Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Kể tiếp chuyện Hà Nội xưa

Nguyễn Hà| 21/10/2021 15:53

(HNMCT) - Trong số những người Hànộimới cùng thời thì Nguyễn Ngọc Tiến ở một “tạng” riêng. Không chỉ là vẻ trầm trầm, ít nói hay cái dáng phong trần “bụi bụi” với bộ quần áo jean thùng thình, cặp mắt kính kiểu John Lennon tròn xoe trên gương mặt hiền lành, mà còn bởi cung cách làm báo của anh cũng rất khác. Chính cái “khác” ấy đã tôi luyện nên một phóng viên, biên tập viên vững nghề, hơn thế còn giúp anh trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội, là một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

1. Sinh ra, lớn lên ở làng Vọng (làng Phương Liệt, nay thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Tiến gắn bó với ngôi làng ngoại ô có cái tên chữ nói lên khát vọng cao đẹp của những cư dân lập làng. Có lẽ vì thế mà từ nhỏ Tiến đã say mê đọc sách báo, thích tìm hiểu, khám phá. Thời kỳ sơ tán về quê nội Thường Tín trong Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ I của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), Tiến tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn tỉnh Hà Tây. Năm 1966, mới 8 tuổi Tiến đã có bài đăng trên báo Nhi Đồng.

Sách tử vi nói tuổi Mậu Tuất (1958) an nhàn, số hưởng vinh hoa, phú quý, song với trường hợp Nguyễn Ngọc Tiến dường như "có gì sai sai”. Năm 1975, Tiến tốt nghiệp cấp III. Dù đủ điểm vào Trường Đại học Xây dựng nhưng vì “cái án” bị cảnh cáo trước toàn trường ghi trong học bạ mà cánh cổng trường đại học đã khép lại với anh. Việc Tiến không được vào đại học với gia đình anh là chuyện “động trời”. Vốn là một bác sĩ, lại nghiêm khắc nên bố anh khuyên “con đường duy nhất của con là đi bộ đội, xuất ngũ về thì may ra có hy vọng”. Hằng ngày Tiến xếp hàng mua gạo, dầu, thực phẩm (vì là người rỗi nhất trong nhà) và... chờ được nhập ngũ. Tháng 9-1976 anh có giấy gọi khám sức khỏe, một tháng sau trở thành tân binh của một đơn vị thuộc Sư đoàn 308.

Những năm ấy đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, khó khăn mọi bề. Cuộc sống bộ đội thời bình đơn điệu nếu không muốn nói là nhàm chán. Ngoài rèn luyện quân sự, công việc hằng ngày của Tiến chủ yếu là... chăn bò. Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Tháng 4-1978, đơn vị hành quân vào Tây Ninh. Trong hành trang người lính, Tiến còn mang theo sách văn học, lịch sử, giáo trình tiếng Anh...

Những tháng ngày nằm chốt, quần nhau ác liệt với địch ở những cánh rừng cao su biên giới, sau đó truy kích tàn quân Pol Pot trên đất nước Chùa Tháp in đậm trong ký ức anh. Nhờ tố chất của người cầm bút (dẫu lúc đó Tiến chỉ là một anh bộ đội bình thường như bao đồng đội khác) mà tính chất tàn khốc của chiến tranh, đặc biệt là tình quân dân, tình đồng đội, cả tính cách đặc trưng của cánh lính Hà Nội “lắm tài, nhiều tật” được Tiến khắc ghi, để rồi sau này phản ánh rất chân thực trong tiểu thuyết “Lính Hà” (NXB Trẻ, năm 2017).

2. Tháng 11-1982, Nguyễn Ngọc Tiến được xuất ngũ. Hành trang trở về đời thường ngoài bộ quần áo lính phai bạc còn có căn bệnh sốt rét kinh niên. Ban đầu Tiến làm chân phát hành ở Thông tấn xã Việt Nam, vừa “dùi mài kinh sử” để viết tiếp giấc mơ đại học. Năm 1985, anh thi đỗ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, trở thành sinh viên khoa Lý luận - Biên kịch.

Nhẽ ra Tiến đã làm công việc liên quan đến điện ảnh hoặc sân khấu như được đào tạo, nhưng cái duyên nghề báo đã đến vào năm 1988, khi anh thực tập tại Ban Văn hóa - Xã hội của Báo Hànộimới. Công việc hằng ngày là viết tin bài, không chỉ mảng phim ảnh kịch cọt, mà cả y tế, giáo dục... Kết quả thực tập đã giúp anh lọt vào “mắt xanh” của Ban Biên tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở thành thành viên của “ngôi nhà” Hànộimới từ tháng 8-1990.

Phải nói rằng Nguyễn Ngọc Tiến may mắn khi “đầu quân” vào Hànộimới đúng thời điểm ấy. Những năm đầu Đổi mới sau Đại hội lần thứ VI của Đảng cũng là thời điểm tờ báo Đảng của Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ. Dưới sự chèo lái của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, một nhà báo dũng cảm, dám chịu trách nhiệm, Hànộimới trở thành một trong những tờ báo đi đầu trong công cuộc đổi mới báo chí. Một dấu ấn quan trọng là sự ra đời ấn phẩm Hànộimới Chủ nhật. Với những bài viết sắc sảo, thể hiện tư duy cởi mở, phản ánh hơi thở cuộc sống, không bó hẹp trong phạm vi Hà Nội..., tờ báo đã nhanh chóng có “thương hiệu” trên thị trường báo chí.

