Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng: Thơ là nơi tôi ẩn mình nương náu

Đăng Khoa| 19/12/2021 05:47

(HNMCT) - Không chỉ biết đến là nhà báo sắc sảo, Nghiêm Thị Hằng còn là nhà thơ lãng mạn và có nhiều bài thơ được phổ nhạc, trong đó không thể không nhắc đến bài hát “Mùa hoa cải” của nhạc sĩ Lê Vinh. Những ngày qua, đón nhận thông tin “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới với chị là niềm vui bởi trước đó không lâu chị mới ra mắt cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2021).

1. Hà Nội những ngày cuối đông hanh hao màu nắng, cũng là lúc trên khắp các cánh bãi ven đê nở vàng rực màu hoa cải - loài hoa gắn với những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc: “Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đương thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng...”.

Đã lâu không gặp chị bởi chị đã nghỉ công tác ở chức vụ Trưởng phòng Pháp luật - Bạn đọc, Tạp chí Người cao tuổi khá lâu, nhưng dường như lửa nghề vẫn cháy trong người phụ nữ gốc Cổ Nhuế (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mỗi khi có ai đó gợi đến chuyện nghề, chuyện đời.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng sinh ra ở quê nội Cổ Nhuế. Năm chị lên 5 tuổi thì cha của chị không may qua đời, mẹ chị đi bước nữa. Nhà có 3 anh em thì 2 người anh ở lại với mẹ còn cô bé Hằng được người cậu ruột đón về quê ngoại nuôi, đó là làng Kim Xa (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nơi có triền bãi lở bồi theo dòng sông Hồng những mùa lũ đi qua. Suốt tuổi thơ chị chỉ gặp anh trai cả vài ba lần, và lần cuối cùng là khi anh hành quân qua quê ngoại ghé vào chia tay em để vào Nam chiến đấu. Sau lần chia tay ấy, người anh trai của chị ra chiến trường, đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Khi đang học lớp 8, Hằng trở thành giao liên “đưa thư tình” của anh Trần Văn Đính (học lớp 10) cho người yêu là chị Phùng Thị Thức (hàng xóm của Hằng). Cô bé Hằng chính là người chứng kiến buổi chia tay của anh Đính và chị Thức vào một chiều đầu đông bên bến sông rực vàng màu hoa cải. Anh Đính lên đường đi bộ đội, để lại lời thề dang dở bên bến sông quê. Bởi thế mà bài thơ “Mùa hoa cải” đã ra đời. Trong bài thơ “Mùa hoa cải”, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng chủ ý viết về mối tình dang dở của anh bộ đội nhút nhát, rụt rè, yêu mà không dám ngỏ lời, còn người con gái thì một mực đợi chờ người yêu trở về. Tuy nhiên khi phổ nhạc nhạc sĩ Lê Vinh đã viết thành một câu chuyện khác để cho cô gái “bước sang ngang” bởi theo lý giải của nhạc sĩ thì “người con gái trong ca khúc đã sống và cháy hết mình với tình yêu, không một lời hẹn ước nhưng đã thủy chung chờ đợi qua biết bao mùa hoa cải về... Chỉ cần vậy thôi cũng đáng để ngợi ca rồi. Sau bao mất mát hãy để cho người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc của riêng mình”. Cũng từ đây, bài hát “Mùa hoa cải” trở thành bản tình ca "đi cùng năm tháng" của người lính trong chiến tranh.

2. Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng được biết đến là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất. Tính đến nay chị có khoảng 200 bài thơ được phổ nhạc. Một số nhạc sĩ tên tuổi đã phổ thơ của chị như Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục, Thanh Phúc, Cầm Phong, Thế Song, Đoàn Bổng, Lương Nguyên, Lương Hải..., trong đó có những bài hát được giải thưởng lớn trong các cuộc thi. Chị cũng đã từng ra mắt album gồm 11 bài hát phổ thơ của mình mang tên “Mùa hoa cải” mà ở đó có những ca khúc quen thuộc, như “Chợ chờ” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “Lời ru đưa nôi” của nhạc sĩ Đoàn Bổng, “Lời tỏ tình của biển” của nhạc sĩ Lương Hải, “Mưa chiều xứ Huế” của nhạc sĩ Tuấn Anh, “Bến không chồng” của nhạc sĩ Đức Liên... Chị cũng là tác giả phần lời cho nhiều ca khúc về Vĩnh Phúc được phổ biến hiện nay như “Về Vĩnh Tường quê anh”, “Khúc hát bên sông” của nhạc sĩ Đoàn Bổng; “Làng ven sông”, “Hát về mái trường Lê Xoay” của nhạc sĩ Thanh Phúc; “Chiều Tam Đảo” của nhạc sĩ Triệu Huyền Ngọc...

