Nhớ ''cánh chim trời'' Tạ Vũ

Hà Nguyên Huyến| 11/07/2021 05:10

(HNMCT) - Cái tên Tạ Vũ được công chúng yêu thơ biết đến từ rất sớm. Năm 1954, Tạ Vũ đã có thơ in báo. Sau khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tạ Vũ cũng như bao thanh niên khác hăm hở bước vào cuộc sống mới. Vừa lao động vừa sáng tác, có thể nói đây là thời kỳ để lại những dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của Tạ Vũ. Mấy chục năm sau, đọc thơ Tạ Vũ vẫn thấy hiển hiện một thời Hà Nội sau hòa bình lập lại, thời của những chàng trai, cô gái mang nhiệt huyết tuổi trẻ dựng xây đất nước...

1. Năm 2002 tôi về công tác tại Nhà xuất bản Thanh Niên sau 4 năm công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây (cũ). Được đúng một tháng thì tôi chuyển sang báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam do không hợp với công việc của một biên tập viên nhà xuất bản. Tuy chỉ làm việc tại đó một tháng nhưng khoảng thời gian ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là hôm nhà thơ Tạ Vũ đến Nhà xuất bản Thanh Niên. Đó là một buổi sáng, tôi đang đọc bản thảo thì nhà thơ Phạm Đức đến bảo: “Huyến xuống đón anh Tạ Vũ lên giúp mình với...”. Tôi xuống dưới thì thấy một người ăn mặc tuềnh toàng, mới đầu thu mà đã quấn một cái khăn quàng xỉn màu ở cổ. Nhìn gương mặt râu ria, tôi đoán ngay đây là nhà thơ Tạ Vũ, một nhà thơ lớp đàn anh, tôi chưa bao giờ gặp nhưng từng đọc sáng tác và nghe nhiều câu chuyện kể về ông.

Sinh thời Tạ Vũ là người hay uống rượu và hay... xin tiền của bạn bè để uống rượu. Vậy mà khi có tiền ông lại hào phóng đem cho người khác. Giai thoại kể rằng: Có một cái tết (lúc này gia đình Tạ Vũ đã chuyển về quận Hoàng Mai, Hà Nội), vợ con ông đều về quê cả. Đêm ba mươi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, nhà thơ ra chợ Mơ “đón” ba ông hành khất đang tá túc ở đó về nhà mình, chuốc rượu cho họ thật say rồi đọc thơ cho họ nghe, đến sáng mồng một Tết... mới cho họ về. Trước khi chia tay, Tạ Vũ còn gửi mỗi người một cặp bánh chưng và xẻ cả nồi thịt đông cho họ. Ba người hành khất hết sức ngạc nhiên, không biết nói thế nào đành chỉ líu ríu: “Cảm ơn ông nhà thơ!”.

Còn nhớ một lần khi tôi đã về làm việc tại báo Văn nghệ... Hôm ấy, tầm giữa trưa khi tôi đang ngồi ở phòng thường trực uống nước thì Tạ Vũ đến. Ngoài trời nắng nóng, nhà thơ nhễ nhại mồ hôi. Cô thường trực nhìn thấy vội ra hỏi: “Bác cần gặp ai ạ?”. “Gặp lãnh đạo, căn vặn gì?”... Nói rồi nhà thơ gạt cô thường trực sang một bên để tiến lên trên tầng. Tôi vội chạy theo, Tạ Vũ nhìn thấy tôi: “A thằng Huyến!...”. Tôi định ngăn nhà thơ, đang buổi trưa thế này... mà không kịp.

Tạ Vũ đẩy cửa phòng, may quá nhà thơ Hữu Thỉnh đang ngồi ở bàn, trước mặt là một đống bản thảo. Nhìn thấy Tạ Vũ, Hữu Thỉnh reo lên: “Ơ kìa, Tạ Vũ!”. Tạ Vũ ngây người. Nhà thơ Hữu Thỉnh mở lời: “Có thơ hả?”. Tạ Vũ lục túi, hết túi nọ đến túi kia mãi cũng lôi ra được một mảnh giấy nhàu nát. Tạ Vũ đưa Hữu Thỉnh. Đó là vỏ bao thuốc lá được xé ra, trên mặt giấy là những dòng chữ nguệch ngoạc, xiêu vẹo... Cầm “bản thảo”, nhà thơ Hữu Thỉnh bảo: “Sang tuần in!”. Tôi nhẹ nhàng kéo tay Tạ Vũ ra khỏi phòng. Bỗng Hữu Thỉnh nói to: “À này, nhuận bút đây, ứng trước cho Tạ Vũ nhé!”.

Trưa đó, trong căn phòng gần cầu thang, Tạ Vũ đọc thơ cho tôi nghe, rồi ông khóc, ông cười. Cho đến hôm nay tôi cũng không nhớ ông đã đọc những gì. Chỉ biết những vần thơ ấy cuồn cuộn cảm xúc... Mãi đến cuối giờ chiều Tạ Vũ mới về.