Được về Ban Hànộimới Chủ nhật, Tiến như cá gặp nước, không chỉ viết mảng văn hóa nghệ thuật quen thuộc mà còn “xông” vào nhiều lĩnh vực nóng bỏng, một mình thực hiện hoặc cùng nhóm phóng viên. Đó là những bài, loạt bài phóng sự điều tra chống tham nhũng, tiêu cực hay loạt bài dài kỳ cổ vũ sự nghiệp đổi mới đất nước và phát triển Thủ đô. Không ít độc giả đến nay vẫn còn nhớ những bài “đọc được” của Hànộimới thời kỳ ấy như “Bay lên nào, bay lên nào”, “Giở giăng giở đèn”, “Đầu tư toàn cảnh”, “Ma túy toàn cảnh”, “Làng Vũ Đại ở Sóc Sơn”, “Có một loại rượu chua chua, ngọt ngọt”... Những tác phẩm đã khẳng định tên tuổi một thế hệ làm báo Hànộimới, giúp Nguyễn Ngọc Tiến và đồng nghiệp “gặt hái” nhiều Giải Báo chí toàn quốc, Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí Ngô Tất Tố (của Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội). Song không phải ai cũng biết chính những bài báo ấy đã có lúc “làm khó” ê kíp thực hiện, thậm chí còn khiến họ đối diện với nguy cơ bị kỷ luật, tố tụng...  

Nguyễn Ngọc Tiến thẳng tính nhưng không thích ồn ào, kiệm lời mà dễ mến, đặc biệt là không ham chức quyền. Ngót ba chục năm gắn bó với Hànộimới, nhận không ít giải thưởng, đến khi nghỉ hưu anh vẫn chỉ là một phóng viên bình thường. Anh thuộc type người của công việc, suốt ngày cặm cụi viết lách, biên tập... Nhiều hôm đã muộn, xung quanh tối om, riêng bàn làm việc của Tiến vẫn sáng đèn.

3. Yêu Hà Nội và khao khát cống hiến, Tiến cho rằng mình làm báo Hànộimới càng phải tìm đọc nhiều để hiểu hơn về Hà Nội. Từ những năm 1990 anh bắt đầu sưu tầm tài liệu, hiện vật, tìm đọc sách báo cũ về Hà Nội để tích lũy thông tin. Lúc rảnh anh lại đến các thư viện, đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia để tầm lục, tra cứu, đọc tại chỗ hoặc mang về cơ quan hay ngồi nhà nghiền ngẫm.

Năm 2008, Nguyễn Ngọc Tiến trình làng cuốn “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”. Cuốn sách khảo cứu đầu tiên về Hà Nội của anh cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức thú vị về Hà Nội xưa. “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội” lần lượt ra mắt trong năm 2012, cùng năm đó được trao “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” ở hạng mục “Tác phẩm”. Điều đó đã khẳng định những cống hiến của anh được ghi nhận, đánh giá xứng đáng. Năm 2015, anh cho ra đời cuốn khảo cứu thứ tư: “Đi xuyên Hà Nội”.

Thành công với mảng sách khảo cứu, Nguyễn Ngọc Tiến dấn thân vào địa hạt văn xuôi. Hai cuốn tiểu thuyết “Me Tư Hồng” (2014) và “Mong manh” (2016) lần lượt được xuất bản, đều tái hiện đời sống thị dân Hà Nội nhưng ở hai thời điểm lịch sử khác nhau. Năm 2017, đến lượt tiểu thuyết “Lính Hà” ra đời.

Sách của Nguyễn Ngọc Tiến, dù là khảo cứu hay văn học thì đều là đề tài đất và người Hà Nội. Những câu chuyện tưởng như vụn vặt về thân phận người hay sự việc cụ thể đã tái hiện một Hà Nội dang dở, đan xen cũ mới, thanh lịch pha lẫn xô bồ, phát triển nhưng vẫn có nhiều bất cập. Một Hà Nội của chung mà cũng rất riêng, không lẫn với nơi nào. Tất cả được thể hiện bằng lối kể chuyện chân thực, văn phong dung dị, không cầu kỳ câu chữ mà vẫn toát lên nỗi niềm đau đáu xót xa, yêu thương, kỳ vọng...  

Việc những đầu sách của Nguyễn Ngọc Tiến liên tiếp ra đời và để lại dấu ấn sâu đậm trong độc giả, cùng với những tác phẩm của hàng loạt cây bút chuyên viết về Hà Nội khác như Trần Chiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý... đã xóa đi nỗi lo thiếu vắng tác giả viết về Hà Nội sau khi những tên tuổi Hoàng Đạo Thúy, Tô Hoài, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Uẩn, Trần Quốc Vượng, Băng Sơn, Nguyễn Vinh Phúc... lần lượt ra đi.

Sau ngót ba thập kỷ gắn bó với Báo Hànộimới, năm 2018 Nguyễn Ngọc Tiến được nghỉ hưu. Ai cũng bảo hưu rồi sẽ nhàn, nhưng với Tiến thì ngược lại, còn bận hơn lúc đương công tác. Sau nhiều lời đề nghị “đá hiệp phụ”, anh nhận làm biên tập cho một tờ báo ngành, ngoài ra vẫn cộng tác đều đặn với nhiều tờ báo trong Nam, ngoài Bắc, đề tài vẫn là về Hà Nội thân thuộc. Sắp xếp được thời gian anh lại đi điền dã, khảo cứu tài liệu, như anh nói là để chuẩn bị cho một cuốn khảo cứu mới, dự kiến có tựa là “Đi chéo Hà Nội”. Và Tiến còn chia sẻ thêm, “vì sinh ra, lớn lên ở ngoại ô nên mình rất yêu ngoại ô, có thể sắp tới sẽ viết cái gì đó về ngoại ô Hà Nội”.

Vậy là Nguyễn Ngọc Tiến sẽ kể tiếp chuyện Hà Nội xưa, để nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Kể tiếp chuyện Hà Nội xưa