Từ phố về làng của Vũ Kiêm Ninh

Trần Văn Mỹ| 19/03/2020 09:59

(HNMCT) - Nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh là người con Kẻ Bưởi. Dẫu làng của ông đã lên phố từ lâu nhưng từ hơn 50 năm nay, trong những trang viết của mình, dù đậm chất văn chương hay những trang sưu tầm khảo cứu, thì người đọc vẫn nhận ra một sự đam mê của ông với việc bảo tồn nét đẹp của người xưa.

Tôi quen ông đã lâu và biết cuộc đời ông gặp nhiều trắc trở, khi ở Xưởng phim, khi về làm văn hóa ở phường Bưởi, cuối cùng bằng đồng tiền trợ cấp ít ỏi, hằng ngày với chiếc xe đạp “cà tàng” ông vẫn rong ruổi khắp nội ngoại thành Hà Nội để sưu tầm, nghiên cứu. Có lần do sức khỏe yếu, ông nằm bất tỉnh bên đường, may có người tìm đưa được ông về nhà.

Cách đây hơn 10 năm, ông cho ra mắt sách Cổng làng Hà Nội, giới thiệu hơn 100 cổng làng. Mỗi cổng làng ông khảo tả về kiến trúc, các đại tự, câu đối, giai thoại về cổng đó. Tập sách ra đời đã được bạn đọc khắp nơi hồ hởi đón nhận. Sau đó, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản Hội làng Hà Nội của Vũ Kiêm Ninh.

Nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh là người nông phu cần mẫn, cả đời thâm canh trên mảnh đất màu mỡ là vùng đất phía Tây Bắc của kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội nay, đó là vùng Bưởi, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Khi quận Tây Hồ được thành lập, ông cùng các cây bút khác viết Danh thắng Tây Hồ, sau đó là Chuyện xưa chuyện nay (NXB Lao động - 2009), Kể chuyện Hồ Tây (NXB Lao Động - 2010), Làng cũ nhớ về (NXB Dân trí - 2018). Gần đây, trong cuộc gặp mặt đầu xuân do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức, ông tặng tôi tập sách Từ phố về làng (NXB Hà Nội - 2019). Sách dày  270 trang, được chia làm 3 phần: Từ phố, Về làng, Phường Bưởi xưa và nay.

Hai phần đầu được thể hiện bằng văn chương bình dị. Câu chữ ngắn gọn, xúc tích và giàu hình ảnh. Ông nhẩn nha kể những chuyện thoáng nghe tưởng là vặt vãnh. Đó là một sĩ quan già trong một khu tập thể suốt đời chinh chiến, cả đời không một ngày chăm lo con cái, để đến khi lớn lên các con ông chịu nhiều thiệt thòi; một nữ cựu thanh niên xung phong, cả tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường, đến khi xây dựng gia đình thì không thể sinh nở. Ông kể chuyện một bà giáo giàu lòng nhân nghĩa, khi người chồng gặp chuyện lỡ dở, chồng mất, bà âm thầm nuôi con riêng của chồng, thương quý như con đẻ...

Nếu những trang trong Từ phố đậm chất nhân văn thì từ khi Về làng, tác giả thấy cảnh quê êm đềm với lũy tre xanh, ao hồ nay chỉ còn trong ký ức. Người ta đua nhau bán đất mua những đồ đạc đắt tiền, sa chân vào cờ bạc, rượu chè. Nhà kia có tiền làm nhà 5 tầng, kiểu dáng hiện đại nhưng lại để mẹ già ở gầm cầu thang tầng một, “để cụ đi lại cho tiện”... Mô tả vài chuyện này, nhà văn cảnh báo cho người đời biết rằng, khi từ nghèo khó đến giàu sang, lòng người dễ thay đổi, luân lý và hiếu nghĩa chưa chắc đã đồng hành theo tỷ lệ thuận.

Nằm bên bờ hồ Tây thơ mộng, phường Bưởi có nhiều di tích lịch sử phản ánh sự hình thành một vùng đất. Trong Phường Bưởi xưa và nay, Vũ Kiêm Ninh kể ba ngôi đình An Thái Đoài, An Đông, An Thọ thờ vợ chồng bà Vũ Phục cùng hiến thân cho thần ở cửa sông Thiên Phù để vua Lý khỏi bệnh; đình hai làng Võng Thị, Trích Sài thờ ông Mục Thận làm nghề chài lưới đã dũng cảm cứu vua Lý khỏi nạn trên hồ Tây; đền Đồng Cổ thờ Trống Đồng, nơi diễn ra Hội thề Trung hiếu của vua quan triều Lý mở vào đầu tháng Tư âm lịch với câu thề nổi tiếng: “Làm tôi bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Ở mỗi đình đền, ông kể rõ sự tích vị thần, kiến trúc, lễ hội, các tài liệu Hán Nôm như câu đối, hoành phi, hương ước và các câu chuyện lạ. Ông kể chuyện đất Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền, mỗi làng một mặt hàng: Làng Hồ Khẩu làm giấy bản, làng Nghĩa Đô làm giấy sắc...

Đọc Từ phố về làng của Vũ Kiêm Ninh, với những trang viết đầy ắp tư liệu được trình bày lớp lang, càng thấy sự đam mê, cố gắng hết mình của tác giả. Gần đây, sức khỏe của ông đã yếu nhiều nhưng mỗi khi có dịp trò chuyện về những đổi thay của Hà Nội, ông vẫn giữ vẻ vui tươi như ngày còn trẻ. Với lòng quý mến thiết tha, tôi viết đôi dòng này để tri ân một người con của đất Bưởi đã ở tuổi 80, và tin rằng hơn 10 tập sách văn chương và khảo cứu của Vũ Kiêm Ninh đã in trong thời gian qua, gần đây là tập Từ phố về làng, không chỉ có ích cho hôm nay mà còn cho cả mai sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ phố về làng của Vũ Kiêm Ninh