Người ''chia chữ'' cho đồng bào

Quảng Tân| 16/09/2020 14:57

(HNNN) - Lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam ghi nhận cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là người giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất, người có công đầu trong việc xây dựng nền giáo dục mới. Ông là minh chứng điển hình cho thấy tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm trân trọng người tài, huy động sức mạnh của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Du khách tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.   

“Ông nghè Tây” yêu nước Việt

Nhà giáo Nguyễn Văn Huyên quê ở làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ông sinh ngày 16-11-1908 (nhưng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai cụ Huyên, thì ông sinh ngày 16-11-1905).

Năm 1926, hai anh em Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng trở thành du học sinh tại Pháp. Suốt 9 năm, Nguyễn Văn Huyên cùng lúc nghiên cứu nhiều ngành học và đều đạt được kết quả xuất sắc, lần lượt đỗ Tú tài phần I, Tú tài phần II, Cử nhân Văn chương rồi Cử nhân Luật. Trong thời gian giảng dạy tại Trường Ngôn ngữ phương Đông (1932 - 1935), Nguyễn Văn Huyên tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, là người Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sĩ tại ngôi trường danh tiếng này.

Vốn có lòng yêu nước nhiệt thành, năm 1935 Nguyễn Văn Huyên thanh thản rời nước Pháp để trở về Việt Nam với mong muốn đem kiến thức, kinh nghiệm giúp ích cho nền giáo dục nước nhà. Để chuyên tâm dạy học, ông nhiều lần từ chối lời mời của chính quyền thực dân ở Hà Nội lúc bấy giờ về việc bố trí làm quan với “phẩm hàm xứng đáng”.

Nguyễn Văn Huyên dạy học ở trường Bưởi, đến năm 1938 chuyển sang nghiên cứu khoa học, khảo cứu lịch sử, văn hóa và sáng tác, được đồng nghiệp đánh giá là người “có trí nhớ của nhà chép sử, có phong cách khoa học của nhà nghiên cứu”. Ông đã công bố hàng loạt công trình nghiên cứu, kết quả của quá trình thai nghén nhiều năm, nổi bật là cuốn Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man in bằng tiếng Pháp và công trình nghiên cứu về hội làng Yên Sở (huyện Hoài Đức), được minh họa bằng 2 bản đồ, 19 bản vẽ và 25 bức ảnh do chính ông chụp. Về hoạt động xã hội, cũng trong năm 1938 Nguyễn Văn Huyên tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và có nhiều đóng góp cho việc cổ động cũng như tổ chức dạy chữ quốc ngữ.

Năm 1944, Nguyễn Văn Huyên cho in cuốn Văn minh Việt Nam, trong đó có những dòng tâm huyết: “... xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục về trau dồi trí tuệ”. Ông đã chỉ ra con đường khắc phục những điểm yếu cố hữu đó và phát triển giáo dục một cách có hệ thống. Ảnh hưởng của cuốn sách vượt ra ngoài phạm vi giáo dục và được nhà dân tộc học người Pháp nổi tiếng Georges Condominas (1921 - 2011) đánh giá là “cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Năm 1945, Nguyễn Văn Huyên được cử làm Tổng Giám đốc Đại học vụ, kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông trở thành cố vấn cho phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bàn bạc với phía Pháp để giải quyết nhiều vấn đề quốc gia đại sự.

Nhận xét về học giả Nguyễn Văn Huyên, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết: “Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ XX”.

Mẫu mực, chân chính, thực tài

Tháng 11-1946, Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Khi trao trọng trách này cho ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chân tình và hóm hỉnh: “Chú chia một ít chữ cho đồng bào”.

Trong lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất, từ năm 1946 đến năm 1975 (ông mất ngày 19-10-1975). Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, đóng góp của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên thể hiện trong việc xây dựng nền giáo dục cách mạng Việt Nam và để lại dấu ấn trên các lĩnh vực quy hoạch vĩ mô ngành Giáo dục, tổ chức và điều hành với nhiệt tâm và thực tài của một nhà lãnh đạo, quản lý một lĩnh vực rộng lớn, có tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội. Các lĩnh vực chủ yếu có thể kể ra là: Tiếp tục nỗ lực chỉ đạo công tác xóa mù chữ, tổ chức các lớp bổ túc văn hóa, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng sức dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Tháng 8-1961, tại hội nghị chuyên đề quốc tế về “Vai trò sinh viên và các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc”, tổ chức tại Hà Nội, Nguyễn Văn Huyên vui mừng tuyên bố: “Từ một cơ sở giáo dục lạc hậu, nô dịch, què quặt do chế độ thực dân để lại, ngày nay chúng tôi đã xây dựng được nền móng rộng rãi và vững chắc của một nền giáo dục thực sự dân tộc, dân chủ và tiến bộ”.

Dù bận rộn với vai trò “Tư lệnh” ngành Giáo dục, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên vẫn không bao giờ quên nhiệm vụ của một nhà giáo đối với học sinh, với đồng nghiệp. Chính vì thế, ông quan tâm đến tất cả các lĩnh vực trong ngành, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện, cải cách giáo dục, cải tiến sách giáo khoa, nâng cao đời sống giáo viên... Riêng về giáo dục đại học, ông nhấn mạnh: “Đại học là nền tảng của kiến thiết quốc gia”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) đánh giá: “Có thể nói ngay mấy việc lớn mà ông, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt gần 30 năm, đã làm được cho sự nghiệp giáo dục. Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích. Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác. Thứ ba là mặc dù kháng chiến vẫn xây dựng và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu. Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn... Hoàn thành các công việc này trong hoàn cảnh khó khăn lạ lùng của cuộc kháng chiến chứng tỏ ông là người có một ý thức trách nhiệm, lương tâm nhà nghề cực kỳ đẹp đẽ”.

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt sau năm 1954, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên còn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh miền Nam để chuẩn bị nguồn cán bộ sau này cho miền Nam và đất nước.

Có một chi tiết rất đáng chú ý là: Vào ngày 3-2-1975, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã viết tâm thư gửi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Từ một thanh niên, trước cách mạng chỉ có tham vọng cho mình một vị trí trong nền khoa học dân tộc, được Bác Hồ và Đảng tin cậy, thương yêu dìu dắt vào một con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc, suốt 30 năm, tôi được vinh dự phấn đấu trong ngành Giáo dục từ chỗ “chia chữ” với đồng bào như Bác Hồ trìu mến dạy tôi cho đến nhà trường phát triển vững mạnh như ngày nay dưới lá cờ vinh quang của Đảng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm: Suốt đời Giáo sư Nguyễn Văn Huyên luôn giữ đức tính khiêm tốn, gương mẫu của một nhà giáo. Ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, cùng ngành Giáo dục “chia chữ”, “gieo chữ”, đem ánh sáng văn hóa đến với mọi vùng miền, góp phần chống “giặc dốt” và xây dựng Nhà nước cách mạng vững mạnh.

Nguyễn Văn Huyên thực sự là một nhà giáo mẫu mực, một nhà khoa học chân chính, nhà quản lý thực tài.... Có thể nói ông là một trí thức với nghĩa đầy đủ nhất. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cách mạng Việt Nam, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người ''chia chữ'' cho đồng bào