Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Nhẫn: Huấn luyện xiếc thú - quan trọng nhất là tình yêu thương!

Tiến Dũng| 31/10/2020 20:56

(HNMCT) - Nếu cố Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển là người khai phá bộ môn xiếc Việt Nam hiện đại thì con trai ông - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tạ Duy Nhẫn là người mang đến sự thăng hoa cho xiếc thú, đặc biệt là xiếc khỉ. Về hưu đã gần chục năm nay nhưng ngày ngày ông vẫn đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nơi ông từng là Trưởng đoàn xiếc thú, để ngắm nghía, tập luyện với những chú khỉ.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn kiên trì huấn luyện một chú khỉ. Ảnh: Duy Anh

1. Đến Khu tập thể Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), tôi không khó để hỏi thăm nhà NSƯT Tạ Duy Nhẫn. Người trông xe dưới tầng 1 vui vẻ nói: “Ai chứ ông Nhẫn con cụ Hiển “xiếc” thì ai cũng biết. Ông ấy hiền lành, vui vẻ, cả khu phố ai cũng quý”. Và quả thật, khi gặp ông trên tầng 5 mới thấy nhận xét ấy quả không sai. “Vua xiếc khỉ” ngoài đời thật dễ gần, hiếu khách.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn là con thứ của cụ Tạ Duy Hiển nhưng là người con duy nhất theo nghiệp cha. Suốt một đời theo nghề xiếc, ông luôn khắc ghi lời dạy của cha được gửi gắm trong tên của mình, đó là phải luôn bền bỉ, kiên nhẫn. Trong buổi chiều nhạt nắng, kể về hành trình theo đuổi môn nghệ thuật đặc biệt này, hình ảnh người cha hiện rõ trong tâm trí ông. Với ông, nghệ sĩ Tạ Duy Hiển không chỉ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là người thầy mẫu mực đã truyền hết tình yêu nghề xiếc cho mình.

Ông kể: “Hồi cha tôi còn phụ bà nội bán hàng ở chợ Hàng Da, một lần tình cờ được xem gánh xiếc từ bên Anh sang biểu diễn, cha tôi đã mê đắm những tiết mục nhào lộn trên không, đu bay, uốn lượn và môn xiếc thú. Bằng chút vốn riêng, cha tôi cùng anh em, bè bạn quyết tâm thành lập một đoàn xiếc chính quy với đầy đủ các tiết mục. Một lần, đang biểu diễn ở Sài Gòn, đoàn xiếc của cha tôi bị chính quyền thực dân o ép và bắt phải đổi tên là Đoàn xiếc An Nam. Tuy nhiên, cha tôi nhất quyết không đồng ý mà lập tức quay ra Bắc dù biết rằng chi phí cho cả đoàn đi vào Nam rất tốn kém, nếu không được biểu diễn thì sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tan rã”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm xiếc nên nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn theo nghề thuận lợi. Khi mới 4 - 5 tuổi ông đã được cha dạy uốn dẻo, “trồng cây chuối”... Khi đã tập được một số “ngón nghề” cơ bản, ông được đi theo biểu diễn cùng đoàn. Năm 1963, ông vào học tại Trường Xiếc Việt Nam (nay là Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và bắt đầu quãng thời gian 4 năm luyện tập bài bản tại đây. Năm 13 tuổi, ông đã được đi biểu diễn ở 7 nước Đông Âu.

2. Cơ duyên với xiếc thú của ông bắt đầu từ năm 1978, khi đoàn lãnh đạo cấp cao của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ sang thăm Việt Nam và tặng 10 con ngựa “làm quà”. Chính phủ Việt Nam đã giao lại món quà cho Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (nay là Liên đoàn Xiếc Việt Nam). Vốn thích khám phá, Tạ Duy Nhẫn đã nhận 4 chú ngựa “có năng khiếu nhất” để huấn luyện. Tuy nhiên, đó đều là những con ngựa rất hung dữ nên những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rồi bằng tình cảm, sự kiên trì, ông đã “thu phục”, giúp 4 chú ngựa ấy tập thành công tiết mục Ngày hội trên mình ngựa nổi tiếng, hiện đã trở thành tiết mục truyền thống trong bộ môn xiếc ngựa của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

“Câu chuyện tôi huấn luyện được ngựa hoang của Mông Cổ đã được giới xiếc hai nước truyền tai nhau suốt nhiều năm. Đặc biệt, năm 2014, Đài Truyền hình Mông Cổ còn sang phỏng vấn tôi về “bí quyết” đưa những chú ngựa hoang lên sân khấu. Năm 1994, hiểu rằng chẳng thể mãi dựa vào vinh quang cũ, tôi tiếp tục xây dựng tiết mục ngựa với chủ đề Một thời để nhớ, trong đó, một số động tác cũ như đứng trên ngựa gảy đàn, luồn qua cổ, qua bụng ngựa... được thực hiện nhanh hơn, và có thêm động tác nhảy trên lưng ngựa”, nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn nhớ lại.

