Nghệ sĩ ưu tú Đức Hùng: Tình yêu Hà Nội là ngọn nguồn sáng tạo

Vân Thảo| 13/03/2021 07:37

(HNMCT) -  Bất cứ ai lần đầu tiếp xúc với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Hùng đều có chung cảm nhận về tình yêu nồng nàn của anh với những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất kinh kỳ. Cái cảm giác ấy khiến người đối diện ngầm hiểu nếu không được làm việc, sống và hít thở cùng Hà Nội, anh sẽ… kiệt sức. Có lẽ đây cũng là lý do mà Đức Hùng có đủ năng lượng để gánh vác nhiều việc cùng lúc: Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhà thiết kế thời trang, diễn viên phim truyền hình, người dẫn chương trình và thành viên ban giám khảo các chương trình Siêu mẫu Việt Nam, The Face cùng nhiều cuộc thi hoa hậu...

1. Sinh ra và lớn lên tại phố cổ, gần đó là sông Hồng, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... nên cảnh vật, con người, “cái hương”, “cái nét” Hà Nội đã trở thành một phần máu thịt trong anh. Nghệ sĩ Đức Hùng kể, khi mới 9 tuổi, hằng ngày đi bộ đến sinh hoạt tại lớp kịch nói ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, anh đã cảm nhận trong mình niềm đam mê nghệ thuật. Lớp kịch nói không có gương xung quanh tường như lớp múa nên vào giờ giải lao, anh thường chạy sang lớp múa đứng trước gương giả vờ khi lớn lên mình sẽ là một ngôi sao, tập nói cảm ơn trước khán giả, tưởng tượng lúc nhận giải thưởng sẽ phát biểu như thế nào... Quả nhiên, 45 năm sau, Đức Hùng đã trở thành cái tên quen thuộc với công chúng bởi sự cống hiến hết mình của anh cho nghệ thuật múa rối, thiết kế thời trang...

Năm 17 tuổi, Đức Hùng bước chân vào Trường Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), học diễn xuất múa rối. “Ở thời điểm đó, không một ai biết múa rối là gì. Bài trả cho các thầy cô giáo của chúng tôi chỉ là những vở kịch với con thỏ, con sói bằng bàn tay, diễn tập thì ở nhà trẻ. So với các bạn lớp kịch nói, lớp cải lương thì lớp múa rối vô cùng lép vế”, anh tâm sự. Nhưng Đức Hùng vẫn quyết tâm chọn và theo đuổi múa rối bởi trong múa rối có tạo hình mà trong tạo hình có cả thiết kế thời trang - lĩnh vực mà anh rất thích.

Sau khi tốt nghiệp, Đức Hùng và các đồng nghiệp múa rối lại có cơ hội đi biểu diễn ở nước ngoài nhiều hơn các bạn học kịch, cải lương, chèo. “Thời điểm ấy tôi chợt nhận ra rằng, sự lựa chọn của mỗi người không ai nói trước được là đúng hay sai và cuộc đời còn cần phải có một chữ Duyên”, NSƯT trải lòng.

2. Ngoảnh đi ngoảnh lại, Đức Hùng đã có hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực múa rối - một lĩnh vực nghệ thuật đậm chất dân tộc. Có những sự kiện không thể quên, như chuyến lưu diễn lần đầu tiên tại Pháp và Thụy Sĩ vào năm 1993, chuyến lưu diễn tại New York và Washington (Mỹ) năm 1994... Anh đã giành được Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các liên hoan múa rối quốc tế và hội diễn nghệ thuật dân gian toàn quốc, được trao danh hiệu NSƯT... Và, với mỗi sự kiện lớn đó, Đức Hùng không chỉ có cơ hội “tập” lại bài học đứng trước gương hồi 9 tuổi để nói lời cảm ơn tất cả mọi người mà còn được trải nghiệm cảm giác giấc mơ đã trở thành hiện thực.

