Người thanh tiếng nói cũng thanh...

Hoàng Lan| 27/02/2020 09:18

(HNMCT) - “Em Hà Nội Hàng Đường trong giọng nói/ Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ...”. Không phải vì nhà thơ Hoàng Anh Tuấn quá yêu một cô gái Hà Nội nên mới ví giọng Hà Nội nghe ngọt như vậy. Chất giọng chuẩn mực, nhẹ nhàng cùng vẻ thanh lịch trong lời nói gắn bó cùng lối ứng xử một thời từng là biểu trưng cho cốt cách “Nhất sắc, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”.

Giữa một Hà Nội đang trên đà hội nhập, nhắc về tiếng Hà Nội xưa không chỉ để nhớ mà còn để tìm câu trả lời cho một câu hỏi: Tiếng Hà Nội đã, đang, sẽ tiếp tục kết tinh vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt và phát triển trong cuộc sống đương đại thế nào?

Tiếng Hà Nội cùng cách ứng xử thanh lịch đã tạo nên dấu ấn phong cách người Hà Nội. Ảnh: Song Ngân

Qua tiếng nói thấy vẻ đẹp ứng xử

Nhà văn Chu Lai khi nói về tiếng Hà Nội đã dành những lời văn ưu ái thế này: “Giọng nói con gái Hà Nội thật nhẹ, thật chuẩn, thoáng chút giận hờn, thoáng chút tinh nghịch, thoáng chút nhõng nhẽo như chưa lớn, như vừa mới lớn, như chưa yêu lại như vừa được yêu, đang yêu, ngọt lịm, tinh khiết, như hát như ru và như... có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi”.

Còn NSND Doãn Châu lại ca ngợi sự nhẹ nhàng trong tiếng Hà Nội rằng: “Tiếng nói người Hà Nội không lên bổng, xuống trầm một quãng rộng trong một câu nói. Nếu vẽ đồ thị cho mỗi câu nói thì nếu đồ thị của câu nói là 10, người Hà Nội chỉ nói ở quãng từ 5 tới 7, mà không nói từ 2 rồi lên 9, 10 rồi lại xuống 1, 2...”.

Có được điều đó, theo GS.TS Trần Trí Dõi (Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) là bởi phụ âm xát được người Hà Nội nói nhẹ như tiếng gió thổi. Tất cả những gì “nặng” đều bị người Hà Nội bỏ qua. Âm xát s thành x, âm quặt lưỡi tr thành ch, r thành d và không có âm rung r - sự khác biệt lớn nhất trong ngữ âm Hà Nội. Vì thế giọng người Hà Nội, nhất là phụ nữ, luôn dịu nhẹ, tình cảm.

Đàn ông thì trầm ấm. Ít có sự ồn ào trong cách nói của người Hà Nội gốc. Đặc biệt là chất giọng sang quý, tròn vành rõ chữ, không luyến láy, không lên giọng cuối câu, không nhấn nhá, không kéo rê, không âm thừa... vẫn còn tồn tại đâu đó trong lòng Hà Nội, nhất là ở khu phố cổ.

Thế nhưng, chất giọng chỉ giữ một vị trí nhất định, điều gây thiện cảm nhất đối với người nghe và khiến giọng Hà Nội trở nên dễ mến chính là cách nói năng, ứng xử hợp lý của người Hà Nội trong các bối cảnh giao tiếp khác nhau. Lời nói của người Hà Nội thường rõ ràng về ý tứ, thể hiện sự tôn trọng đối với người đối thoại, đặc biệt là họ không ưa cách nói cộc lốc, thô lỗ, luôn đệm từ “dạ”, “thưa”, “vâng”... trong câu nói của mình. Con cái, phận dưới bao giờ cũng khuôn phép với cha mẹ và bậc bề trên; ra đường, sự nhường nhịn được coi là phép xử thế chủ đạo. Bằng cảm nhận chung, ai cũng thừa nhận lối ứng xử tinh tế nhờ có lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, khéo léo đã làm nên bản tính thanh lịch của người Hà Nội.

Tiếng Hà Nội hiện đại

Theo thời gian, Hà Nội giờ đã là một đô thị lớn với số dân tăng gấp nhiều lần so với vài chục năm trước. Cũng từng ấy thời gian, tiếng Hà Nội biến đổi, thích nghi để phù hợp với đời sống đương đại. Hà Nội là nơi giao lưu, thông thương và hội tụ văn hóa mọi vùng miền, cũng là nơi dung nạp tiếng nói bốn phương, ngôn ngữ vì thế mà có sự gia tăng phương tiện diễn đạt, phong phú và giàu có thêm. Trong vốn liếng ngôn ngữ của mình, người Hà Nội du nhập thêm nhiều từ mới, từ mượn của nhiều địa phương khác như: Ba (bố), mập (béo), ngộ (lạ), trái cây (hoa quả), chiên (rán), ly (cốc), coi (xem), thứ thiệt (thật), nha (nhé)...

