Nguyễn Đình Toán: Người cần mẫn “chép sử bằng hình”

Ngữ Thiên| 05/03/2020 16:19

(HNMCT) - Người ta gọi nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán là người  “chép sử bằng hình”. Lịch sử trong mắt ông không “vô nhân xưng” mà hiện lên qua những khuôn mặt nhân vật lịch sử. Bản thân ông cũng là một chứng nhân lịch sử khi trực tiếp tham gia vào sự kiện, chứng kiến, cảm nhận, sáng tác về nhân vật và sự kiện ấy. Vì thế, nhìn từ chiều cạnh khác: Tác phẩm của Nguyễn Đình Toán, con người ông cũng đã là một phần của lịch sử.

1. Nguyễn Đình Toán có những bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đời thường đem lại cho người xem nhiều cảm xúc. Nhưng ông nhớ nhất là bức ảnh chụp Đại tướng và nhạc sĩ Văn Cao. 

Đó là chiều mùng 5 Tết Nhâm Thân (1992), Nguyễn Đình Toán nhận được mẩu giấy có dòng chữ: “Anh Toán thân mến, chiều mai mùng 6 Tết, 15 giờ mời anh đến nhà chụp tôi và Đại tướng nhé! Rất cảm ơn - Văn Cao”. Cùng với mẩu giấy là tấm danh thiếp: “Văn Cao - 108 Yết Kiêu - Hà Nội”. 

Chiều hôm sau, Nguyễn Đình Toán đến nhà nhạc sĩ từ sớm. Ông chụp riêng cho nhạc sĩ Văn Cao được 9 kiểu thì Đại tướng đến. Sau khi chủ, khách đáp lễ nhau, Nguyễn Đình Toán lui ra một góc phòng và quan sát cuộc trò chuyện. Trước mặt Văn Cao là chai rượu, sau lưng Đại tướng là bức thư pháp của soạn giả chèo danh tiếng Tào Mạt. Cú bấm máy đầu tiên Nguyễn Đình Toán đã may mắn “chớp” được khoảnh khắc vị tướng già đầu bạc và nhạc sĩ đang trầm ngâm ôn lại những kỷ niệm về năm tháng đã qua của cuộc đời giữa một mùa xuân mới... Nguyễn Đình Toán còn chụp thêm hàng chục "pô" về buổi gặp gỡ khó quên đó, nhưng tấm ảnh đầu tiên khiến ông ưng ý nhất nay đã trở thành bức ảnh chân dung “kinh điển” về hai nhân vật lịch sử này.

Với niềm kính trọng và sự say mê, Nguyễn Đình Toán đã tìm mọi cơ hội để được chụp và... chụp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2004, biết Đại tướng lên thăm Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Toán tự tìm mọi cách để cùng theo Đại tướng trong từng sự kiện vì dự cảm đây có thể là dịp cuối cùng Đại tướng trở lại chiến trường xưa. Dự cảm đó đúng, và Nguyễn Đình Toán đã có một bộ ảnh đầy xúc động về Đại tướng giữa tình cảm yêu mến của đồng bào, chiến sĩ và cả khoảng lặng đến nao lòng trước đài tưởng niệm trên đồi Độc Lập trước khi Đại tướng lưu bút trong sổ lưu niệm: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ...”. 

Trước đó, năm 1994, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh thăm Sa Pa, Nguyễn Đình Toán đã tháp tùng ông từng bước vì cũng dự cảm đây là chuyến đi Sa Pa cuối cùng của cây đại thụ làng ảnh. Trước khi tàu rời ga Hà Nội, Nguyễn Đình Toán vội vã chụp vài bức chân dung Võ An Ninh rồi tất tả chạy về hàng ảnh quen, in tráng, nộp ảnh xong cho tòa soạn báo Lao Động rồi mới "bắt" tàu đuổi theo. Hồi đó còn chưa có máy ảnh digital như bây giờ, phải xử lý phim rồi in tráng, có nhanh hết mức thì cũng phải chừng nửa giờ sau mới được cầm ảnh trên tay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao ngày 9-2-1992. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

2. Để có được một bức ảnh thành công cần hội tụ nhiều yếu tố, nhưng cuối cùng yếu tố “duyên” lại là quan trọng nhất. Rất nhiều bức ảnh của Nguyễn Đình Toán hiện rõ cái “duyên” của ông với nhân vật, nhưng với Nguyên Đình Toán, “duyên” có được nhờ sự cần mẫn, đam mê “bám” nhân vật - các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học... Sự kiện văn hóa, văn học, âm nhạc, sân khấu, lịch sử, thậm chí khoa học tự nhiên..., nếu đã thấy Nguyễn Đình Toán tất tả chạy đến với túi máy ảnh là mọi người - cả “nhân vật chính”, chủ tọa và nhiều người quen biết - đều yên tâm vì biết rằng sẽ có một bộ ảnh mang giá trị “kép” - chân dung nhân vật và tư liệu lịch sử.

