Một dòng họ hiếu học

Triệu Dương| 26/09/2020 04:12

(HNMCT) - Trong dòng chảy 1010 năm Thăng Long - Hà Nội có một dòng họ khoa bảng mà trong cùng gia đình có 3 thế hệ cha con, ông cháu cùng đỗ tiến sĩ, làm rạng danh vùng đất ven đô truyền thống. Đó là dòng họ Nguyễn Gia tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), xa xưa vẫn được gọi là Kẻ Đơ.

Dòng họ Nguyễn Gia ở xã Tân Triều đã gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học.

Khai sáng tinh thần hiếu học

Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với các quần thể di tích vật thể, phi vật thể mang giá trị tiêu biểu, trong đó đáng nói là điệu múa “Con đĩ đánh bồng”, mà còn có một dòng họ khoa bảng - Nguyễn Gia.

Theo ông Đỗ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), bên tả đình Triều Khúc, di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia, hiện vẫn phối thờ cụ Nguyễn Gia Du với dòng chữ tôn vinh “Chư bộ văn ban Nguyễn Tiến sĩ vị tiền”. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919) có ghi: Cụ Nguyễn Gia Du người xã Triều Khúc, huyện Thanh Oai, nay là thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cụ đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục, làm đến chức quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Gia Du có cha và ông nội cũng đều là những bậc khoa bảng được lịch sử vinh danh. Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Soi chiếu trong lịch sử 1000 năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, có thể thấy những đóng góp của những nhà khoa bảng dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc) với ba cha con, ông cháu “trực hệ đồng triều” là các cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đỗ Tiến sĩ lần lượt vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan thanh liêm được nhân dân tôn thờ là “Danh khoa thế mỹ”, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá “là điều hiếm có trong lịch sử”.

Điều đặc biệt, trong lịch sử gần 700 năm phát triển, dòng họ Nguyễn Gia làng Triều Khúc nức tiếng hiếu học với nhiều vị đỗ đạt cao. Khởi đầu cho sự vinh hiển của dòng họ là cụ Nguyễn Vĩnh, đỗ Hoành từ khoa thi năm 1307. Sau cụ, những trang vàng về sự thành đạt trong sự nghiệp của dòng họ tiếp tục được nối dài bởi truyền thống hiếu học của các thế hệ con cháu. “Nguyễn Gia phả ký” ghi danh thơm 12 vị liệt tổ của dòng họ Nguyễn Gia xuất thân từ Triều Khúc đã đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua nhiều thời đại.  

Tiếp nối truyền thống tổ tiên

Theo Tiến sĩ Đào Thanh Hải (Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), nghiên cứu những thư tịch có liên quan như Đại Việt sử ký toàn thư, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nguyễn Gia phả ký cùng các nguồn sử liệu quý giá khác cho thấy rõ hơn cơ sở để khẳng định nhà thờ gia tộc Nguyễn Gia là văn chỉ có giá trị vật thể quan trọng với làng Triều Khúc và vùng đất “địa linh nhân kiệt” Thanh Trì hôm nay, góp phần tô điểm tinh thần hiếu học đất Thăng Long 1010 năm tuổi.   

Ông Nguyễn Gia Lực, đại diện dòng họ Nguyễn Gia - Triều Khúc khẳng định, trải qua những thăng trầm của lịch sử, dòng họ vẫn vững bước tiếp nối truyền thống hiếu học, không ngừng phấn đấu vươn lên làm rạng danh dòng họ. Theo thống kê của dòng họ, ngoài 20 thạc sĩ, 80 cử nhân, hiện nay dòng họ Nguyễn Gia còn có 170 con em đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Ông Đặng Ngọc Quyền, Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết thêm, Nguyễn Gia là một trong 20 dòng họ góp phần xây dựng làng Triều Khúc. Hằng năm, vào ngày giỗ tổ, trung tuần tháng 8 âm lịch, tại Từ đường của dòng họ, các ban đại diện sẽ công bố thành tích học tập của con cháu, vừa trao thưởng động viên, vừa khuyến khích phát huy, đồng thời không ngừng nhắc nhở, động viên con cháu phấn đấu hơn nữa để làm rạng danh dòng họ.

Mùa thu năm Canh Tý 2020, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Từ đường dòng họ Nguyễn Gia, tức nhà thờ tiến sĩ dòng họ, vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố theo Quyết định số 4243/QĐ-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội.   

Từ đường dòng họ Nguyễn Gia nằm ở xóm Lẻ, Triều Khúc, nổi bật 2 dòng câu đối: “Báo quốc kiên trung hiển thanh danh/ Tề gia nhân đức lưu sự nghiệp”. Với ý nghĩa tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ông cha, đời nào dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc) cũng có người đỗ đạt cao và trở thành những người có ích đối với cộng đồng, xã hội. 

Cùng với nhà thờ các vị tiến sĩ dòng họ Nguyễn Gia là hệ thống tổ đường, văn bia, văn tự, lăng mộ thờ liệt tổ liệt tông của dòng họ Nguyễn Gia ở xã Tân Triều đã gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học, khẳng định danh thơm muôn thuở, góp phần làm rạng ngời đất và người Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một dòng họ hiếu học