Tạo sinh kế cho người khiếm thính

Đăng Khoa| 11/04/2021 05:30

(HNMCT) - Với mong muốn tạo công việc cũng như đào tạo kỹ năng sống cho người có cùng hoàn cảnh, từ tháng 12-2020, chị Lương Thị Kiều Thúy đã mở “Tiệm giặt là người điếc” ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai). Trước đó, năm 2020, ý tưởng “Giặt là sáng” của chị đã được trao giải “Cánh én vàng” trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, và giải “Best Performance” trong chương trình “Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức.

Tiệm giặt là của chị Lương Thị Kiều Thúy đã mang lại một cuộc sống ý nghĩa hơn cho những người khiếm thính.

Nơi kết nối yêu thương

Nằm ven bờ sông Sét, “Tiệm giặt là người điếc” rộng chừng 10m2 nhưng là không gian làm việc của 3 cô gái trẻ. Cửa hàng lúc nào cũng đông khách, tấp nập người vào ra, có lẽ do sự thân thiện và cách làm chuyên nghiệp của nhân viên, chủ cửa hàng.

Quản lý tiệm giặt là, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, là người khiếm thính nên chị luôn cập nhật thông tin về cuộc sống chậm hơn so với người bình thường. Biết được hạn chế của mình, năm 2017, chị tham gia lớp học ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính. Cũng từ đây, chị quen biết nhiều hơn với những người đồng cảnh ngộ. Giao lưu, trò chuyện, cảm thông, chị nung nấu ý định làm một điều gì đó để mang lại một cuộc sống ý nghĩa hơn cho những người có hoàn cảnh giống mình.

“Năm 2018, tôi bắt đầu tham khảo dự án nghiên cứu công việc của người câm điếc và nhận ra những nghề có thể đem đến giá trị bền vững cho người khiếm thính. Tôi đã chọn nghề giặt là, nghĩ rằng nó phù hợp vì những người khiếm thính có lợi thế trong việc sử dụng chân tay, mắt nhanh nhẹn, chỉ cần rèn luyện đức tính tỉ mỉ, thật thà, trung thực và hỗ trợ họ trong giao tiếp. Bên cạnh việc tạo ra thu nhập, tiệm giặt là còn là nơi giúp người khiếm thính hòa nhập với cộng đồng, tự tin khẳng định bản thân”, chị Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ.

Tuy nhiên, mở tiệm giặt là với người khiếm thính là điều không dễ dàng. Những ngày đầu chị đã rất vất vả khi kêu gọi vốn đầu tư bởi bản thân giao tiếp còn khó khăn, tai nghe bập bõm nên để nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư là rất khó. Nhưng rồi cơ duyên đến khi chị kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền “Giặt Ký” để “Tiệm giặt là người điếc” kết hợp kinh doanh.

“Do cửa hàng mở vào dịp cận Tết, lượng khách khá đông, nên chúng tôi gặp chút khó khăn trong xử lý công việc. Sau đó, làm dần rồi cũng quen. Thêm vào đó, vì các bạn ở đây đều là người khuyết tật nên muốn công việc đạt hiệu quả  tôi thường phải giải thích cặn kẽ, ghi chú ra giấy hoặc vẽ sơ đồ để họ làm theo”, chị Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ.

Cùng nhau vượt khó

Hiện nay, sau 4 tháng đi vào hoạt động, “Tiệm giặt là người điếc” đã có một lượng khách ổn định. Doanh thu hằng ngày của cơ sở khoảng 1 triệu đồng, có ngày đông khách thì doanh thu có thể lên tới hơn 2 triệu đồng. Đó là thu nhập mơ ước của nhiều cửa hàng kinh doanh giặt là trong thời điểm hiện nay. Điều đặc biệt là ngoài việc trả lương cho nhân viên, lợi nhuận của quán được sử dụng hoàn toàn cho lớp dạy kỹ năng sống dành cho người khiếm thính, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng. Trong tiệm giặt là còn có một góc rất dễ thương với dòng chữ “Viết những tình cảm của bạn ở đây nhé”. Tại góc nhỏ này, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đọc được những dòng chia sẻ hết sức cảm động của khách hàng như: “Mọi người có thể đến đây thư giãn và tìm hiểu ngôn ngữ mới”, “Một nơi tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm ngôn ngữ mới và có thể là cả một cách sống mới”, “Một nơi mà bạn cảm thấy mọi người tâm huyết với từng sản phẩm”...

Chị Phạm Thúy Hằng, nhân viên của tiệm giặt là chia sẻ: “Ban đầu làm việc ở đây tôi gặp đôi chút khó khăn, tôi còn nghĩ mình không thể làm được. Sau đó học dần dần, tôi đã quen việc và tiến bộ hơn. Với chúng tôi, làm việc ở đây không những để học việc cho mình mà còn để đào tạo những người khiếm thính khác có công việc mưu sinh và hòa nhập cộng đồng”.

Đánh giá về hoạt động của “Tiệm giặt là người điếc”, chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Năm 2020, khi Thúy tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ khởi nghiệp” thì “Giặt là người điếc” mới chỉ dừng ở ý tưởng, nhưng chúng tôi đánh giá đó là ý tưởng sáng tạo có khả năng hiện thực hóa. Sau đó, với sự kết nối của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thúy đã được chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh - người sáng lập Công ty tư vấn, huấn luyện và cố vấn đổi mới sáng tạo KisStartup hỗ trợ khởi nghiệp và cho đến nay đã đi vào hoạt động. Đây là một ý tưởng nhân văn mang ý nghĩa xã hội rất lớn, chính vì thế “Tiệm giặt là người điếc” cần nâng cao hơn kỹ năng quản trị, vận hành trơn tru để có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như ở các địa phương khác”.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, chị mong muốn đào tạo nghề cho nhiều người khiếm thính khác, giúp họ xây dựng cửa hàng giặt là cho riêng mình. Chị tin rằng, có nghề trong tay thì người khiếm thính sẽ được tôn trọng hơn, bình đẳng và tự làm chủ cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế cho người khiếm thính