Nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu  – Một bậc kỳ tài

Thu Hằng| 11/12/2019 15:59

(NSHN) – Cụ Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) là một trong những vẻ đẹp văn hóa của tri thức Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XIX. Cụ là người có công đầu tạo dựng nên cụm di tích lịch sử đền Ngọc Sơn thành một danh thắng mà đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Công trình văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội

Khách đến Thủ đô, hầu như ai cũng mong muốn đến viếng đền Ngọc Sơn, ngưỡng vọng đài Nghiên, tháp Bút…

Nằm trong không gian Hồ Gươm đầy huyền thoại, đền Ngọc Sơn, cho đến đầu thế kỷ XIX vẫn chỉ là một miếu nhỏ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vũ, vị thần tượng trưng cho sự trung - tín - lễ - nghĩa. Khoảng năm 1840, Vũ Tông Phan và bạn bè tu sửa lại thành đền và thờ thêm Văn Xương là vị thần tượng trưng cho văn chương, thi cử và đỗ đạt.

Từ một ngôi đền nhỏ vừa là nơi thờ thần, vừa là nơi ngâm vịnh thơ phú, khuyến thiện và khuyến học, khoảng năm 1862-1863, cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động tu sửa thành công trình liên hoàn “Đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc – tháp Bút – đài Nghiên”, trở thành một biểu tượng văn hóa của kẻ sĩ Bắc Hà. 

Qua 4 năm tu sửa, ngoài việc làm lại 3 nếp đền chính, cụ Siêu còn cho xây thêm tháp Bút, đài Nghiên và đình Trấn Ba. Sự kết hợp giữa quần thể đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, đăng đối, gợi nên những cảm giác chan hòa giữa con người và thiên nhiên.

Đến thăm đền Ngọc Sơn, ngay bên trái lớp cổng đầu tiên sừng sững một cây tháp bằng đá cao 28m. Đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi là tháp Bút.

Tháp Bút, theo ý tưởng của những người thiết kế, là “biểu tượng của văn vật”. Nó như một tuyên ngôn mang tính tư tưởng của giới Nho sĩ đương thời, do chán cảnh quan trường đầy tục lụy nên muốn bước qua cầu Vô Vi để về với thiên nhiên, đồng nội và con người. Ba chữ “Tả Thanh Thiên” đã nói lên một tư tưởng mênh mông hòa cùng trời đất của người trí thức Thăng Long.

Từ tháp Bút, qua cổng bảng Rồng, bảng Hổ đến lớp cổng thứ ba. Khác với hai lớp cổng ngoài, lớp cổng này có tường cao, có mái, có cửa cuốn, cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một cái nghiên đá nên cổng có tên là đài Nghiên.

Nghiên được tạc từ một tảng đá xanh hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm lòng chảo. Có ba con thiềm thừ (cóc) đội nghiên như cái chân kiềng. Đặc biệt, trên nghiên có khắc một bài minh của cụ Nguyễn Văn Siêu. 

Theo tác giả Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội”, khi mặt trời mọc, bóng ngọn bút sẽ chấm vào nghiên mực... 

Cụ Siêu cũng cho sửa sang lại chiếc cầu gỗ cong cong đưa khách hành hương vào đảo. Cầu đặt tên là Thê Húc, sơn màu đỏ tượng trưng cho hưng thịnh, khởi sắc, nơi lưu giữ và trường tồn nguyên khí thanh sạch của buổi sớm mai.

Đền Ngọc Sơn được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Cụ Siêu cho xây đình Trấn Ba, tức là đình ngăn sóng, với ý nghĩa “là trụ cột đứng vững giữa làn sóng văn hóa” (Văn bia đền Ngọc Sơn).

Đình Trấn Ba năm 1896

Cụm di tích đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba… là kết tinh tâm huyết và trí tuệ một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công khảo sát cụm di tích đền Ngọc Sơn và tìm hiểu kỹ từng biểu tượng, từng vế câu đối, từng dòng văn, từng đại tự nơi đây. Những câu chữ đó, phần lớn là của cụ Siêu, cho thấy rõ tâm tư nguyện vọng của cụ: Người trí thức chân chính giác ngộ sứ mệnh dùng văn hóa và tâm hồn cao khiết của mình để làm trụ cột cho tinh thần dân tộc.

“Thần Siêu”

Cụ Nguyễn Văn Siêu được đánh giá là một người Hà thành kiệt xuất, là một trong những vẻ đẹp văn hóa của tri thức Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XIX. 

Cụ được sinh ra trong một dòng họ khoa bảng ở làng Lủ (Kim Lũ) – một ngôi làng nằm bên bờ sông Tô Lịch, phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. 

Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, cụ Nguyễn Văn Siêu là học trò giỏi của Hoa đường Phạm Quý Thích. Năm 26 tuổi, cụ đỗ thứ hai kỳ thi Hương. Năm 39 tuổi, cụ đỗ Phó bảng và ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Cụ từng là Thị giảng học sĩ, Phó sứ triều đình Nguyễn đi sứ sang Trung Quốc làm công tác bang giao, là quan án sát ở các tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên. Vào tuổi 55 (năm 1854), nản chí trước đời sống quan trường, cụ đã cáo bệnh để xin về hưu trước tuổi. 

Cụ mở trường Phương Đình dạy học. Người mộ chữ kéo về theo học rất đông. Ngoài giờ dạy học, cụ chú tâm vào việc viết sách. Sách của cụ gồm nhiều thể loại như lịch sử, địa lý, kinh tế, nghiên cứu văn chương và thơ văn sáng tác.

Là một trí thức uyên bác, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, cụ Nguyễn Văn Siêu là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị như: “Phương Đình thi loại”, “Phương Đình văn loại”, “Phương Đình dư địa chí”, “Địa dư toàn biên”, “Chư kinh khảo ước”, “Chư sử khảo thích”, “Tứ thư bị giảng”… Sáng tác của cụ thể hiện đậm nét lòng tự hào về đất nước và dân tộc. Thơ của cụ có nhiều bài miêu tả thiên nhiên hữu tình ở Hồ Gươm, hồ Tây, sông Nhị, sông Tô, gò Đống Đa…

Sinh thời, cụ và Cao Bá Quát được coi là hai nhà Nho tiêu biểu nhất lúc bấy giờ. Người ta gọi là “Thần Siêu”, “Thánh Quát”. Tài năng đến mức vua Tự Đức phải thốt lên: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” (tài văn thơ như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì trước đời Hán không có ai). Cụ có câu nói nổi tiếng mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Có hai loại văn chương, loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Còn loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người”. 

Với tinh thần chấn hưng văn hóa, cụ đã khởi xướng công cuộc khôi phục diện mạo cố đô, tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử, cải tạo môi trường thiên nhiên. Tấm lòng của cụ với Hà Nội được người đời sau mãi mãi trân trọng khắc ghi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu  – Một bậc kỳ tài