Vị tướng công an mang tâm hồn nghệ sĩ

Trần Mây| 23/08/2020 05:51

(HNMCT) - Khổng Minh Dụ không chỉ được biết đến là một vị tướng tài ba trong lực lượng Công an Nhân dân với thời gian dài giữ cương vị Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng (nay là Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an), mà còn là một nhà thơ, nhà văn, một người nhiệt huyết, năng nổ trong lực lượng sáng tác văn chương ngành Công an.

Trong 16 tập sách ở các thể loại đã được xuất bản, ông đã dành phần lớn thời lượng để viết về sự hy sinh thầm lặng của những đồng đội trong cuộc chiến giành độc lập cho Tổ quốc cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

1. Những ngày tháng Tám ngập tràn ký ức lịch sử này, tôi may mắn được cùng nhạc sĩ Đoàn Bổng đến thăm nhà của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội). Mặc dù tác giả Dòng sông quê anh, dòng sông quê em đã giới thiệu trước về người đồng hương, đồng niên (hai ông đều sinh năm 1943, tại tỉnh Hà Tây cũ), tôi vẫn thật sự bất ngờ về sự gần gũi, giản dị, chân thành, cởi mở của vị tướng từng kinh qua trận mạc này.

Hơn nửa thế kỷ sống xa vùng quê nằm kề bên sông Hồng (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) nhưng con người Khổng Minh Dụ vẫn giữ nét chân chất như một nông dân thứ thiệt. Trong phòng khách trên gác 4, ông sưu tầm rất nhiều dụng cụ nhà nông như cày, cuốc, thúng, mủng, đơm, đó..., "để thỉnh thoảng nhâm nhi chén trà rồi ngắm cho đỡ nhớ quê". Nói rồi ông đọc cho tôi nghe bài thơ Cố hương của mình: “Dẫu phiêu bạt tứ phương/ Giữa ồn ào phố thị/ Giữa cao sang quyền quý/ Vẫn đau đáu nhớ về nơi ấy/ Biếc xanh Tản Viên/ Trong mát Đà Giang/ Đỏ lựng phù sa Hồng Hà/ Mây trắng mênh mang miền Đoài nắng hạ/ Ngẩn ngơ chiều Thành Sơn/ Ủ nỗi niềm nhung nhớ cố hương”...

Quê hương xứ Đoài đã sinh ra một Khổng Minh Dụ sâu sắc, sống nặng tình, nặng nghĩa, thế nhưng quân đội rồi sau đó là ngành Công an chính là môi trường tôi luyện ông thành một vị tướng đầy bản lĩnh. Ông kể: “Năm 1961, khi mới 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ và chỉ vài năm sau được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng ở một đơn vị pháo binh đóng tại Mộc Châu (Sơn La). Khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, tôi xung phong tái ngũ và được quân đội tuyển chọn, đào tạo để đưa vào hoạt động bí mật trong lòng địch suốt 10 năm. Tháng 9-1975, một bước ngoặt lớn đến với cuộc đời, đó là tôi được Bộ Công an tuyển chọn vào làm việc ở Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng”.

2. Trong con người của Khổng Minh Dụ luôn có một tinh thần làm việc hăng say và hết sức trách nhiệm. Năm 2007, khi nghỉ hưu theo chế độ, những tưởng ông sẽ có thời gian nghỉ ngơi, thăm lại đồng đội, chiến trường xưa, nhưng không, ông lại được Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân Hữu Ước mời làm cố vấn Ban Biên tập, và cho đến nay, suốt 13 năm, trải qua 3 đời Tổng Biên tập, ông vẫn miệt mài công việc ấy. Với ông, công việc “gác cổng” tòa soạn, ngày ngày được tiếp xúc với các nhà báo, với những bài viết nóng hổi về các vấn đề của xã hội sẽ giúp ông nuôi dưỡng cảm xúc để tiếp tục sáng tác những tác phẩm văn chương mang hơi thở thời đại.