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng quan niệm: “Với thơ, tôi bén duyên bởi sự nặng tình. Càng đa tình, đa cảm càng duyên nợ với thơ. Thơ với phụ nữ chúng tôi là chuyện tình cảm, chuyện trong nhà, còn chuyện ngoài xã hội là của nhà báo. Làm thơ trước hết là cho mình, không phải làm thơ để chạy đua đăng tuyển đăng tập vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi mê thơ nhưng lại theo nghiệp báo nên trong báo đôi khi cũng bị ảnh hưởng của chất thơ”. Đúng vậy, trong báo của Nghiêm Thị Hằng có thơ, trong thơ có báo nên dù sáng tác về nhiều đề tài nhưng có thể dễ dàng nhận thấy trong thơ của chị chủ đạo vẫn là đề tài về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Sinh thời nhạc sĩ Thanh Phúc từng nhận xét: “Thơ của Nghiêm Thị Hằng bắt nguồn từ công việc của cô ấy, đó là làm báo tại tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Bởi thế chủ đề làng quê, công việc đồng áng đầy ắp trong đầu cô ấy, nên trong thơ luôn gắn bó với đồng quê, rất trữ tình, bài nào cũng có thể phổ nhạc được”. Còn nhạc sĩ Đoàn Bổng thì cho rằng: “Trong thơ của Nghiêm Thị Hằng đã lấp lánh những giai điệu và việc của các nhạc sĩ là sắp xếp chúng ngay ngắn trên khuông nhạc. Ngoài chủ đề về nông thôn, thơ chị còn là tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ với khát khao được khẳng định mình”.

3. Mới đây, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng cho ra mắt cuốn sách tâm huyết “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Bằng nghiên cứu sâu sát, tỉ mỉ, với khả năng tiếp cận nhiều lĩnh vực từ lịch sử, địa lý, xã hội, văn hóa, văn học... và góc nhìn đa dạng của người chuyên viết phóng sự điều tra, chị đã giải mã 9 bí ẩn, góp thêm tiếng nói để làm sáng tỏ thân thế, cuộc đời của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.

Lý giải cơ duyên đến với việc nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Nghiêm Thị Hằng cho biết, tuổi thơ của mình lớn lên ở đất phủ Vĩnh Tường - nơi có người chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là ông Trần Phúc Hiển làm tri phủ Tam Đái, tiền thân của phủ Vĩnh Tường. "Duyên ấy, nghiệp ấy đến với tôi vào năm 2019 về phủ Vĩnh Tường viết bài ký “Để thương nhau đến tận bây giờ”. Không ngờ đó chính là ngày mà 200 năm trước ông Phủ Vĩnh Tường từ giã cõi đời, để lại mối nhân duyên “Thương nhau đến tận bây giờ” với “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương...

Trong câu chuyện miên man giữa tôi và nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, chị vẫn còn ấp ủ nhiều dự định về nghề. Và những lúc như vậy, thơ ca đến với chị như là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, là nơi nương náu cho chị sau những giờ phút làm nghề căng thẳng. Báo là nghề, thơ là nghiệp, đó chính là niềm vui cuộc sống bình dị của nhà báo, nhà thơ Nghiêm Thị Hằng.

Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng (sinh năm 1955) tại Cổ Nhuế (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng tuổi thơ chị chủ yếu sinh sống ở xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Chị từng công tác tại Đài Phát thanh Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí Người cao tuổi). Chị là hội viên của các hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Tính đến nay nhà thơ Nghiêm Thị Hằng đã xuất bản 5 tập thơ: “Mưa mùa thu” (năm 1990), “Lời tỏ tình của biển” (năm 1996), “Lời thì thầm” (năm 1997), “Bài hát xanh” (năm 1999), “Lâu đài trên cát” (năm 2007) và gần đây là tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” (năm 2021).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng: Thơ là nơi tôi ẩn mình nương náu