Là nghệ nhân múa rối, NSƯT Đức Hùng còn tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như thiết kế thời trang, diễn viên sân khấu, diễn viên truyền hình, làm Host (người chủ trì) cho nhiều chương trình truyền hình, thành viên ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu, người đẹp... Hỏi anh lấy đâu ra năng lượng để làm nhiều việc như vậy, anh trả lời: “Tôi nghĩ, cái đó không phải muốn là được mà trong mỗi chúng ta cần có ước mơ, khát khao cũng như cho mình quyền được chạm tới khát khao đó”. Cách nói chuyện của Đức Hùng cho thấy dù ở tuổi nào, một cậu bé 9 tuổi tung tăng đi học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội hay một nghệ sĩ vừa bước sang tuổi 53, lái xe hơi đi đóng phim, đi ghi hình bất luận sáng, trưa, chiều, tối thì trong con người anh vẫn luôn tiềm ẩn nguồn năng lượng mạnh mẽ.

Là con trai duy nhất trong một gia đình giàu có lại được thừa hưởng ngôi nhà khang trang có mặt tiền rộng ở phố cổ nhưng Đức Hùng không nhận mình giàu về tài chính, bởi anh quan niệm không thể định nghĩa thế nào là giàu. Thời điểm Đức Hùng trưởng thành cũng là lúc bố mẹ anh lần lượt qua đời. Đức Hùng đã phải nỗ lực rất nhiều để giữ mình không bị cuốn vào những cám dỗ, sa ngã của tuổi trẻ và tiếp tục học tập, gây dựng sự nghiệp thành công. Vì vậy mà giờ đây, anh tự tin khẳng định mình và tự hào với khối tài sản là những người bạn và những thành công của chính mình. “Tôi cho rằng đây mới là tài sản mình làm ra và tôi tự hào với thành tựu đó”, anh chia sẻ.

NTK Đức Hùng (thứ hai từ phải sang) là người thiết kế trang phục cho chương trình “Gặp nhau cuối năm” trong nhiều năm.

3. Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, nghệ sĩ Đức Hùng cũng sớm gặt hái thành công. Cột mốc đáng nhớ với nghiệp thiết kế là năm 1992, tại cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong, tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Đức Hùng là nhà thiết kế trang phục cho Hoa hậu Hà Kiều Anh và Á hậu Vi Thị Đông. Những năm sau đó, anh tiếp tục đồng hành cùng các cuộc thi sắc đẹp khi được chọn là người thiết kế trang phục cho các hoa hậu, người đẹp khác như Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga, Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung... Đức Hùng cũng là một trong những nhà thiết kế có bộ sưu tập áo dài trình diễn tại cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn nhân dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội mà theo anh “đó là điều vô cùng vinh dự, một sự kiện văn hóa đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thiết kế”. Ngoài ra, anh cũng liên tiếp được mời đi trình diễn trong Tuần Văn hóa Việt Nam tại các quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển như Nhật Bản, Pháp, Nga và 3 lần góp mặt trong Lễ hội áo dài tại California và San Francisco...

Các thiết kế của Đức Hùng, đặc biệt là áo dài, luôn thấm đẫm chất dân gian truyền thống. “Nhiều khi tôi cũng không trả lời được đâu là ranh giới cho phép của sự phá cách để "làm mới" chiếc áo dài, nhưng làm gì thì làm, về tổng thể khi nhìn vào đó vẫn phải là... chiếc áo dài. Hơn nữa, sáng tạo trong thời trang không khác gì âm nhạc và sân khấu, cũng là nhờ hai chữ gu và duyên. Tôi để mọi thứ tự nhiên, không đặt nặng điều gì, cũng không có công thức gì. Bởi với tôi, sáng tạo là cảm xúc, mà cảm xúc con người đến khá tùy tiện, lúc dồn dập lúc hững hờ, đặc biệt với nghệ sĩ. Tuy nhiên, dù tôi để mọi thứ thuận theo tự nhiên thì sự tự nhiên bay bổng vẫn phải "chạy" trong môi trường dân gian, truyền thống chứ không văng ra ngoài”, NSƯT Đức Hùng bày tỏ.

Đến với nghệ thuật không phải vì nhìn thấy ở nghệ thuật điều gì đó có lợi cho bản thân nên trong hành trình theo đuổi song song hai lĩnh vực là múa rối và thiết kế áo dài, Đức Hùng đã biến hai “món đặc sản” này trở thành “nguồn dinh dưỡng” bổ sung cho nhau, và "trái ngọt" cho nỗ lực ấy chính là thành công mà anh có được trong sự nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Đức Hùng: Tình yêu Hà Nội là ngọn nguồn sáng tạo