Một cách khái quát hơn, PGS.TS Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội khẳng định: “Vòng ranh giới của tiếng Thủ đô và tiếng Việt toàn dân, tiếng Việt văn học đã gần như chồng lấp lên nhau. Theo đó, tiếng Thủ đô với sức mạnh của đô thị hóa đã và đang lan tỏa, làm mờ dần tiếng Hà Nội ven đô cũng như các thổ ngữ Hà Nội”.

Bên cạnh mặt tích cực, tốc độ đô thị hóa cùng làn sóng nhập cư nhanh đến “chóng mặt” cộng với sự thâm nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai đã tác động tiêu cực đến thói quen trong giao tiếp của người Hà Nội. Những lời chào, lời cảm ơn, câu xin lỗi, tiếng thưa gửi, dạ, vâng lễ phép với người già, lối nói nhã nhặn trong giao tiếp có biểu hiện thu hẹp trước sự lấn lướt của thứ ngôn ngữ khiếm nhã, lối học đòi nói đệm tiếng nước ngoài, nói “tiếng lóng”, nói nhại, rồi phát âm sai, thiếu chuẩn, lẫn lộn về âm... của một bộ phận không nhỏ người dân. Tiếng Hà Nội trong lề lối ứng xử khuôn thước như xưa, vì thế, cũng đang nhạt đi trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa

Nhiều người bày tỏ sự băn khoăn rằng đến một ngày nào đó Hà Nội có thể mất đi giọng chuẩn. Nỗi lo ấy có lý bởi tốc độ tiếp nhận và tiếp biến văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Để giữ tiếng Hà Nội, cũng là giữ nét đẹp văn hóa đã được khẳng định, bồi đắp qua thời gian, Thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đưa lối ứng xử thanh lịch, lời ăn tiếng nói hòa nhã, văn minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống, trong đó phải kể đến việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đưa Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô vào giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT hay tổ chức các cuộc thi về nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội..., tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Thủ đô còn nhiều việc phải làm, trên tinh thần coi việc giữ gìn tiếng nói, văn hóa ứng xử người Hà Nội là gìn giữ nguồn nội lực cho sự phát triển, cho thế hệ sau.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Biện pháp hành chính cũng chỉ là một phần, phần quan trọng là phải giáo dục ý thức cộng đồng. Cần có áp lực từ cộng đồng, xã hội để mỗi cá nhân tự điều chỉnh hành vi, nói năng lịch sự hơn. Các cơ quan chức năng cần có những quy định trong nhà trường, học sinh cần được học thêm một số môn như Hà Nội học, tham gia những buổi học ngoại khóa về người Hà Nội thanh lịch. Tiêu chuẩn gia đình văn hóa cần bổ sung thêm những điều về thuần phong mỹ tục của người Hà Nội, trong đó có ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp trong gia đình và xã hội. Tiếp đó, những quy định về văn hóa biểu diễn, nhất là với các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ cần phải cụ thể hơn bởi ảnh hưởng của họ đối với công chúng là trực tiếp, sức lan tỏa lớn và nhanh chóng. Các cơ quan báo chí góp sức bằng việc nâng cao trách nhiệm trong chuẩn hóa ngôn ngữ, thể hiện qua việc viết chuẩn chính tả, dùng từ chính xác...”.

Không hiển hiện như các di sản vật thể, nhưng từ lâu tiếng Hà Nội đã được coi là một di sản văn hóa tinh thần của người Hà Nội, cần được giữ gìn. Vì thế, câu chuyện lời ăn, tiếng nói của người Hà Nội hôm nay dù “không mất tiền mua” nhưng vẫn cần sự “lựa lời”, cần sự chung sức bồi đắp, gìn giữ của cả cộng đồng. Có như thế thì vẻ đẹp tiếng Hà Nội mới được bảo tồn và lan tỏa, góp phần vào việc nuôi dưỡng niềm tự hào về tiếng Việt cho hôm nay và mai sau.

Thứ hai là giọng của mấy bà giàu có, mấy cô vợ thầy thông, thầy phán và những người thích học làm sang. Giọng này bây giờ không còn.

Thứ ba là giọng của người thường ngụ cư trong nội vùng 36 phố phường. Tiếng nói người nơi đô hội này không pha vùng nào, tiếng rành rõ, chững chạc, khoan thai, sáng sủa. Tiếng và giọng ấy cũng là giọng chính của tiếng Hà Nội bây giờ.

Còn cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nói: "Ngôn ngữ Hà Nội có sắc thái riêng: Tiếng Hà Nội". Cái sắc thái riêng mà Trần Quốc Vượng nói đến là tiếng Hà Nội thanh thoát, dễ nghe, truyền cảm và tình cảm...".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người thanh tiếng nói cũng thanh...