Tô Hoài - từ góc nhìn Hà Nội

Tôn Phương Lan| 04/10/2020 05:42

(HNMCT) - Nói Tô Hoài là nhà văn Hà Nội, người đọc thường nhớ đến ông là nhà văn của vùng đất Nghĩa Đô dù quê nội ông ở Thanh Oai. Đơn giản vì Nghĩa Đô quê ngoại là nơi Tô Hoài sinh ra và lớn lên; đó cũng là vùng đất in đậm dấu ấn trong sáng tác của ông, từ thuở ấu thơ cùng các bạn cùng trang lứa ra đồng chạy nhảy để rồi “sinh” ra chú Dế Mèn ở độ tuổi hai mươi, cũng như sau này, vùng đất và “người ven thành” ấy luôn hiện diện trong sáng tác của ông với một thế giới nghệ thuật sinh động, không thể lẫn với các nhà văn khác viết về Hà Nội hoặc các nhà văn Hà Nội viết về Thủ đô.

Hà Nội luôn hiện diện trong sáng tác của Tô Hoài với một thế giới nghệ thuật sinh động, không thể lẫn với các nhà văn khác.

Tấm giấy thông hành thật sự để Tô Hoài bước chân vào làng văn nằm trong số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Dế Mèn phiêu lưu ký (in năm 1941). Tác phẩm thể hiện mặt mạnh của Tô Hoài về miêu tả phong tục, nông thôn Việt Nam cũng như khả năng quan sát loài vật và thiên nhiên. Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch ra hàng chục thứ tiếng, được biết bao thế hệ bạn đọc yêu thích. 

Sự am hiểu về nông thôn, nền nếp, phong tục của Tô Hoài khởi đầu gắn với vùng Nghĩa Đô với tiếng lanh canh của những khung cửi, nét sinh hoạt đời thường của người dân làng nghề truyền thống có phần ngột ngạt trong những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Làng quê đó, hầu như vẫn nguyên nếp sống xưa với quan hệ họ tộc, với những ngày hội làng đông vui, những đám ma não nề và cả những đám cưới truyền thống... Quầng sáng từ Kẻ Chợ không đủ sức chiếu rọi vào nếp cũ của làng nhưng ít nhiều có hắt sáng vào những thanh niên trai tráng đang băn khoăn về một hiện tại nghèo khổ, bế tắc.

Trong Xóm Giếng ngày xưa, Tô Hoài gửi gắm tâm sự của mình trong một bức thư nhân vật gửi bạn gái: “Hỡi Phượng? Tuổi trẻ của chúng ta bây giờ đi đâu? Đi đâu?... Người ta ao ước lắm một trận mưa rào, mưa rào xuống cho lòng người hả hê, cho trời quang đãng”. Chàng thanh niên làm nghề dệt mới bước chân vào làng văn ngày ấy đã cảm nhận không thể sống mãi cảnh đời như vậy.

Từ Hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông, Tô Hoài tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc rồi khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vào Nam rồi lên chiến khu; từ không gian làng quê ven đô, ông đến với nhiều miền đất ở Việt Bắc và Tây Bắc. Nếu như trước đây, ông viết Giăng thề, Quê người, Xóm Giếng ngày xưa... thì giờ đây ông viết Núi Cứu Quốc, Ngược sông Thao, Truyện Tây Bắc...

Những năm 60 của thế kỷ trước, ông trở lại với Hà Nội bằng tiểu thuyết Mười năm, sau đó ông trở về Tây Bắc trong tiểu thuyết Miền Tây, để rồi ông lại trở về Hà Nội trong Người ven thành, Những ngõ phố, người đường phố, Quê nhà, Chuyện cũ Hà Nội... Con người ngoại ô, con người miền núi đã hút hồn ông trong ý thức khám phá để tìm ra bản chất cuộc sống ở những miền đất khác nhau và những đổi thay trước sự tác động của các sự kiện xã hội.

Có thể có những khi ý thức giai cấp, cái nhìn sự kiện lấn át cái nhìn thân phận, nhưng vào thời điểm nửa sau thập niên năm mươi, ông cho rằng “không nên dán thuốc cao khi chưa có nhọt đầu đanh” và việc miêu tả con người đến đâu là tùy theo khả năng của nhà văn, chứ không nhất thiết phải là con người công nông binh, là điều cần được ghi nhận. (Góp phần vào ý kiến về con người thời đại - Tổ chức phát triển lực lượng sáng tác tốt nhất - Báo Văn số 13 và 22 - tháng 8 và 10-1957). Đó là những năm cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra gay gắt trên lĩnh vực văn nghệ...

Với một người thông minh, ham hiểu biết như Tô Hoài, văn hóa làng ven đô thấm vào ông tự nhiên và hiện lên qua các mối quan hệ trong gia đình, họ tộc, làng xã, trong các sinh hoạt cộng đồng là điều dễ hiểu. Qua những tác phẩm viết về Hà Nội, ta thấy Tô Hoài rất ý thức trong việc tìm hiểu lịch sử để gắn kết quá khứ với hiện tại.

Ông thường cùng bạn hữu “sục” vào các hàng quán, chợ búa, các quán bia hơi, làm cả tổ trưởng dân phố khi đang đương chức là một quan chức văn nghệ... như một kiểu “đi thực tế” để hiểu thêm cuộc sống, tình cảm, suy nghĩ của những người dân thường, của chính bè bạn. Với con mắt tinh đời, cái gì cần đều không lọt qua mắt ông để rồi tất cả những ghi chép đó như gạo được chưng cất thành rượu, nấu thành cơm: Tác phẩm văn học ra đời.

Là nhà văn cách mạng, ông viết về những cuộc đổi đời của người dân, những tấm gương nghĩa liệt của người cách mạng. Nhưng cũng trong các sáng tác của ông, người đọc còn thấy những phong tục, tập quán, ở đó, có lịch sử dựng nước và giữ nước, có vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên vùng cao, của Hà thành nghìn năm văn hiến. Kiến văn và bản lĩnh của Tô Hoài còn được thể hiện đặc sắc qua những tập tự truyện và hồi ký như Tự truyện, Những gương mặt, Cát bụi chân ai Chiều chiều. Trong các hồi ký của ông, nhiều nhà văn lớn lâu nay được công chúng ngưỡng mộ từ khoảng cách sử thi, khi được ông kéo gần lại, họ đã hiện lên thật gần gũi cùng tài năng và cả khuyết tật, cá tính.  

Một trăm năm sinh của nhà văn Tô Hoài, với chúng ta hôm nay, cảm giác hình như ông mới chỉ đi đâu vắng chứ không nghĩ ông đã về cõi thiên thu.

Trong số cây bút chuyên nghiệp từ nửa cuối thế kỷ XX trở lại nay, Tô Hoài là nhà văn có nhiều đầu sách được xuất bản nhất. Tô Hoài viết tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, phóng sự, chân dung và lý luận phê bình. Các tác phẩm của Tô Hoài được nhiều nhà xuất bản ở Nhật Bản, Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây chuyển ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tô Hoài - từ góc nhìn Hà Nội