Bác sĩ Cấp và cuộc chiến với Covid-19

Thu Trang| 14/02/2021 06:03

(HNM) - Năm 2020 khép lại. Với những chiến sĩ áo trắng nói chung và riêng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thì đây là một năm thật đặc biệt. Đặc biệt bởi trong cuộc đời chữa bệnh, cứu người có lẽ ông chưa từng đối mặt với loại dịch bệnh nào nguy hiểm, gây đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội như Covid-19. Hơn nữa, dịch bệnh hoàn toàn mới như Covid-19 khiến bác sĩ Cấp và những đồng nghiệp phải rất dũng cảm và bản lĩnh để chiến thắng trong cuộc chiến này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hướng dẫn cho đồng nghiệp. Ảnh: Minh Nhật

Trách nhiệm với Thủ đô

Sau rất nhiều cuộc hẹn, phóng viên Báo Hànộimới mới gặp được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng chính là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020, vì lịch làm việc của ông luôn dày đặc. Vẫn nụ cười hiền lành quen thuộc, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khá kiệm lời khi nói về mình. Dù được nhiều người hay gọi là “bác sĩ Covid”, hay “người hùng Covid”..., nhưng ông lại chỉ muốn mọi người nhớ tới mình bằng tên gọi giản dị “bác sĩ Cấp”.

Khi nhắc tới việc ông là cán bộ y tế duy nhất trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm nay, bác sĩ Cấp chỉ cười hiền: “Khi được đề xuất nhận danh hiệu đó, tôi khá ngần ngại. Bởi tôi nghĩ rằng, trong mùa dịch Covid-19 năm nay, tất cả cán bộ, nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều rất xuất sắc, họ đã vất vả, hy sinh rất nhiều. Và tôi chỉ là một trong số đó. Tôi rất cảm ơn thành phố Hà Nội đã ưu ái và tin tưởng mình. Gắn bó với Hà Nội gần 30 năm, tôi đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình, nên những gì tôi cống hiến cho Thủ đô cũng là trách nhiệm của người con với quê hương”.

Tâm sự với chúng tôi về cái duyên đến với nghề y, ông kể: “Tôi thích học khối A, ôn thi đại học khối A. Thế nhưng, đến học kỳ 2 năm lớp 12, tôi lại thay đổi quyết định, thi khối B và đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội”. Chính quyết định đột ngột đó đã đưa ông trở thành bác sĩ như ngày hôm nay. Năm 1994, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, ông xin vào học việc không lương ở Bệnh viện trung ương Quân đội 108. 2 năm sau, ông xin về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm bác sĩ hồi sức. Sau 11 năm công tác tại đây, khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai thiếu người, ông đã xin chuyển về đây công tác.

Trong suốt 14 năm làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cho ông được trải nghiệm qua rất nhiều dịch bệnh, như: Cúm A/H5N1 năm 2006, tả năm 2007, cúm A/H1N1 năm 2009, dịch sốt xuất huyết diễn ra hằng năm... Thế nhưng, chưa có loại dịch bệnh nào làm đảo lộn cuộc sống như Covid-19. Dù bệnh viện cách nhà không xa, nhưng vào thời điểm dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan ở nước ta, trong suốt hai tháng rưỡi, ông không được về nhà.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu chống dịch, bác sĩ Cấp chia sẻ: “Thách thức đầu tiên, Covid-19 là một bệnh hoàn toàn mới. Thế giới chưa có nhiều hiểu biết về dịch bệnh này, chỉ có một chút kinh nghiệm, bài học thực tế từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi đầu tiên bùng phát dịch. Cũng vì Covid-19 quá mới mẻ, nên chúng tôi phải đối mặt với thử thách tiếp theo, đó là việc khó tiếp cận với các tài liệu khoa học về dịch bệnh. Thời điểm đó, quan điểm và chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 đều dựa trên kinh nghiệm sẵn có của một số bệnh tương tự, như: SARS, MERS-CoV... Vừa điều trị, vừa học hỏi, chúng tôi gọi quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 là “vừa đi, vừa dò đường””.

