Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh: Người mang hồn phố

Lưu Vân| 06/11/2020 06:42

(HNMCT) - Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành nên ở Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Như Quỳnh luôn toát lên “khí chất” của người phụ nữ Hà Nội.

Tinh thần ấy đã được bà mang lên màn ảnh, làm nên sức sống cho những vai diễn của mình, khiến cho cô Nết trong Đến hẹn lại lên, cô sinh viên sư phạm Nguyệt trong Hà Nội mùa chim làm tổ, cô Liên trong Gánh hàng hoa, Vân trong Hy vọng cuối cùng, Mai trong Bài ca ra trận… trở thành biểu tượng của điện ảnh Việt Nam.

NSND Như Quỳnh vai bà Kia trong phim Chuyện của Pao.

1. Điều đặc biệt ở NSND Như Quỳnh so với nhiều đồng nghiệp cùng thời đó là bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại của Như Quỳnh, cụ Nguyễn Gia Túc là một người dạy cải lương nổi tiếng vào những năm 1950. Bố mẹ của bà, cặp đôi nổi tiếng Tiêu Lang - Kim Xuân trước đây đều là diễn viên của Đoàn Cải lương Chuông Vàng. 

Như Quỳnh tốt nghiệp khoa Cải lương khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) năm 1970 và về công tác tại Đoàn Cải lương Chuông Vàng. Ba năm sau, bà bén duyên điện ảnh với vai y tá Mai trong bộ phim Bài ca ra trận do đạo diễn Trần Đắc thực hiện. Khi đó, do được đào tạo về diễn xuất nên bà vào phim rất suôn sẻ. Và sự suôn sẻ đó được nối dài trên chặng đường diễn xuất của Như Quỳnh trong lĩnh vực điện ảnh khi liên tục xuất hiện trong nhiều bộ phim đình đám của điện ảnh Việt Nam.

Sau Bài ca ra trận, Như Quỳnh được đạo diễn Trần Vũ mời đóng vai Nết trong phim Đến hẹn lại lên. Để vào vai Nết, một nhân vật của những năm 1930 - 1945, Như Quỳnh nhờ bố mẹ dẫn đến gặp Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai để xin tham vấn từ cách đi đứng cho tới lối ứng xử của các liền anh liền chị quan họ. Nhờ sự ham học hỏi đó mà hình ảnh cô Nết trong bộ áo tứ thân, đầu đội khăn mỏ quạ đã khắc sâu tên Như Quỳnh trong tâm trí của người yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Với vai Nết, Như Quỳnh, lúc này tròn 20 tuổi, chỉ tham gia đóng phim như một nghề tay trái, đã giành giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1975. Đến hẹn lại lên giúp “lăng xê” hình ảnh độc quyền của Như Quỳnh với bộ áo tứ thân và khăn mỏ quạ, để từ đó đạo diễn Trần Đắc mời bà tham gia bộ phim video Gánh hàng hoa do ông thực hiện.

Biên chế cải lương nhưng lại trở thành “kép chính” của phim nhựa, Như Quỳnh cùng lúc nỗ lực gánh cả hai vai để được thỏa mãn niềm đam mê diễn xuất. Năm 1976, bà tham gia đóng phim Ngày lễ thánh (vai Ái) của nữ đạo diễn Bạch Diệp, cùng các diễn viên Trần Phương, Trà Giang, Tuệ Minh. Sau khi hoàn thành bộ phim Mối tình đầu (vai Diễm Hương, đạo diễn Hải Ninh) vào năm 1977, Như Quỳnh quyết định nghỉ hẳn cải lương để toàn tâm toàn ý đóng phim. Bà đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam) và liên tiếp xuất hiện trong hai bộ phim Hy vọng cuối cùng (năm 1981) và Hà Nội mùa chim làm tổ (năm 1982).

2. Sau khi thành công với loạt tác phẩm điện ảnh ra đời trong thời kỳ đổi mới, với vai diễn là những nhân vật nữ trẻ trung, nhiệt huyết, căng tràn sức sống như cô kỹ sư xây dựng trong Sẽ đến một tình yêu, nữ thanh niên xung phong trong Đêm miền yên tĩnh, Như Quỳnh tiếp tục gây ấn tượng mạnh với hình tượng người phụ nữ “chín” ở ngoại hình và cảm xúc. Đó có thể là người đàn bà lầm lũi sống ở một làng quê Bắc Bộ như bà Hơn trong Bến không chồng (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), hay người phụ nữ thành thị tên Hiền trong phim Duyên nợ của đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện... Có thể nói, mỗi vai diễn, dù ở lứa tuổi nào cũng đều là sự lột xác tài tình của Như Quỳnh...

Sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong nghề của NSND Như Quỳnh giúp bà được đánh giá là “nữ diễn viên không thể thiếu” trong các bộ phim của đạo diễn nước ngoài và đạo diễn gốc Việt. Như Quỳnh từng có mặt trong những dự án phim hợp tác với nước ngoài gồm: Bé Đa (do Việt Nam và Hàn Quốc phối hợp sản xuất), Ngọn tháp Hà Nội (do Việt Nam và Đức phối hợp sản xuất), Hai cô con gái ông chủ vườn thảo dược (Việt Nam và Pháp), phim truyền hình Cô dâu vàng (Việt Nam và Hàn Quốc)... Bà xuất hiện trong bộ phim Đông Dương của nhà làm phim người Pháp Régis Wargnier, Mùa hè chiều thẳng đứng của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, và Hạt mưa rơi bao lâu của Đoàn Minh Phượng - đạo diễn gốc Việt sống ở Đức... Một số đạo diễn người Mỹ gốc Việt khi về Việt Nam làm phim cũng “kết” NSND Như Quỳnh, đã mời bà tham gia các bộ phim như Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh), Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othello Khanh)... 

Khi dòng phim thị trường bùng nổ, “điện ảnh nhà nước” lắng dần, sau Chơi vơi, Chuyện của Pao, Lời nguyền huyết ngải... Như Quỳnh chuyển sang đóng phim truyền hình với nhân vật bà mẹ nhiều tâm tư, một lòng vun vén gia đình và rất đỗi thương con - những nhân vật rất tương đồng với bà ở ngoài đời.

3. Có thể nói, sự nghiệp 40 năm làm nghề với những bộ phim tiêu biểu, “sống nhiều cuộc đời” khác nhau trên màn ảnh của Như Quỳnh chính là giấc mơ mà bất cứ diễn viên nào cũng đều mong đạt được. Bản thân bà, dù đã có danh hiệu NSND và nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá nhưng ở ngoài đời vẫn là một nghệ sĩ bình dị. Hơn ai hết, Như Quỳnh hiểu rằng danh tiếng và sự yêu mến của khán giả mà bà có được ngày hôm nay không đến từ các giải thưởng, mà là qua những vai diễn “để đời” trong các bộ phim khác nhau mà bà tham gia. Đó cũng là lý do dù thời thế đổi thay, dù phim nhựa 35mm đã trở thành ký ức và điện ảnh phụ thuộc vào công nghệ, trong xu thế xã hội hóa với dòng phim giải trí cần những ngôi sao trẻ, Như Quỳnh không “thất nghiệp” mà vẫn “đắt sô”, vẫn có vị trí của riêng mình.

Từ trước đến nay Như Quỳnh vẫn được báo chí ca ngợi là nữ diễn viên Việt Nam có vẻ đẹp đậm chất Á Đông, thuần Việt... Tiếp xúc với bà sẽ thấy chất thanh lịch của người Hà Nội đã góp phần không nhỏ làm nên sức hút của Như Quỳnh. Từ cách ăn mặc cho tới phong thái và lối ứng xử, Như Quỳnh thể hiện sự chuẩn mực của người phụ nữ Hà Nội nền nã, nhẹ nhàng. Trong gia đình, bà luôn giữ nếp sống bình dị, là một người vợ, người mẹ sống nặng về gia đình, ngại thay đổi, yêu thích công việc nội trợ... Quá khứ vàng son với những vai diễn ăn sâu vào tâm trí người hâm mộ đã được bà cất vào “chiếc hộp kỷ niệm”. Hiện tại, Như Quỳnh vẫn tham gia các hoạt động điện ảnh như Liên hoan phim Việt Nam, lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bà vẫn trung thành với chiếc xe Honda cup 82, những bộ trang phục nhẹ nhàng, tóc dài tự nhiên búi sau gáy, đến và đi với phong thái nhẹ nhàng như con người bà vốn dĩ đã thế, không bon chen công danh, chỉ biết yêu nghề tha thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh: Người mang hồn phố