Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Nửa thế kỷ ''trả nghĩa'' Thủ đô

Tuệ Minh| 15/02/2021 05:42

(HNM) - Là chủ biên hàng chục bộ sách, chủ trì hàng chục hội thảo lớn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, hơn nửa thế kỷ qua, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô chiêm nghiệm, cuộc đời nghiên cứu của ông là sự cộng hưởng giữa niềm say mê khám phá khoa học với tình yêu dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến. Ông thường bảo: “Những việc mình làm là để “trả nghĩa” cho Thủ đô Hà Nội”.

Liên kết đa ngành trong nghiên cứu

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là chuyên gia về lịch sử, nhưng người ta thấy ông rất chăm đến các công trường khảo cổ để khảo sát, trao đổi cùng các nhà khảo cổ học. Chẳng hạn, những đợt khai quật khảo cổ ở Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nếu Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc vắng mặt, thì sẽ là sự lạ. Ông cũng hăng hái phát biểu, cho ý kiến về những khám phá ở công trường khảo cổ lớn nhất, quan trọng nhất Việt Nam này. Ngược lại, dù những phát hiện thuộc về lĩnh vực khảo cổ, nhưng các nhà khoa học luôn mong chờ ý kiến của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc. Bởi, những phát hiện khảo cổ chỉ cho ta hiện vật để hiểu rõ thêm về văn hóa của từng thời kỳ, nhưng khi liên kết với những dữ liệu lịch sử, hiện vật lại “kể” thêm những câu chuyện khác.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc lấy ví dụ về sự kiện trước đây đào được những hiện vật rất quy mô, kéo dài từ khu vực khảo cổ số 18 Hoàng Diệu đến khu vực Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. Khám phá này khiến chúng ta băn khoăn: Liệu trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long nằm trên trục Đoan Môn - điện Kính Thiên hay khu vực đó? Sử cũ chép, năm 1203 vua Lý Cao Tông cho xây dựng tân cung rất hoành tráng ở ngay sát phía Tây tẩm điện. Tân cung này đến năm 1216 đã bị phá đi. Kết hợp dữ liệu lịch sử và kết quả khảo cổ có thể khẳng định, trục từ khu khảo cổ Hoàng Diệu đến Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn là “tân cung” như ghi chép.

“Nghĩ về liên kết đa ngành, tôi lại nhớ những người thầy của mình đều bảo không nên ngồi với đống sách vở. Các thầy Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê… luôn giục giã “các cậu phải đi thực địa, phải xuống công trường khảo cổ...”. Lúc ấy chiến tranh, ăn đói, mặc rét, chúng tôi thường cuốc bộ trong những chuyến điền dã”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc hồi tưởng.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sử học, nhưng có điều lạ là Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc lại từng mang ước mơ lớn là theo ngành… toán học. Ông kể, quê ông ở Hải Phòng. Một sự nhầm lẫn tình cờ đưa ông đến với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Dù đã viết đơn xin trở lại học toán, nhưng rồi qua những bài giảng đầu tiên trên giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông thấy định mệnh đã gắn bó mình với sử học. “Ấn tượng sâu sắc về những ngày đó vẫn là, hễ giảng về lịch sử, các thầy lại dẫn những ví dụ về Kinh thành Thăng Long khi xưa. Nơi đầu tiên tôi đi điền dã cũng là Hà Nội, công trường khảo cổ xã Dục Tú, rồi công trường khảo cổ xã Cổ Loa (huyện Đông Anh)”, ông nhớ lại.

