Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng hành động giàu ý nghĩa

Minh Hà| 03/09/2021 05:23

(HNMCT) - Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sinh viên và người lao động tự do ngoại tỉnh sống ở quận Tây Hồ đã bị “mắc kẹt”, không thể về quê. Thay vì ngồi trong nhà đếm thời gian trôi, họ đã chọn tham gia các hoạt động hỗ trợ tại chốt “vùng xanh”, các điểm xét nghiệm, điểm tiêm vắc xin, vận chuyển nhu yếu phẩm đến các gia đình bị cách ly... Đây là hoạt động ý nghĩa, vừa giúp sinh viên và người lao động tự do ổn định cuộc sống, vừa giúp cộng đồng ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh.

Các sinh viên ngoại tỉnh đồng hành cùng Đoàn Thanh niên phường Xuân La (quận Tây Hồ) phòng, chống dịch bệnh.

Để thời gian không trôi qua vô ích

Hơn một tuần nay, người dân sống ở ngõ 38 đường Xuân La (tổ dân phố 10, 11 phường Xuân La, quận Tây Hồ) đã quen với hình ảnh cô gái trẻ có vóc dáng nhỏ nhắn trong màu áo xanh trực chốt “vùng xanh” ở ngay đầu ngõ. Đó là Nguyễn Thị Thu, sinh viên năm thứ 2, Đại học Nội vụ Hà Nội. Quê ở Hưng Yên, không quá xa Thủ đô nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mấy tháng nay Thu chưa thể về với gia đình. Thu cho biết: “Khi được các bác trong tổ dân phố gợi ý tham gia trực chốt ở ngõ mình thuê trọ, mình đã nhiệt tình tham gia. Vào những hôm không phải học online, mình trực vào các buổi chiều (từ 15h đến 19h). Những hôm phải học chiều thì trực từ 19h đến 22h”.

Nguyễn Thị Hồng Nhung (quê Hải Phòng, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại, hiện thuê trọ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã tham gia hỗ trợ chống dịch từ đầu tháng 7. Nhung cho biết: “Ban đầu, tôi tham gia chốt trực kiểm soát người tập thể dục ở hồ Tây. Khi thành phố giãn cách, tôi tham gia hỗ trợ kiểm soát người ra vào chợ Bưởi, hỗ trợ người mua hàng tại “Siêu thị 0 đồng” và các điểm tiêm vắc xin, vận chuyển hàng hóa về khu vực phong tỏa... Sống trên địa bàn phường, tôi thấy mình có trách nhiệm đóng góp vào “cuộc chiến” với đại dịch”.

Cũng là một người trẻ tích cực tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại nơi cư trú, Phạm Quang Huy (21 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện sống tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) vốn là lao động tự do, công việc nặng nhọc mà thu nhập không đáng là bao. Đợt dịch này Huy là một trong những lao động tự do được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Huy cho biết: “Khi nhận hỗ trợ của Nhà nước, mình rất cảm động nhưng lại nghĩ ở ngoài kia rất nhiều người còn khó khăn hơn, đó là lý do mình tham gia hỗ trợ chống dịch. Là lao động tự do nên mình quen biết nhiều người có cùng hoàn cảnh như mình trên địa bàn phường, hơn nữa, mình cũng cho rằng khi nhận trợ giúp từ một người có cùng hoàn cảnh, người ta cũng đỡ mặc cảm”.

Tinh thần xung kích, trách nhiệm

Anh Nguyễn Xuân Kiều, Bí thư Đoàn phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết, khi giãn cách, trên địa bàn phường có gần 20 sinh viên và gần 10 lao động tự do tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch. Trong số sinh viên tham gia thì chủ yếu là sinh viên Đại học Nội vụ Hà Nội (ngoài ra còn có sinh viên Học viện Tài chính, Đại học Thương mại) vì trường đóng trên địa bàn phường, hơn nữa Đoàn Thanh niên phường và Đoàn Thanh niên nhà trường là 2 đơn vị kết nghĩa từ lâu. Còn theo chị Nguyễn Bích Liên, Bí thư Đoàn phường Bưởi (quận Tây Hồ) thì trên địa bàn phường có 7 sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch, trong đó, 2 bạn đã được tiêm vắc xin thì trực tiếp tham gia trực chốt ở “vùng xanh”; 5 bạn chưa tiêm vắc xin thì tham gia hỗ trợ ở vòng ngoài.

Theo anh Bùi Thế Cường, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ thì trong thời gian qua, UBND quận Tây Hồ đã hỗ trợ hàng nghìn lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn... “Một số người trẻ trong số đó đã tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch trên địa bàn nơi mình sinh sống. Đó là sự thể hiện trách nhiệm công dân với địa phương, nơi đã quan tâm, đùm bọc họ trong suốt thời gian sống ở đây. Đó là hành động giản dị mà đẹp đẽ, tạo sức lan tỏa tích cực đối với cộng đồng để tất cả gắn kết cùng nhau đẩy lùi dịch Covid-19”, anh Bùi Thế Cường chia sẻ.

Cũng theo anh Bùi Thế Cường, việc các bạn trẻ tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận đã thể hiện tinh thần xung kích, trách nhiệm, dấn thân của thanh niên ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Anh Bùi Thế Cường nhấn mạnh: “Thanh niên có phẩm chất đáng quý, vấn đề là tổ chức Đoàn địa phương nơi họ tạm trú biết cách khởi dậy những phẩm chất đáng quý ấy. Chúng tôi hy vọng khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ có nhiều hơn các bạn trẻ tham gia vào những hoạt động ý nghĩa này”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng hành động giàu ý nghĩa