Nghệ sĩ ưu tú Minh Trang: Lửa nghề không bao giờ tắt

Thu Hằng| 29/02/2020 13:19

(HNMCT) - 40 năm trước, vai diễn Hà Mi - một trong số nhân vật nữ tuyệt đẹp của sân khấu kịch trong những năm 1980 - đã đưa Minh Trang thành cái tên được nhiều người nhớ tới.

Gắn bó với nghiệp diễn, đã qua khoảng thời gian khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, “Hà Mi” hôm nay vẫn đẹp đằm thắm, phong thái thanh lịch và chất giọng Hà Nội ấm áp của chị vẫn ghi dấu ấn khó quên trong lòng người xem.

1. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp khoa Sân khấu tại một trường đào tạo nghệ thuật tại Thủ đô vào năm 1979, Minh Trang về Đoàn Kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Tại đây, chị đã tạo ra “cơn địa chấn” với vai chính đầu tiên trong vở Hà Mi của tôi (1980) - một trong những niềm tự hào của sân khấu Thủ đô suốt 40 năm qua.

Chuyện kịch xảy ra ở một nhà máy điện Hà Nội vào những ngày cuối năm 1972, khi máy bay địch đánh phá ác liệt Thủ đô. Tập thể công nhân đã dũng cảm chiến đấu, giữ cho dòng điện sáng. Cô công nhân trẻ Hà Mi dám vượt qua những rào cản để sống theo cách của mình. Nhưng trên hết vẫn là một Hà Mi tràn đầy nhiệt huyết và lòng quả cảm khi chọn lấy sự hy sinh để bảo vệ nhà máy điện, bảo vệ những vùng sáng của thành phố, khiến người xem yêu quý và nhớ mãi.

Minh Trang đến với vai diễn Hà Mi tự nhiên, như thể đó là sự sắp đặt của số phận. Nhận vai chính khi tròn 20 tuổi, vừa mới ra trường mà theo nhận xét của đạo diễn Doãn Hoàng Giang là “còn non lắm, đứng trên sân khấu vẫn run lẩy bẩy”, nhưng cũng chính vì sự non nớt mới mẻ này mà ông quyết định chọn Minh Trang vào vai Hà Mi, bỏ qua những gương mặt diễn viên đàn chị đình đám khi đó. Niềm tin của Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang đã được đền đáp xứng đáng: Minh Trang đã tạo dấu ấn khó phai mờ qua vai diễn Hà Mi.

Ngày ấy, không chỉ có Hà Mi, Minh Trang còn đóng vai Ngà trong Tôi và chúng ta (1985). Hai nhân vật này đã đem về cho chị hai Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khi tuổi đời còn rất trẻ.

Để có được những vai diễn “để đời” này Minh Trang đã phải vượt qua không ít nhọc nhằn. Năm 1977, gia đình chị chuyển vào miền Nam sinh sống, Minh Trang lúc này đang học năm cuối nên phải ở lại chờ tốt nghiệp. Cuộc sống đơn độc của cô gái 17 tuổi bắt đầu. Những năm tháng ấy, Hà Nội triền miên mất điện, chị sống với rau muống, lạc rang và đèn dầu ngày này qua tháng khác.

Chị kể: “Tôi có 10 năm sống một mình tại Hà Nội (1978 - 1987), vượt qua được cũng vì lòng yêu nghề. Đến bây giờ nghĩ lại mới thấy sao hồi ấy mình mạnh mẽ thế, bao nhiêu khó khăn, sợ hãi, buồn tủi... đều vượt qua được hết. Ngày đó cuộc sống rất cực nhọc, khi gia đình chuyển vào Nam, tôi ở lại căn nhà tập thể một thời gian thì nhà bị thu hồi, phải lay lắt ở nhờ hết nhà người này đến người khác. Cũng may có bạn bè giúp đỡ. Rồi đến khi chính thức là diễn viên cũng không có một ngôi nhà tử tế để ở. Có thời gian tôi sống trong căn phòng chật hẹp được che chắn tạm bợ dưới gầm cầu thang vốn là nơi chứa đạo cụ. Những lúc mất điện, nằm trên chiếc giường nhỏ mà lo lắng. Bản thân tôi không phải là người có cá tính mạnh, vượt qua được mọi chuyện có lẽ là nhờ lòng yêu nghề và niềm hạnh phúc khi được làm nghề. Nhận được một vai diễn, sống với nhân vật, điều đó khiến tôi quên hết thực tại khắc nghiệt của mình”.

2. Là nói không buồn, không lo lắng vậy thôi, chứ trong thực tế có những lúc Minh Trang nhận ra mình không thể sống mãi như vậy. Người phụ nữ, dù thành công tới đâu, cũng cần có một chỗ dựa, và chị chọn con đường đoàn tụ với gia đình. Minh Trang nói, chị hoàn toàn không sắp xếp những cuộc ra đi. Chính vì thế mà việc rời Hà Nội mới kéo dài trong nhiều năm và đầy day dứt.