Công việc của một chiến sĩ tình báo trong chiến trường rồi sau này là Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng là hết sức khó khăn, phức tạp và ngay cả bây giờ khi đảm trách công việc “không để lọt lưới chính trị” cho các ấn phẩm của Báo Công an Nhân dân, nhiều người sẽ ngạc nhiên đặt câu hỏi: “Liệu ông viết vào lúc nào?”. Tuy nhiên, theo ông thì văn chương luôn lấp lánh trong công việc của mình. “Những ngày trong chiến trường tôi chứng kiến bao cuộc gặp gỡ, chia ly; tình đồng đội, đồng chí, tình quân dân..., tất cả đều trở thành tư liệu sống động cho sáng tác của tôi sau này", ông nói.

Không chỉ truyện ngắn và thơ, ông còn viết ký chân dung. Trong các cuốn ký chân dung gần đây như Bí ẩn của ký ức, Những người ở ngôi nhà mật…, ông viết về những người đồng chí, đồng đội, những bậc thầy của mình ở lực lượng tình báo và an ninh. Đó là các sĩ quan quân đội như: Trung tướng Nguyễn Như Văn (Tư Văn) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo; Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc) - Cục trưởng Cục 12 Tổng cục Tình báo; Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) - nguyên Đoàn trưởng Đoàn tình báo J22, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H67... và trong lực lượng Công an như các Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Cục trưởng Cục chống phản động; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy (tức Bảy Khiêm), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên; Đại tá Trần Mỹ, nguyên Phó Cục trưởng  A25... Ông viết về họ bởi đó là những người đã lập nhiều chiến công mà sách báo chưa đề cập tới hoặc có đề cập nhưng có những chi tiết chưa chính xác.

3. Thiếu tướng Khổng Minh Dụ quan niệm công tác an ninh là công việc, còn thơ là điểm tựa tâm hồn. Bởi thế, ông viết thơ hằng ngày, như một cách để trút bầu tâm sự. Viết nhiều nhưng ông không dễ dãi, thơ ông luôn có độ lắng sâu. Cũng vì thế mà nó “bay” vào khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ, tiêu biểu như Có một thời như thế của Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường (nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an); Về Cà Mau quê em, Chiều bên sông Thương của nhạc sĩ Lê Xuân Thọ; Nét xuân của nhạc sĩ Hà My; Về với sông Cầu của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Dương...

Là người phổ nhạc 3 bài thơ Đồng trăng, Áo tím chiều mưa, Em tôi của Khổng Minh Dụ (thành 3 bài hát Đồng trăng Đan Phượng, Áo tím chiều mưa, Em tôi), nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết, những áng thơ của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ đều rất sâu sắc, trữ tình, giàu tính nhạc. “Có lẽ tôi và Khổng Minh Dụ cùng tuổi, cùng quê nên có nhiều đồng điệu trong tâm hồn. Bởi vậy khi đọc được những bài thơ của anh, tôi thấy rất đồng cảm. Mặc dù công việc hết sức phức tạp, đôi khi cần có một “thần kinh thép” thế nhưng tâm hồn anh lúc nào cũng phơi phới, lãng mạn. Trong con người anh luôn ăm ắp văn chương”, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ.

Nhìn Thiếu tướng Khổng Minh Dụ say sưa trò chuyện với nụ cười tươi tắn, nước da hồng hào, chắc chẳng ai nghĩ ông đã bước vào tuổi 77. Hỏi “bí quyết”, ông bảo: “Hãy cứ bằng lòng với những gì mình hiện có, sinh hoạt điều độ, làm việc quy củ, nghiêm túc. Bản thân tôi sáng nào cũng dậy lúc 5h, đánh cầu lông rồi mới đi làm. Cứ rèn luyện như thế tôi thấy mình chẳng có dấu hiệu tuổi già”. Chia tay tôi, ông còn đọc cho tôi nghe bài thơ Tự bạch: “Cái nghiệp văn chương là như thế/ Số phận nhân gian - số phận mình/ Ước chi mãi được là con trẻ/ Để khỏi đau đời, đau kiếp văn”, như để thổ lộ, nhắn nhủ với tôi rằng ông vẫn còn nặng nợ với “nghiệp văn chương” nhiều lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị tướng công an mang tâm hồn nghệ sĩ