Hà Hải - nhạc sĩ của trẻ thơ

Dương Hải| 04/06/2020 20:05

(HNMCT) - Nhắc đến Hà Hải là nhắc đến người nhạc sĩ của trẻ thơ bởi trong sự nghiệp 40 năm sáng tác âm nhạc với hơn 90 ca khúc ở các thể loại của ông, có đến 50 ca khúc thiếu nhi. Trong số đó, ca khúc Hoa thơm dâng Bác được chọn là một trong 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX. Đây cũng là bài ca chính thức của Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ V (năm 2000) và là bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Chân dung nhạc sĩ Hà Hải. Ảnh: Hữu Nguyên

1. Thú thật, trước khi đến gặp nhạc sĩ Hà Hải, tôi hơi e dè, sợ phiền ông bởi qua một số nhạc sĩ, tôi biết ông đang điều trị bệnh. Thế nhưng, nhạc sĩ Đoàn Bổng động viên: “Cháu cứ điện thoại hẹn gặp và viết bài, coi như là một niềm vui, động lực nho nhỏ để bác ấy kiên cường chiến thắng bệnh tật”.

Vậy là tôi đến và chính sự nhiệt tình, cởi mở, dễ gần toát lên từ thần thái, gương mặt của nhạc sĩ Hà Hải đã xua tan cảm giác e dè trong tôi, mặc dù khi trò chuyện ông phải nằm trên giường bệnh. Vợ ông - bà Nguyễn Bích Hà, cựu giáo viên Trường Trung học cơ sở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) luôn túc trực bên cạnh.  

Cách đây hơn nửa thế kỷ, họ là sinh viên cùng khóa nhưng khác khoa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chàng thì học khoa Sinh học - Địa lý còn nàng học khoa Sinh học - Hóa học. Mặc dù theo học ngành tự nhiên nhưng Hà Hải có năng khiếu âm nhạc, từ nhỏ đã học violon, guitar và tham gia ban nhạc Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ông sáng tác ca khúc đầu tay Hoàng hôn bên sông để tặng bạn gái - người sau này trở thành vợ của mình. Ca khúc được giới sinh viên thời ấy rất yêu thích. Cũng bởi vì yêu, ông đã lấy tên vợ ghép với tên mình thành bút danh Hà Hải.

2. Sinh ra trên phố cổ Hàng Hành, nhưng nhạc sĩ Hà Hải quê gốc ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội). Có lẽ vì thế con người ông đậm chất người Hà Nội xưa, hào hoa, thanh lịch, kiệm lời, sống nhân nghĩa, tình cảm. Chính công việc Tổng phụ trách Đội ở Trường cấp II Mỹ Đình (khi đó thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) giúp ông tiếp xúc nhiều với thiếu nhi, hiểu thấu tâm tư, tình cảm của các em và có thêm chất liệu để đưa vào sáng tác. Ca khúc đầu tiên của ông là Suối cá Bác Hồ (viết năm 1979).

Khi viết xong ca khúc này, ông đã mạnh dạn mang lên Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhạc sĩ Hoàng Hà, khi đó là Trưởng phòng Âm nhạc thiếu nhi của Đài xem rồi nhận xét: “Cậu viết bài hát có ý tứ và rất hay, tôi sẽ cho thu thanh ngay”. Rồi cũng từ lời động viên của tác giả Đất nước trọn niềm vui, ông đến Báo Nhân Dân để gửi in. Người biên tập của báo khi ấy đọc nhạc xong và nói ngay: “Ngày 19-5 tới cậu đến đây nhận báo nhé!”. Và đúng dịp 19-5-1979, ca khúc Suối cá Bác Hồ của nhạc sĩ Hà Hải được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được in trang trọng trên Báo Nhân Dân. Từ đó, bài hát được lan truyền khắp cả nước, cho đến hôm nay vẫn là bài hát “nằm lòng” của nhiều em nhỏ.