Thay đổi để hoàn thiện

Là lãnh đạo bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, trực tiếp tham gia điều trị các ca đầu tiên cũng như bệnh nhân nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp có rất nhiều kỷ niệm mà theo ông khó có thể kể hết. Nhớ lại thời điểm ấy, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể: “Trong đợt dịch này, trên thế giới có rất nhiều người mắc bệnh, trong đó có không ít nhân viên y tế. Khi đối mặt với dịch bệnh, chúng tôi đã xác định mình nằm trong nguy cơ đó và luôn luôn phải tìm cách vượt qua, cố gắng hết sức tuân thủ các quy định về phòng hộ an toàn. Cùng với đó là luôn tìm cách cải tiến các biện pháp phòng hộ, bảo đảm siết chặt hơn nữa để bảo vệ chính mình và đồng nghiệp”.

Vào thời điểm khi Việt Nam có nhân viên y tế đầu tiên mắc Covid-19 là một bác sĩ trong Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, các chuyên gia trên thế giới còn tranh cãi chuyện SARS-CoV-2 có lây qua khí dung (aerosol) hay không, hay chỉ qua các giọt bắn nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp suy luận, vi rút này có thể lây qua khí dung trong môi trường hồi sức cấp cứu, trên phương tiện kín. Từ đó, các chiến lược về ngăn ngừa lây truyền vi rút phải áp dụng. Khẩu trang, áo phòng hộ, mạng che mặt chỉ mới đạt tương đương an toàn sinh học cấp 2. Thế nhưng, khi SARS-CoV-2 có thể lây qua aerosol, thì phải nâng lên tương đương cấp 3, có thêm mũ trùm đầu và cấp cứu sạch. Đặc biệt, mũ trùm đầu là sản phẩm sáng tạo được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng các đồng nghiệp chế tạo từ những vật dụng có sẵn. Mũ này có thiết bị áp lực dương, màng lọc không khí, giúp người dùng dễ chịu, không làm mờ màng che mặt trong quá trình sử dụng và không gây hằn trên mặt như đeo khẩu trang N95.

“Thay đổi để hoàn thiện, đó có lẽ là nhân tố giúp chúng tôi dần chống dịch hiệu quả hơn. Xuyên suốt cuộc chiến này đã có nhiều quyết định thay đổi được đưa ra, cả trong phác đồ điều trị. Có trường hợp bệnh nhân nếu áp dụng theo kiến thức cũ của điều trị cúm, SARS, thì phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, thực tế khi tôi thăm khám bệnh nhân, xem xét trực tiếp tình trạng bệnh thì thấy hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập. Quyết định này đưa ra đòi hỏi sự dũng cảm, can đảm. Bởi, nếu đối chiếu với sách vở, với bệnh lý tương tự như vậy, thì làm cách này là chưa đúng. Thế nhưng, đối với trực tiếp trên cá thể bệnh nhân ấy, thì quyết định đó lại là đúng”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhớ lại.

Sau quyết định đầy bản lĩnh đó cùng với sự chăm sóc tích cực, kiên định với “chiến lược” điều trị mới, bệnh nhân này đã không cần phải thở máy, không cần phải chạy ECMO. Điều đó cũng mở ra kinh nghiệm cho giai đoạn sau này, giúp việc điều trị bệnh phù hợp với điều kiện còn nhiều khó khăn ở nước ta. “Đáng mừng là sau này các nghiên cứu khác trên thế giới cũng có nhiều tác giả ủng hộ quan điểm tương tự như của chúng tôi”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Thời gian sau với số lượng bệnh nhân tăng lên cùng những ca bệnh điều trị thành công, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp đã dần có kinh nghiệm, dần hiểu biết rõ hơn về Covid-19. Các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ về bệnh lý này và việc chẩn đoán điều trị cũng ngày một rõ ràng hơn.

Dù có những lúc dịch nóng lên rồi lại “giảm nhiệt” ngoài cộng đồng, nhưng công việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chưa lúc nào bớt căng thẳng. Chia tay với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, chúc một năm mới luôn dồi dào sức khỏe, anh nhắn nhủ: “Việc được khen tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” đối với tôi mà nói là một niềm vinh dự lớn, đem lại cho bản thân nhiều động lực, bản lĩnh để tiếp tục nhiệm vụ chuyên môn cũng như cuộc chiến chống dịch vẫn đang ở phía trước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ Cấp và cuộc chiến với Covid-19