''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen

Vy Anh| 16/07/2020 06:18

(HNNN) - Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nổi danh với nghề trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Phát huy thế mạnh truyền thống làng nghề, bằng sự đam mê, sáng tạo, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã, đang gây dựng nên thương hiệu độc đáo qua những sản phẩm lụa tinh xảo, có giá trị cao được làm từ tơ sen.

Sản phẩm từ tơ sen của Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

Cơ duyên với tơ sen

Sinh ra và lớn lên tại xã Phùng Xá, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận sớm gắn bó với nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt vải. Tình yêu nghề trong bà được hun đúc nhờ bề dày truyền thống làm nghề của gia đình. Bà chia sẻ: “Từ nhỏ, được cùng bố mẹ quay suốt, dệt ra những mét hàng đẹp, nuôi được con kén đẹp, tôi rất thích. Năm 1956 cả nhà vào hợp tác xã, vui lắm. Khi xí nghiệp ươm tơ không có tiền mua kén nữa, hợp tác xã tính phá cây dâu để trồng cây lương thực. Tôi tự nhủ, nghề dâu tằm quý như thế nên tiếc lắm, mình phải cố giữ nghề của cha ông để lại. Có những ngày tôi phải đi nhặt nhạnh từng lá dâu bờ rào về để nuôi tằm”.

Sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường giúp sản phẩm tơ lụa công nghiệp áp đảo hàng thủ công. Không nao núng trước cơn lốc khắc nghiệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cố gắng giữ nghề dệt sợi truyền thống và phát triển nghề lên tầm cao mới với những sản phẩm riêng có, tạo ra những tấm lụa từ sợi của cây sen, loài hoa được coi là quốc hoa của Việt Nam.

Cơ duyên cùng tơ sen đến với bà Phan Thị Thuận vào năm 2017, khi đoàn công tác do bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, về thăm xã Phùng Xá. Bà Thuận chia sẻ: “Sau chuyến thăm đó, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh gợi ý thử nghiệm tơ sen. Tôi ý thức được đây là một đề tài cấp quốc gia. Quá trình thử nghiệm, ước mơ cháy bỏng trong tôi là làm bằng được dù có khó khăn gian khổ đến đâu. Chúng ta không thể nhận tiền dự án của Nhà nước xong rồi bỏ, gây lãng phí tiền của nhân dân”.

Sau lần đó, NNƯT Phan Thị Thuận đã đầu tư công sức tìm tòi, nghiên cứu. Bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Việc lấy tơ sen khó hơn rất nhiều so với lấy sợi tơ tằm. Cuống sen nào cũng làm được tơ, nhưng cuống non thì tơ sẽ dẻo và đẹp hơn. Bà chia sẻ: “Sợi tơ sen rất mảnh nên dễ đứt, người thợ phải thật khéo léo, có kỹ thuật riêng mới rút được tơ. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc, một ngày chỉ rút được khoảng 200 cuống lá sen”.

Tạo ra được tơ sen, nhưng khi đưa vào khung dệt thì bị đứt liên tục bởi sợi không có độ dai, dẻo như tơ tằm. Tấm lụa tơ sen đầu tiên được dệt không như mong đợi, bởi khi có quá nhiều mối nối thì sẽ tốn công, tốn sợi mà miếng lụa không có được sự mượt mà, mềm mại như ý. NNƯT Phan Thị Thuận tiếp tục cải tiến khung dệt. Sau nhiều công sức tìm tòi, một khung dệt mới dành cho tơ sen, nhẹ hơn, vận hành êm hơn đã ra đời.

Với 4.800 cuống sen và sau hơn 1 tháng làm việc miệt mài, chiếc khăn tơ sen dài 1,7m, rộng 0,25m đã hoàn thiện. Tấm khăn mềm mại, xốp, mang hương thơm tự nhiên, thanh khiết của loài hoa sen mang đến niềm vui cho rất nhiều người. Bà Phan Thị Thuận trở thành người đầu tiên khai mở kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen tại làng nghề. Từ lụa tơ sen có thể dệt khăn, quần áo, làm đồ lưu niệm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề.