Chính nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ của Suối cá Bác Hồ, nhạc sĩ Mộng Lân, khi đó là Phó Trưởng phòng Âm nhạc thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam, đã mời ông cộng tác với Đài trong việc dàn dựng, thu thanh nhiều bài hát thiếu nhi. Cũng từ đây, khả năng sáng tác của ông dần vào độ “chín”.

Các em thiếu nhi được nhạc sĩ Hà Hải hướng dẫn thể hiện ca khúc. Ảnh: Hữu Nguyên

Nếu có cuộc bình chọn ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Hà Hải thì chắc chắn Hoa thơm dâng Bác sẽ đứng ở vị trí đầu bảng. Bài hát ra đời trong khoảng thời gian rất ngắn. Trong một lần lên Trung ương Đoàn, một người bạn của ông nhắn nhủ: “Hải ơi, mình thấy sắp tới có Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất, Hải xem có sáng tác được bài nào không? Trung ương Đoàn đã mời các nhạc sĩ Phong Nhã, Mộng Lân, Phạm Tuyên, Hoàng Vân... và họ đều đã có bài. Nếu Hải viết được thì sáng mai gửi cho mình để gửi lên thu ở Đài Tiếng nói Việt Nam”.

“Lúc ấy đã là 1h trưa rồi mà buộc phải sáng mai có bài. Thời gian quá gấp gáp. Thế nhưng bài hát vẫn được hoàn thành, với tình cảm và “chất liệu” của bài hát đã có trong đầu, nhiệm vụ của tôi lúc ấy là “lôi” chúng ra và “chắp” trên khuông nhạc”, nhạc sĩ Hà Hải nhớ lại.

3.14 năm công tác ở Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là giai đoạn Hà Hải thăng hoa cảm xúc âm nhạc. Ngoài hai ca khúc nói trên, ông ghi dấu ấn với những ca khúc thiếu nhi quen thuộc qua nhiều thế hệ như: Cá vàng bơi, Vì sao chim hay hót, Tiếng chào theo em, Năm cánh sao vui, Hành khúc thiếu nhi Thủ đô... Bên cạnh đó, ông còn viết các hợp xướng thanh - thiếu nhi như Thanh Trì hướng tới tương lai, Thăng Long ngàn năm tỏa sáng, Thăng Long - Hà Nội mở hội ngàn năm và một số tổ khúc như Em yêu chú thương binh (5 bài), Mời bạn về thăm Thủ đô tươi đẹp (7 bài)...

Từ khi rời nhiệm sở, nhạc sĩ Hà Hải vẫn tiếp tục theo đuổi mảng ca khúc thiếu nhi và giành được nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với các ca khúc như: Lâm Hà - bài ca xanh, Bác xe lu, Hát cùng chú bộ đội, Chim sâu và vườn cây, Chao nghiêng nắng hè. Năm 2018, ông được trao Giải thưởng “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với bài hát Măng non Việt Nam xứng danh cháu ngoan Bác Hồ.

 Trong cuộc trò chuyện với tôi, bên cạnh lời chia sẻ về tình yêu với thiếu nhi, với âm nhạc, nhạc sĩ Hà Hải thể hiện sự trăn trở khi ca khúc thiếu nhi ít được các nhạc sĩ trẻ quan tâm. Ông lo rằng, việc thiếu bài hát sẽ khiến các em nhỏ phải hát ca khúc của người lớn. Theo ông, các cơ quan truyền thông giữ vai trò quan trọng nhất trong việc lan tỏa giá trị nhân văn, tích cực của ca khúc thiếu nhi.

“Phải tuyên truyền giới thiệu cho các em những bài hát Việt vừa mang tính thời đại vừa phù hợp với giai đoạn. Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, ca từ đẹp, có tính giáo dục và phải mang đậm bản sắc, hồn cốt dân tộc”, nhạc sĩ Hà Hải nói. Và có lẽ đó cũng là mong muốn mà ông gửi gắm mỗi khi đặt bút sáng tác ca khúc dành cho các em thiếu nhi yêu quý của mình trong suốt 40 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Hải - nhạc sĩ của trẻ thơ