Vài kỷ niệm với ông ''Lân Gióng''!

Vân Thảo| 25/09/2021 06:27

(HNMCT) - Ngày 15-9-2021, Nghệ sĩ nhân dân (NSND), đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân, cây đại thụ của hoạt hình Việt Nam đã từ biệt cõi đời. Tên tuổi của nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân (còn được gọi thân mật gắn liền với tác phẩm hoạt hình của ông là ông "Lân Gióng") không xa lạ gì với người hâm mộ. Ông có nhiều đóng góp lớn cho hoạt hình Việt Nam cả ở khâu sáng tác và lý luận. Bài viết này xin góp vài kỷ niệm về ông, để thấy một khía cạnh khác của NSND Ngô Mạnh Lân - một người Hà Nội khiêm nhường, thanh lịch, được đồng nghiệp và học trò vô cùng trân trọng, quý mến.

1. Năm 2007, NSND Ngô Mạnh Lân được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm hoạt hình do ông thực hiện, trong đó có "Chuyện ông Gióng". Chùm phim này được Giám đốc Liên hoan phim (LHP) Tempere (Phần Lan) mời tham dự Chương trình giới thiệu về điện ảnh Việt Nam trong khuôn khổ LHP tổ chức vào tháng 3-2009. Lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam tham gia LHP ngắn Tempere, hai nhà báo của một tờ nhật báo khá nổi tiếng ở Phần Lan đã “đón lõng” ông ở sân bay để phỏng vấn. Biết mình sẽ là “sứ giả” giới thiệu hoạt hình Việt Nam nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung với bạn bè thế giới, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân đã chuẩn bị chu đáo về thể chất lẫn tinh thần.

Trong những ngày tham gia LHP, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân rất tích cực giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế. Ngoài sự hỗ trợ của tình nguyện viên phiên dịch cho đoàn do Ban tổ chức LHP sắp xếp, ông tự giao tiếp với một số nhà làm phim biết tiếng Nga. "Nghệ thuật thứ 7" không có rào cản về ngôn ngữ và tuổi tác, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều nhà làm phim trẻ. Phần lớn họ muốn tìm hiểu về điện ảnh Việt Nam, trong đó có những bộ phim ngắn thuộc thể loại hoạt hình trong chùm phim của ông được trình chiếu tại đây. Phim của đạo diễn Ngô Mạnh Lân được yêu thích vì nội dung trong trẻo, tạo hình nhân vật bay bổng, sinh động. "Chuyện ông Gióng" dựa theo truyền thuyết quen thuộc của người Việt Nam được ông kể bằng một phong cách riêng trẻ trung, tươi mới. Giữa kỳ LHP, Ban tổ chức sắp xếp cho đoàn điện ảnh Việt Nam đi dã ngoại thăm thú thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa Phần Lan. Đứng trên đồi thông tuyệt đẹp nhìn dòng sông băng và những ngôi nhà màu đỏ nổi bật trên nền tuyết trắng, trong lúc mọi người bận rộn với chiếc máy ảnh thì ông thốt lên: “Ngồi ở đây vẽ thì thích lắm”. Thế mới biết, tình yêu hội họa của Ngô Mạnh Lân mãnh liệt đến nhường nào.

2. NSND Ngô Mạnh Lân được rất nhiều người yêu quý, nể trọng. Ngoài đồng nghiệp điện ảnh, hội họa, ông còn có mối liên hệ đặc biệt với các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nơi ông tham gia công tác giảng dạy, và cả giới báo chí với phong cách giao tiếp, ứng xử thân thiện, cởi mở và lối nói chuyện hài hước. “Cho tôi số của cậu vào đây, cứ gọi cho tôi trước khi đến, phải bố trí một buổi có thời gian hẳn hoi chứ không qua loa được. Mấy anh trẻ là hay bộp chộp, không tìm hiểu kỹ viết sai là nguy hiểm, người ta cười cho”. Tôi còn nhớ như in lời ông dặn trong một lần tác nghiệp.

Dù nghỉ hưu đã lâu và không còn trực tiếp tham gia sáng tác nhưng nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân vẫn là kho đề tài để các nhà báo khai thác, từ chuyện tình đẹp như thơ của ông với nữ diễn viên tài sắc - NSND Ngọc Lan, cho tới các vấn đề sáng tác, lý luận về hoạt hình vì ông là tác giả của cuốn sách “Hoạt hình - nghệ thuật thứ 8”, cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lý luận, sáng tác phim hoạt hình Việt Nam.

Là người rất dễ gần và có lối trò chuyện thân thiện, Ngô Mạnh Lân luôn chiếm được cảm tình của người đối diện. Một nét tính cách đáng mến nữa của ông là hóm hỉnh nhưng cũng rất nghiêm túc, chỉn chu. Khi cháu ngoại là đạo diễn Đinh Tuấn Vũ hoàn thành và công chiếu bộ phim “Cuộc đời của Yến”, nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân đến tham dự và trong khi mọi người bắt tay, ôm chúc mừng Đinh Tuấn Vũ vì thành công của bộ phim, Ngô Mạnh Lân chỉ nhẹ nhàng chạm vào vai người cháu và nói một câu ngắn gọn: “Anh vẫn phải cố gắng nhiều”, rồi đứng sang một bên, nhường chỗ cho đám trẻ ồn ào. Đấy chính là một lời khích lệ giản dị, ý nghĩa mà Ngô Mạnh Lân dành cho người cháu của mình. Câu nói ấy cũng hợp với tính cách của ông: Chừng mực, nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, được nhiều người yêu quý.

Tác phẩm hoạt hình "Chuyện ông Gióng" giành giải Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (1971).

3. Ngoài hoạt hình, Ngô Mạnh Lân còn tận hiến cuộc đời mình cho hội họa. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là tác giả của nhiều tập truyện tranh dành cho thiếu nhi, tác giả một số bộ tem thư, bìa sách... Đặc biệt, các bức tranh, ký họa được ông lưu giữ rất cẩn thận và tổ chức triển lãm thu hút đông đảo người đến xem. Gần đây nhất, năm 2019, ông tổ chức triển lãm ký họa "Nét thời gian", giới thiệu 250 bức ký họa được ông sáng tác trong suốt 70 năm ghi dấu những điểm đến, con người mà ông đã đặt chân tới, gặp gỡ.

Giờ đây, cha đẻ của các bộ phim hoạt hình “Mèo con”, “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Chuyện ông Gióng”... đã ra đi ở tuổi 87, để lại di sản là những bộ phim, tác phẩm hội họa gắn liền với các thời kỳ lịch sử của đất nước, của nền hoạt hình Việt Nam được nhiều người yêu thích.

NSND Ngô Mạnh Lân đã giành nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước và quốc tế như giải Bồ nông Bạc tại LHP quốc tế Mamaia (Romania, 1996), cho phim “Mèo con”; giải Bồ câu Vàng cho phim “Chuyện ông Gióng” tại LHP quốc tế Leipzig (CHDC Đức, 1971). Tại LHP Việt Nam lần thứ I (1970), bộ phim “Mèo con” và “Con sáo biết nói” nhận giải Bông sen Vàng; phim “Những chiếc áo ấm” nhận giải Bông sen Bạc... Ông còn là tác giả của nhiều bài báo, cuốn sách về lĩnh vực hoạt hình và lịch sử điện ảnh Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vài kỷ niệm với ông ''Lân Gióng''!