Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và bức họa “Người đi tìm hình của nước”

Minh Khôi| 02/09/2021 14:18

(HNMCT) - Sau triển lãm nhóm lần thứ 4 “Giao mùa” vào tháng 7-2020, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng lại hăm hở đến với những đề tài mới và trung thành với phong cách tả thực. Tháng 5-2021, để hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), ông đã vẽ bức họa “Người đi tìm hình của nước” được giới chuyên môn, bạn bè và những người yêu hội họa đánh giá cao, bởi từ gương mặt, ánh mắt, vầng trán... đến bối cảnh đều toát lên ý chí, khát khao cháy bỏng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng bên bức họa “Người đi tìm hình của nước”.

1. Đã hơn một năm kể từ khi triển lãm "Giao mùa" kết thúc nhưng nhiều người vẫn còn ấn tượng với không khí của sự kiện cùng hơn 50 tác phẩm được trưng bày tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Khi ấy, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cùng 9 họa sĩ khác, những “gã đàn ông” với vẻ ngoài bụi bặm, gai góc đầy lãng tử đã mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật một cái nhìn khác về cái đẹp. Trong đó, 7 bức họa của Nguyễn Quốc Thắng gồm: “Ban mai xanh”, “Nắng to”, “Mưa”, “Niềm tin chiến thắng”, “Lời của gió”, “Tắm ao”, “Nỗi nhớ mùa đông”. Đó hầu hết là những bức tranh nổi bật, đánh dấu chuyển biến về kỹ thuật, phong cách của ông. Cách tác giả dùng bút pháp và màu chảy cũng thật tài tình, tả mà như không tả nhưng người xem vẫn cảm nhận được những day dứt, giằng xé nội tâm của nhân vật, thể hiện khao khát yêu đương cháy bỏng của người phụ nữ, đặc biệt là cách ông mượn thiên nhiên để giãi bày, sẻ chia. Đúng như những gì mà ông chia sẻ tại buổi triển lãm: “Tôi muốn triển lãm không chỉ là cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, mà còn là thời điểm để tạm quên đi cuộc sống cá nhân bộn bề, “giao mùa” với không gian, thời gian và con người”.

2. Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tâm sự, hội họa là niềm đam mê của ông từ nhỏ và ông khao khát được theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên ông phải tạm gác ước mơ ấy lại để trở thành giáo viên dạy văn tại trường nội trú dành cho con em liệt sĩ mang tên Nguyễn Viết Xuân tại Hà Nội (trường đã giải thể năm 2015). Trong quá trình công tác, ông vẫn không ngừng vẽ và được giao vẽ tranh cổ động trong những hoạt động của nhà trường. Thấy ông có năng khiếu, nhà trường đã tạo điều kiện cho ông đi học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông quay lại Trường nội trú Nguyễn Viết Xuân làm giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu.

Năm 2015, không còn vướng bận công việc, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng bắt đầu chuyên tâm vào sáng tác. Tính đến nay ông đã vẽ gần 100 bức họa về nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống, như phong cảnh, chân dung nhân vật và đặc biệt là về người đẹp. Dễ dàng nhận thấy trong các bức họa của ông là phong cách tả thực, bởi như ông chia sẻ thì: “Vẻ đẹp của con người, thiên nhiên vốn đã được tạo hóa ban tặng tuyệt mỹ rồi cho nên tôi cố gắng miêu tả sự vật, con người theo cách nhìn của mình để tôn vinh vẻ đẹp đó”. Theo đuổi phong cách tả thực, ông cho rằng, vẽ về đề tài vĩ nhân, nhân vật lịch sử thì điều đầu tiên là phải giống nhân vật ở ngoài đời. Cái đẹp chính là ở sự chân thật. 

3. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã khắc họa hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, cương nghị, tràn đầy sức sống và niềm tin khi bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville để bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc qua tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”. “Mấy người bạn là nhà văn, nhà báo của tôi có lần đề nghị tôi thử vẽ bức tranh mô tả về sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước xem sao. Lúc đó tôi nghĩ, hình ảnh Bác trong suy nghĩ của hầu hết đồng bào là một người đẹp lão, tóc bạc phơ, cả đời vì nước, vì dân. Bây giờ, mình vẽ về Bác mới 21 tuổi, đầy sức sống và niềm tin khi đi tìm đường cứu nước chắc chắn là một thử thách không nhỏ. Khó nhưng tôi không bỏ cuộc, và sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, tôi đã vẽ bức tranh trong 3 ngày bằng chất liệu sơn dầu với kích thước 90x120cm”, ông chia sẻ về cơ duyên vẽ bức tranh đặc biệt này.

Theo họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, vẽ hình ảnh Bác Hồ thời trai trẻ có nhiều cái khó, trong đó phải làm sao sau khi hoàn thành tác phẩm thì người xem nhận ra ngay đây là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Với bút pháp tả thực, ông đã vẽ Bác với gương mặt nghiêm nghị, ánh mắt đăm chiêu, dáng người mạnh mẽ vươn về phía trước, hướng ra vùng chân trời rực sáng... Người hiện ra hao gầy nhưng mạnh mẽ, giàu nghị lực. 

4. Bức tranh “Người đi tìm hình của nước” sau khi được họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đưa lên trang Facebook cá nhân đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của giới chuyên môn, bạn bè, những người yêu hội họa và sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí. Là người bạn lâu năm của ông, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Nghiêm Nhan (Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng: “Vẽ về Bác Hồ là đề tài quen thuộc với nhiều người nhưng cách thể hiện của Nguyễn Quốc Thắng rất sáng tạo, rất mới. Bức tranh này có bố cục khỏe, hiện đại và mới mẻ”. Còn họa sĩ trẻ Vàng Hải Hưng (giải Nhất cuộc thi Triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 2020) cho biết: “Bức họa có bố cục chắc chắn, có sắp xếp chuyển động của nhịp điệu mảng miếng; màu sắc hài hòa, trong sắc độ có chất liệu của sắt và nước tạo sắc phản quang thiên về gam chủ đạo là vàng đất, gợi không khí buổi chiều và màu của khu vực thời gian đó. Tinh thần trong chân dung Bác được tả theo lối hàn lâm, bố cục chân dung với hình thức biểu tượng theo lối tranh cổ động để làm toát lên cảm xúc và tinh thần vị lãnh tụ”.

Được biết sắp tới, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng sẽ hiến tặng bức tranh cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam để nhiều thế hệ người làm báo hiểu sâu sắc hơn về nhà báo xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Đánh giá về bức tranh này, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Với bức họa “Người đi tìm hình của nước”, họa sĩ Quốc Thắng đã thể hiện chân dung người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngời sức trẻ, đầy ý chí và hoài vọng cứu nước, cứu dân. Hình khối, màu sắc bức tranh gợi cho người xem hình dung rõ bối cảnh lịch sử, nhịp điệu nhanh thể hiện lòng quyết tâm mạnh mẽ của nhân vật cùng với đó hình ảnh sông nước quê hương tạo ra sự lắng đọng trong cảm xúc. Chính sự tương phản giữa nhịp điệu nhanh và cảm xúc sâu lắng ấy đã tạo ra giá trị đặc sắc, thể hiện ý nghĩa nội tâm sâu sắc của nhân vật. Bằng tài năng và lòng thành kính với Bác, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã có một tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị”.

Thời gian này, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trong căn nhà bên hồ Tây lộng gió, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng lại đang miệt mài với công đoạn cuối của bức tranh “No Covid” mang thông điệp về sự đoàn kết một lòng của toàn nhân loại để đẩy lùi dịch bệnh. Với ông, hội họa cũng là một “mặt trận” mà người họa sĩ phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình với xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và bức họa “Người đi tìm hình của nước”