩn. Và đó là những củ khoai được lựa chọn, ngon nhất trong mùa thu hoạch ấy.

- Ánh sáng của sân khấu có ảnh hưởng như thế nào đến tranh của anh?

- Trên một sân khấu hẹp nhưng họ đã tạo nên một không gian mà chúng ta có thể tưởng tượng, đó là rừng, là biển, là ngày, là đêm. Nhưng nếu không có ánh sáng ấy thì sân khấu tối um. Mỗi bức tranh, ánh sáng ở những vị trí khác nhau tạo ra không gian khác nhau, cảm giác khác nhau. Có những ánh sáng cứ tưởng đấy là trong buồng kín, của ánh nắng chang chang hay cũng có những ánh sáng tưởng như đó là sự le lói của hy vọng.

- Có thể thấy hình tượng cây, những màu xanh, đỏ trở đi trở lại trong tranh anh liên tục. Anh đã có chiêm nghiệm như thế nào để làm mới hình tượng nghệ thuật?

- Tôi luôn sống bằng kỷ niệm và tưởng tượng. Thực ra, tôi không phải là người từng trải hay là người va vấp nhiều. Vì thế, tôi rất thích những kỷ niệm đẹp, thậm chí là kỷ niệm của những người xa lạ. Chuẩn bị vẽ bức tranh nào đấy thì tôi hay tưởng tượng về những điều mình được chứng kiến, nhưng mình hướng nó theo suy nghĩ cá nhân.

- Tôi được biết anh vừa hoàn thành những bức tranh để minh họa cho tuyển tập Thạch Lam do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A chuẩn bị ấn hành. Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình với những tác phẩm của nhà văn Thạch Lam?

- Sở trường của tôi không phải là vẽ minh họa, thực ra tôi vẽ là nể bạn bè. Trong đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi phải nói rằng: Có lẽ cụ Thạch Lam đã chọn tôi. Khi đọc lại truyện của ông, tôi cảm nhận có gì đó về quan niệm nghệ thuật của tôi và cụ rất gần nhau. Ví dụ, Thạch Lam luôn đi vào những đề tài thân phận con người vất vả, những cảnh sống cơ hàn, nghèo túng nhưng truyện của ông không toát lên một điều gì đó quá bi thảm. Cũng như tranh của tôi, không vẽ cái gì quá cao siêu, chỉ là những mái đình, điếm canh, những cái lều của người đánh cá, hoặc là những làng chài, những căn nhà đơn sơ... Thế nhưng tôi vẫn có cảm xúc để vẽ được nó và người xem cũng cảm thấy nó không khổ đến mức như cảnh họ thường nhìn thấy.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đào Hải Phong!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Đào Hải Phong: "Tôi thấy mình như một anh nông dân trong hội họa"