Cũng với tinh thần cần mẫn, chụp miệt mài để chọn cho được một file ảnh ưng ý, Nguyễn Đình Toán theo đuổi chụp chân dung, chụp sự kiện và cả những chi tiết đời thường của văn nghệ sĩ, những nhân vật lịch sử mà ông yêu quý. Chính vì thế, hiện nay Nguyễn Đình Toán là người có bộ sưu tập ảnh chân dung nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn hóa phong phú nhất trong “làng ảnh”.

Từ lâu rồi và nay vẫn thế, mọi người vẫn thấy Nguyễn Đình Toán chạy đôn chạy đáo, bỏ qua mọi nỗi vất vả, có hôm dự tới hai, ba sự kiện để có được ảnh, có được tư liệu mình cần. Thậm chí có lần không kịp lấy máy, ông mượn máy của anh em, lắp card của mình vào và chụp để không bị sót và áy náy về sự kiện, nhân vật hôm đó. 

Nguyễn Đình Toán chụp ảnh đúng như “chất lính” của ông - “đánh địch bằng tất cả những vũ khí mình có”, với sự chịu đựng gian khổ, luôn kiên cường, nỗ lực tới cùng. Ảnh chân dung của Nguyễn Đình Toán phong phú và sinh động, có bức dữ dội, có bức tươi vui, diễn tả được thần thái, tính cách, phong cách, bối cảnh... của nhân vật. Có được điều này là do những cảm nhận đặc biệt của ông về nhân vật cùng sự kiên trì bền bỉ theo dõi nhân vật, hiểu biết sâu về nhân vật mà ông khắc họa.

Có thể khẳng định rằng: Cho đến nay, trong giới nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Toán là người có kho ảnh chân dung văn nghệ sĩ, trí thức lớn (nếu không nói là rất lớn) về số lượng, dài về thời gian, phong phú về chủ đề... Nhìn rộng và sâu hơn, Nguyễn Đình Toán đã làm được nhiều việc đồng thời với việc chụp ảnh chân dung. Chân dung ông chụp là những nhân vật lịch sử, đã thuộc về lịch sử - lịch sử văn hóa, lịch sử nghệ thuật và còn gói trong đó một phần lịch sử đất nước qua nhiều thời kỳ. Có khi chỉ một bức chân dung đã chứa đựng nhiều câu chuyện ở sau nó. 

3. Trước khi cầm máy ảnh, Nguyễn Đình Toán đã có hai chục năm là bộ đội bảo vệ vùng trời Hà Nội. Khẩu pháo phòng không khi ông là khẩu đội trưởng nay đã trở thành hiện vật tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ông luôn nhớ về khẩu pháo thân yêu đến mức có lần đọc nhầm số khẩu pháo cho người ghi vé giữ xe máy. Có lẽ khẩu pháo đó may mắn là hiện vật “bền” nhất trong ký ức của Nguyễn Đình Toán, “bền” hơn những chiếc máy ảnh ông đã từng sử dụng. 

Đến tận bây giờ, Nguyễn Đình Toán vẫn là một nghệ sĩ nghèo. Chưa bao giờ người ta thấy Nguyễn Đình Toán cầm trên tay một chiếc máy ảnh hay ống kính đắt tiền nào. Kho phim đồ sộ lưu giữ mấy chục năm, cho đến nay đã chẳng còn đếm được, đang bị hư hỏng dần nhưng chưa được số hóa vì thiếu cả thời gian và kinh phí. Ông mới chỉ kịp số hóa tư liệu phim về các nhân vật lịch sử, văn nghệ sĩ lớn để phục vụ triển lãm ảnh về Văn Cao, Hoàng Cầm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gần đây nhất là 72 bức chân dung Nguyễn Trọng Tạo nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ. Nhưng vượt trên tất cả, Nguyễn Đình Toán vẫn đam mê, cần mẫn chụp và để lại cho đời nhiều bức chân dung có giá trị lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Đình Toán: Người cần mẫn “chép sử bằng hình”