Se tơ sen thành sợi.

Ước vọng làng nghề cất cánh vươn xa

Niềm vui với kỹ thuật dệt lụa tơ sen như tiếp thêm sức mạnh cho NNƯT Phan Thị Thuận. Bà tâm sự: “Dù tuổi cao rồi nhưng tôi thấy mình còn sung sức, muốn truyền nghề cho thật nhiều người hơn nữa”. Đến nay, rất nhiều lớp thợ xa gần đã được bà truyền nghề bằng sự tận tâm. Trong ngôi nhà luôn lách cách tiếng thoi. Hằng ngày, người ta vẫn thấy bà chỉ bảo cho thợ kỹ thuật tỉ mỉ của nghệ thuật “tơ sen”. Quá trình rút tơ đòi hỏi người thợ phải khéo léo dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi dùng tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ tròn. Những người thợ - học trò luôn nói về bà với sự trân trọng. Với họ, bà là người thầy thật sự đặc biệt.

Tâm huyết với nghề, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay NNƯT Phan Thị Thuận được xem là một trong số ít nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở làng Phùng Xá. Sản phẩm do NNƯT Phan Thị Thuận sản xuất đã tạo được dấu ấn thương hiệu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm lụa tơ sen đã được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

Thật may mắn khi Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh là người tâm huyết, luôn đồng hành, gắn bó với NNƯT Phan Thị Thuận. Bà đã đề xuất với UBND huyện Mỹ Đức và chính quyền xã hợp lực hỗ trợ nghệ nhân Phan Thị Thuận, tìm nguồn hỗ trợ vốn, đất đai để duy trì phát triển sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Hiện nay, xã Phùng Xá đã tạo điều kiện cho bà Thuận mượn một số phòng để đào tạo nghề và trưng bày sản phẩm.

Sản phẩm lụa tơ sen có chất lượng cao, được thị trường đón nhận nhưng để phát triển hơn nữa, NNƯT Phan Thị Thuận vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sen chỉ có mùa nên việc lấy tơ vẫn theo thời vụ. Các công đoạn sản xuất chủ yếu làm thủ công nên việc dệt lụa tơ sen tốn nhiều thời gian. Bà mong muốn Thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức cùng các ngành chức năng có định hướng cụ thể cho việc xây dựng thương hiệu tơ sen của huyện Mỹ Đức, hỗ trợ quảng bá sản phẩm để nghề dệt lụa tơ sen cất cánh, phát triển hơn nữa. Gần đây, bà Thuận ấp ủ những kế hoạch mới cho làng nghề. Bà chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi muốn kết hợp vòng tròn khép kín giữa nuôi tằm, trồng sen, nuôi cá, dệt lụa để bảo vệ môi trường. Có thêm các dự án thì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người”.

Khi nói về nghề dệt lụa tơ sen trên địa bàn, ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, nghề dệt tơ sen phát triển sẽ tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn. Huyện Mỹ Đức đang nghiên cứu để hỗ trợ phát triển nghề theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

NNƯT Phan Thị Thuận đã dành cả cuộc đời gắn bó với sợi tơ, đường chỉ, giờ đây bà vẫn mong muốn truyền ngọn lửa say nghề đến các thế hệ mai sau. Bà luôn tâm niệm, muốn giữ nghề thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự độc đáo để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do NNƯT Phan Thị Thuận làm Giám đốc đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Các công nhân của Công ty đặc biệt đam mê với nghề và có việc làm, thu nhập ổn định. Nói một cách khác, NNƯT Phan Thị Thuận và những người dân Phùng Xá đang dệt nên tương lai tươi đẹp của làng nghề từ tinh túy quốc hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Dệt tương lai làng nghề'' từ tơ sen