Những chuyến đi ấy khiến anh sinh viên Nguyễn Quang Ngọc bắt đầu nhận ra, chẳng phải ngẫu nhiên, những người thầy của mình luôn lấy dẫn chứng về Thăng Long và vùng phụ cận khi nói về lịch sử đất Việt. Di chỉ khảo cổ Dục Tú hội tụ đủ bốn nền văn hóa thời sơ sử là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn, trong khi đó di chỉ Cổ Loa lại là nơi An Dương Vương dựng nước. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi ngộ ra rằng, ngay cả trước khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long, thì mảnh đất này đã là nơi chứng kiến sự phát triển của người Việt cổ, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của dân tộc; cảm nhận sâu sắc lời bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” không chỉ là những ca từ đẹp, mà phản ánh sự thật lịch sử”.

Phương pháp nghiên cứu liên ngành tiếp tục được Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc truyền cho các thế hệ học sinh của mình. Ông sợ nhất kiểu nghiên cứu chỉ căn cứ vào sách vở, mà xa rời thực tế. Những khám phá khảo cổ được ông ví là “lịch sử bằng vật chất”. Trong rất nhiều công trình khoa học mà ông đã thực hiện, các nghiên cứu về Hà Nội luôn “đậm đặc” nhất, trong đó, mảng nghiên cứu ông say mê nhất là về đời Lý với vị vua khai sáng nhà Lý bằng quyết định dời đô về Thăng Long - sự kiện tạo nên bước ngoặt căn bản cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Sống ở Hà Nội phải hiểu về Hà Nội

69 tuổi đời, hơn 50 năm gắn bó với ngành Sử học, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc từng đảm đương nhiều cương vị công tác khác nhau với sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ tích lũy qua năm tháng, trong đó những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Có thể kể đến những đóng góp tiêu biểu, như: Chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Vương triều Lý (năm 2009); tham gia xây dựng hồ sơ Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản văn hóa thế giới (năm 2010)… Ông cũng là đồng chủ biên sách Không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức (2016); Chủ biên Bách khoa thư Hà Nội (phần mở rộng 2017)... Dịp kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội vừa qua, ông được UBND thành phố Hà Nội giao chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ.

Nhưng nếu chỉ vì đam mê khoa học, hẳn ông đã không dành nhiều thời gian và cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội đến thế. Ngay từ những lần điền dã khảo cổ đầu tiên, ông đã cảm thấy thật gần gũi, gắn bó với Hà Nội. Đấy không phải câu chuyện về nghiên cứu khoa học đơn thuần mà là sự cộng hưởng giữa say mê khám phá và một tình yêu dành cho Hà Nội được hình thành và sâu nặng dần lên theo năm tháng.

Nói đến Hà Nội là chạm đến một vùng ký ức sâu thẳm. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc luôn nhớ lời người thầy lớn trong đời mình - Giáo sư Trần Quốc Vượng. Ông kể: “Thầy Vượng bảo chúng tôi “Các cậu ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội thì phải làm gì để trả nợ Hà Nội”. Cuộc đời tôi thấm thía điều đó lắm”.

Tâm niệm với điều này, suốt nhiều năm làm Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc luôn tích cực, kiên trì lan tỏa tình yêu sử học đến nhiều thế hệ sinh viên. Bây giờ, ở cương vị Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô (trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội), ông cùng các đồng nghiệp thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Hà Nội, ông chứng kiến nhiều bước thăng trầm của Thủ đô. Vui mừng trước Hà Nội ngày một hiện đại, nhưng không thể không băn khoăn khi có những nét văn hóa tốt đẹp mai một đi.

“Sống ở Hà Nội, trước hết phải hiểu về Hà Nội”, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 Nguyễn Quang Ngọc tâm niệm như vậy. Đó cũng là lý do ông muốn thúc đẩy nghiên cứu, phổ biến kiến thức của ngành Hà Nội học như một ngành nghiên cứu tích hợp các kiến thức tổng thể, điều mà những nghiên cứu riêng rẽ không thể thực hiện được. Những nghiên cứu này đã và đang cho thấy tính cần thiết của việc đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các nhà trường, để mỗi công dân Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu và cống hiến vì mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Nửa thế kỷ ''trả nghĩa'' Thủ đô