Từng là một ngôi sao của sân khấu kịch phía Bắc, khi Nam tiến nghĩa là chị lại lặn lội trong môi trường mới, đối diện với một thử thách khác liên quan tới giọng nói. Để hòa nhập với sân khấu miền Nam, chị học cách thể hiện chất giọng như đa số người “ở trỏng”. Nhưng sau một thời gian, chị quyết định giữ lại giọng Bắc. Và cái quyết định “liều lĩnh” đó hóa ra là đúng, bởi sau đó Minh Trang nhanh chóng xác lập vị thế của mình.

Sau vở Điều thiêng liêng nhất ở Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, khán giả miền Nam thấy mến ngay cô Kay trong Một cuộc đời bị đánh cắp, Tanhia trong Gái giang hồ quốc tế, Phồn Y trong Lôi vũ… Ngoài sân khấu ở 5B Võ Văn Tần, chị còn chiếm lĩnh nhiều chương trình sân khấu trên truyền hình, kể cả điện ảnh với Nơi bình yên chim hót, Bông lục bình, Thành phố có người, Người trong cuộc...

Minh Trang có thể diễn những vai gai góc, bi kịch hoặc nội tâm rất tốt, nhưng trên hết chị là một ngôi sao không kênh kiệu, một người nghệ sĩ có văn hóa.

Năm 1995, đúng vào lúc hòa nhịp được với sân khấu trong Nam, có nhiều vai diễn tốt thì Minh Trang quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi”, ra nước ngoài định cư...

Minh Trang tự nhận mình may mắn khi “được là Hà Mi” trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ. Thời gian, tất nhiên đã khiến chị không còn là Hà Mi tươi trẻ ngày nào, nhưng vẻ đẹp đằm thắm, phong thái lịch lãm và chất giọng Hà Nội ấm áp thì vẫn còn nguyên ở một Minh Trang khó quên trong lòng người xem.

Gần 30 năm sống ở xứ người, viên mãn với cuộc sống gia đình nhưng Minh Trang vẫn day dứt khi nghĩ về đam mê nghệ thuật. Ít ai biết rằng, cái tên Hà Mi trong vai diễn để đời được chị mang vào trong cuộc sống của mình. Cô con gái duy nhất của chị được đặt tên là Hà Mi, như để nhớ về kỷ niệm rất đẹp cho một thời Hà Mi của tôi.

Hơn bốn thập niên đã trôi qua nhưng ngọn lửa yêu nghề ở Minh Trang chưa bao giờ tắt, mà ngược lại càng được đong đầy qua năm tháng. Chị vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp, trò chuyện với các đạo diễn và không muốn bỏ sót biến chuyển trong đời sống nghệ thuật Việt Nam cùng những sản phẩm phim ảnh, nghệ thuật mới. Chính vì vậy, mỗi khi có điều kiện là chị lại cố gắng quay lại làm nghề. “Có lời mời đóng phim, nếu thu xếp được thời gian là tôi nhận lời ngay. Ông xã rất ủng hộ hoạt động nghệ thuật của vợ” - chị Minh Trang chia sẻ.

3. Nặng lòng với Hà Nội, nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi đã ghi dấu nhiều kỷ niệm của thuở ban đầu khi mới bước chân vào nghề, nên Minh Trang luôn mong muốn được trở về Hà Nội đóng phim.

Những năm gần đây, Minh Trang vẫn liên tục trở về và có mặt trong các phim: Chiều ngang qua phố cũ, Mê cung… Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, khán giả truyền hình lại gặp chị trên “Quán Thanh xuân”, nghe chị chia sẻ chân thành về những kỷ niệm vui buồn với Nhà hát Kịch Hà Nội, tổ ấm đầu tiên đã cho chị sự trưởng thành và vinh quang trên con đường nghệ thuật.

Hết lòng chăm chút cho vai diễn, đồng nghiệp vô cùng cảm phục tình yêu nghề và thái độ làm việc của Minh Trang. Chị nói: “Khi trở về Việt Nam làm phim, tôi là một con tằm nhả tơ và sống với nghề, như một mối duyên nợ. Vai chính hay vai phụ chưa bao giờ là vấn đề quá quan trọng đối với tôi. Khi trở lại cuộc sống ở Singapore, tôi cũng như bao người phụ nữ khác, sáng sáng pha cà phê cho chồng, tưới cây, đi chợ nấu ăn... Bình thường thôi nhưng tôi vui và hài lòng với cuộc sống bình yên ấy”.

Hiện Minh Trang đang tham gia dự án phim lịch sử Phượng khấu, vào vai một Hiền phi của vua Minh Mạng. Cũng là cơ duyên bởi chị là cháu gái của Mệ Bông - Nguyễn Thị Cẩm Hà (1911 - 2001), ái nữ của trưởng công chúa - con gái vua Dục Đức. Bà ngoại chị là người phụ nữ hoàng tộc nổi danh tài sắc, thạo đàn tranh, ca Huế, nấu nướng đến những lễ nghi phong tục thờ cúng trong nội cung, dòng tộc... Với Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang, chị tham gia Phượng khấu để hiểu và yêu bà ngoại của mình nhiều hơn.

So với tuổi tác, “Hà Mi” hôm nay vẫn trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật. Hy vọng những chuyến “đi để trở về” của chị sẽ vẫn còn tiếp tục, nối dài tình yêu bất tận mà chị luôn dành cho nghiệp diễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Minh Trang: Lửa nghề không bao giờ tắt