Mặc dù đến với xiếc thú đầu tiên là qua xiếc ngựa, thế nhưng xiếc khỉ mới là “điểm dừng chân” đầy yêu thích và là niềm đam mê của ông. Ông bảo, khỉ là loài động vật gần gũi và có thể mang đi một cách dễ dàng. Trong các tiết mục xiếc khỉ, ông nhớ có một chú khỉ bị tật ở chân nên không thể điều khiển xe đạp giống như những chú khỉ khác, vì vậy ông đã huấn luyện cho chú khỉ này lái xích lô. Và đó là chú khỉ duy nhất biết đạp xích lô.

3. Theo Tạ Duy Nhẫn, để tránh tai nạn nghề nghiệp, người dạy thú phải biết điểm dừng, hiểu rõ khi nào con thú đã mệt. Ví dụ, với những chú khỉ, dù tiết mục đang tới hồi gay cấn và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhưng người nghệ sĩ vẫn phải biết “bạn diễn” của mình còn muốn diễn hay không để quyết định tiếp tục hay dừng lại. “Với xiếc thú, điều quan trọng nhất là phải dùng tình cảm, sự yêu thương của con người dành cho chúng, để chúng cảm nhận chúng ta là bạn của chúng. Xiếc thú nói riêng và nghệ thuật xiếc nói chung cần một quá trình luyện tập nghiêm túc, bền bỉ và bài bản”, nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn trải lòng.

Cũng theo ông, xiếc phải có yếu tố bất ngờ, điều mà khán giả không nghĩ tới. Hiện nay, một số nghệ sĩ xiếc sử dụng nhiều dụng cụ phụ trợ để gây ấn tượng với khán giả nhưng theo ông, muốn đưa gì thì đưa nhưng trong tiết mục ấy phải có yếu tố xiếc, người diễn viên phải để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Sự hiểu biết của khán giả ngày càng nâng lên thì các nghệ sĩ càng phải chú ý tìm tòi, sáng tạo. Nghệ sĩ xiếc không thể “ăn mày dĩ vãng”, không được ngủ quên trên chiến thắng.

Dù cuộc sống không dư dả là mấy nhưng nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn nhất quyết cho hai người con theo nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, người con gái lớn của ông, nghệ sĩ Tạ Thúy Phương khi đang trên đỉnh cao phong độ thì đã bị tai nạn trong lần biểu diễn tại SEA Games 22 (năm 2003), buộc phải dừng sự nghiệp biểu diễn. Niềm hy vọng giữ “tổ nghiệp” được đặt trên vai người con trai út Tạ Duy Kiên, hiện là nghệ sĩ xiếc khỉ đầy triển vọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Dẫu vậy, ông vẫn đau đáu nỗi lo những người cháu của mình không đủ tình yêu để theo nghề.

Rời xa ánh đèn sân khấu, NSƯT Tạ Duy Nhẫn vẫn nhận được nhiều lời mời tham gia biểu diễn của các đoàn xiếc tư nhân, tuy nhiên, nếu tìm hiểu thấy điều kiện chăm sóc những con thú chưa đạt tiêu chuẩn, ông đều tìm lý do để từ chối. Theo ông, đã làm nghề là phải giữ nguyên tắc nghề nghiệp, vì vậy ông huy động hết kinh nghiệm, vốn liếng kiến thức để ra sức truyền lại cho người con trai. Về phần mình, ông sắm một chiếc ô tô 7 chỗ để thỉnh thoảng chạy thuê cho những gia đình có nhu cầu đi du lịch. Ông bảo, mình lao động không phải vì cuộc sống quá khó khăn, mà bởi ông thấy ngồi một chỗ như người “vô dụng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Nhẫn: Huấn luyện xiếc thú - quan trọng nhất là tình yêu thương!