Mái ấm của ''u Hoa''

Khánh Linh| 08/11/2020 05:58

(NSHN) - Thành lập từ năm 2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa (thôn Tả Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) do bà Đoàn Thị Hoa làm Giám đốc đã truyền nghề cho hơn 500 thanh, thiếu niên khuyết tật trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, đây không chỉ là nơi tạo dựng cho họ một nghề nghiệp, một công việc để nuôi sống bản thân mà còn là điểm gặp gỡ, nên duyên chồng vợ cho hàng chục cặp đôi kém may mắn trong cuộc sống.

Vượt lên khó khăn

Đến Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa vào một ngày cuối tuần lất phất mưa, trời se lạnh, tôi như cảm thấy ấm lòng hơn khi chứng kiến những hoàn cảnh, những phận người kém may mắn đang nỗ lực vượt lên số phận. 

Bà Hoa đang hướng dẫn kỹ năng cho các học viên tại Trung tâm.

Cảm động hơn khi dưới mái nhà ấy, có sự bao bọc che chở đầy yêu thương của một người phụ nữ được các em ở đây gọi bằng cái tên trìu mến “u Hoa”. Ở tuổi 59 nhưng những nếp nhăn đã hiện rõ trên khuôn mặt của bà, mái tóc bà cũng bạc nhiều hơn so với lứa tuổi.

Đảm bảo cuộc sống cho hơn 500 thanh, thiếu niên khuyết tật trong suốt 14 năm qua luôn là điều làm bà trăn trở, nhiều đêm mất ngủ. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản phẩm thủ công giấy cuộn của trung tâm bình thường vẫn bán cho các điểm du lịch ở phố cổ Hà Nội, Hội An, Nha Trang… giờ không thể xuất ra thị trường.

Những ngày đầu mới mở trung tâm, ngoài khó khăn về tài chính, bà Hoa còn đối mặt với những dị nghị của dư luận khi không ít người bảo bà là “dở hơi”, thậm chí là những điều tiếng cho bà là “lợi dụng trẻ khuyết tật để kiếm tiền bất chính”. 

Mọi khó khăn rồi cũng qua đi, bà Hoa nhận lại niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của các học viên, trong đó không ít người đã nên duyên vợ chồng từ chính trung tâm này. Bà kể vanh vách 23 cặp đôi mà bà đã se duyên. Thế nhưng, ấn tượng nhất với bà là đôi vợ chồng Nguyễn Văn Hùng (quê ở Hà Nam) và Nguyễn Thị Huyền (quê ở Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). Hùng có hoàn cảnh khá đặc biệt, bản thân bị liệt nửa người, bố mẹ ly hôn, mỗi người đều có cuộc sống riêng, bởi vậy Hùng tìm đến trung tâm từ năm 2007 và được dạy nghề may.

Bà Hoa kể: “Ngày cưới tôi phải “đóng vai” mẹ đẻ của chú rể để về Hà Nam xin dâu. Hiện hai cháu đang sống hạnh phúc ở quê ngoại và đã có hai con gái khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn. Hằng ngày chồng đi chở hàng thuê bằng xe ba bánh, còn vợ mở cửa hàng sửa chữa quần áo. Cuộc sống nói chung cũng khá ổn định”. 

Nơi yêu thương đong đầy

Hơn 30 học viên đang sinh sống tại trung tâm hầu hết bị thiểu năng, sức khỏe yếu nên việc làm ra sản phẩm thủ công đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn. May mắn hơn những mảnh đời khác, Trần Văn Đại (sinh năm 1987, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) dù bị gãy cột sống do tai nạn giao thông khiến đôi chân bị liệt nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, đôi tay vẫn khỏe mạnh, nhờ vậy mà anh có năng suất làm việc cao nhất trung tâm. Với Đại, trung tâm như ngôi nhà thứ hai, nơi anh không chỉ được học tập, làm việc mà còn cảm nhận được sự yêu thương, ấm áp của tình người.

“Sau khi bị tai nạn, cuộc đời tôi tưởng như chấm hết, suy sụp và đặc biệt là bi quan trước sự ghẻ lạnh, hắt hủi của những người xung quanh vì mình là người tàn phế. Nhưng khi được “u Hoa” dang rộng vòng tay đón nhận, tôi thấy cuộc đời này vẫn còn rất ý nghĩa, rất đáng để sống”, Đại bùi ngùi chia sẻ.

Từng nhiều năm học tập, sinh sống tại trung tâm, chị Ngô Thị Phương đã nỗ lực trở thành một vận động viên thể thao khuyết tật. Chị đã nhiều lần tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) và giành được nhiều huy chương. Hiện nay, dù đã ra ở riêng và có gia đình hạnh phúc với 2 con trai kháu khỉnh nhưng chị Phương vẫn không quên ân nghĩa mà “u Hoa” đã dành cho chị. Với chị, đó như là tình yêu thương của một người mẹ dành cho những đứa con ruột thịt.

Các học viên tại Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đang sản xuất sản phẩm thủ công tranh giấy cuộn.

Cùng với những “trái ngọt” mà các học viên mang lại, trung tâm của bà Hoa đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có bà Đặng Thị Mừng (ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) là người đã tình nguyện nấu cơm cho các học viên từ 8 năm nay. Tuy nhiên, muốn cơ sở phát triển, qua đó giúp học viên có cuộc sống ổn định, bà Hoa mong muốn có nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến trung tâm để truyền dạy cho họ thêm nhiều nghề mới, đem lại nhiều cơ hội hơn cho những mảnh đời bất hạnh.

“Phải cho họ “cần câu” để họ tự câu cho mình những “con cá”, đó mới là cách giải quyết tối ưu cho người khuyết tật”, bà Hoa chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mái ấm của ''u Hoa''