2. Tạ Vũ từng làm nhiều nghề dạy học, thợ đặt đường ray tàu hỏa, kích kéo cầu phà... Phải chăng chính đời sống và hoàn cảnh xã hội đã tạo nên một phong cách thơ Tạ Vũ, đó là không khí hồ hởi, phấn khởi của một thế hệ trẻ hăng hái bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tạ Vũ sớm định hình phong cách thơ mình. Thơ ông ồn ào, ngang tàng, câu chữ thoải mái không lệ thuộc ngắn dài, không vần điệu... Thời ấy in ấn rất khó và cẩn trọng, vậy mà Tạ Vũ đã có nhiều tập thơ được xuất bản như “Những cánh chim trời” (1974 - Nhà xuất bản Thanh Niên), “Vầng sen Hàm Rồng” (1975 - Nhà xuất bản Lao Động)...

Rồi Đổi mới, cuộc sống của văn nghệ sĩ dần khá lên, riêng Tạ Vũ thì ngược lại. Song, hình như ông không bao giờ quan tâm đến điều đó. Bạn bè bảo, thơ đã kéo ông đi, nâng ông lên và xô đẩy ông... Thật đặc biệt trong hoàn cảnh ấy Tạ Vũ lại xuất thần có những bài thơ, vần thơ thật nhất và hay nhất...

Trong tập “Lá cỏ” ta bắt gặp hình ảnh người mẹ thân thuộc và lắng sâu: “Góc bếp kia, bóng mẹ ngồi/ Sân thượng mẹ hong tóc/ Suối tóc dài chấm gót/ Dài bằng đau thương” ("Mẹ tôi")... Hình ảnh người mẹ được nhắc lại nhiều lần trong thơ ông: “Nhà tôi ba tầng/ Đứng cô đơn trong dãy phố/ Nhà tôi mười người, sống cô đơn cùng nhau...”.

Thơ Tạ Vũ đọc kỹ thấy có cái gì đó cô đơn, run rẩy. Phải chăng đó là sự bù đắp cho những cái gì xù xì nhám ráp mà ta thường thấy ở vẻ bề ngoài của ông. Chất thi sĩ trong Tạ Vũ thật đáng yêu. Có những đoạn thật sự xúc động: “Anh ra góc vườn vỗ vào thân cây gầy guộc/ Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi...”.

Hôm Tạ Vũ đến Nhà xuất bản Thanh Niên, tôi không biết ông đã đọc cho Phạm Đức nghe bao nhiêu sáng tác mới. Chỉ biết, khi sang tiễn nhà thơ về, thấy Phạm Đức trịnh trọng cầm những đồng tiền mệnh giá lớn nhất, mới nhất tiễn bạn thơ! Ra đến cổng, tôi gọi xe ôm và nói đưa ông về Hoàng Mai. Tạ Vũ nhìn tôi bảo: “Đưa tôi sang Hội Nhà văn!”. Tôi nhìn vào đôi mắt Tạ Vũ thấy mênh mang một nỗi buồn. Thoáng chốc một nỗi cô đơn khủng khiếp hình như đang bao trùm lấy chúng tôi giữa phố phường đông đúc. Một ý nghĩ chợt lóe lên, không còn bạn bè để chia sẻ làm sao chúng ta có thể tồn tại trên cõi đời này, nhất là các nhà thơ!

3. Tạ Vũ mất đã gần 7 năm, khoảng thời gian ấy cũng là độ lùi cần thiết để chúng ta ngẫm ngợi về một đời người, đời thơ. Hà Nội là Thủ đô văn hiến của Việt Nam, tài liệu nghiên cứu về Hà Nội dưới nhiều góc độ, trong nhiều giai đoạn lịch sử để lại cái nhìn sâu sắc và toàn diện. Với Tạ Vũ, ông “tiếp cận” Hà Nội bằng thi ca trong giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là con người Hà Nội trong những năm tháng ấy! Những năm tháng làm ta nhớ đến những câu thơ: "Chiếc khăn như bình minh vắt vai" của Tạ Vũ. Những câu thơ công nhân, những câu thơ đến giờ đọc lại chắc làm không ít người sửng sốt. Có thể nói Tạ Vũ đại diện cho lớp thanh niên Thủ đô khi ông viết: “Ba cốc bia bọt đổ xuống tay/ Ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực/ Đêm nay ba con tàu phụt khói/ Sải cánh trên đường ray...”. Tạ Vũ viết như vậy vì nhớ thời trai trẻ của mình đi theo những chuyến tàu đầu máy hơi nước ngược Lào Cai - những chàng trai thấm đẫm chất Pavel Corsaghin ("Thép đã tôi thế đấy")!

Đọc thơ ông thấy ồn ào một nhịp sống sôi động, song bình tâm đọc kỹ thấy đâu đó thấp thoáng nét cô đơn của một con người - nỗi cô đơn nghệ sĩ phải chăng là thuộc tính của thi ca!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ ''cánh chim trời'' Tạ Vũ