Dòng họ Khuất ở xứ Đoài

Bùi Minh Tuệ| 16/11/2019 06:16

(HNNN) - Nằm trên vùng đất bán sơn địa của xứ Đoài, từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội (huyện Tùng Thiện, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây xưa) đã sớm trở thành một vùng quê cách mạng nhờ công gây dựng cơ sở, vận động, thuyết phục quần chúng của những người con trong dòng họ Khuất. Tiêu biểu trong số đó là nhà cách mạng Khuất Duy Tiến, nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính thành phố Hà Nội. Em gái của ông, bà Khuất Thị Bảy (sau này là phu nhân nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt) cũng là một trong ba đảng viên đầu tiên của xã Trạch Mỹ Lộc...

Miếu Thuần Mỹ.

Nhà cách mạng có tài thuyết phục

Tôi được bà Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt (tên thật là Hạ Bá Cang), nhiệt tình cung cấp những tài liệu liên quan tới người bác ruột của mình là nhà cách mạng Khuất Duy Tiến.

Dòng họ Khuất ở làng Thuần Mỹ có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Khuất Duy Tiến sinh năm 1910, là “cậu ấm” duy nhất trong một gia đình có 8 người con; thân phụ của ông - cụ Khuất Duy Tiết từng giữ chức Chánh tổng Tường Phiêu, tổng lớn nhất tỉnh Sơn Tây xưa. “Theo lời kể và những ghi chép của mẹ tôi, ông ngoại tôi là Chánh tổng nhưng rất bác ái, thương người. Tác phong gần gũi, thương dân  đã khiến cụ không được lòng quan trên và chính quyền thực dân, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sau này cụ bị mất chức Chánh tổng”, bà Nhân cho biết.

Vốn là một thanh niên thông minh, có chí tiến thủ, Khuất Duy Tiến đã sớm tìm đọc các sách báo tiến bộ của Đảng đang lưu truyền bí mật. Năm 17 tuổi, ông theo học Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Trước khi xã Trạch Mỹ Lộc có tổ chức cách mạng, Khuất Duy Tiến đã cùng bạn bè sớm tham gia các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thực dân Pháp không thể ngờ trang trại kín cổng cao tường của Chánh tổng Tường Phiêu lại là nơi nhiều bạn bè cùng chí hướng với Khuất Duy Tiến như Trường Chinh, Trần Huy Liệu... thường xuyên lui tới.

Với chủ trương hoạt động công khai, năm 1938 Đảng Cộng sản Đông Dương cử Khuất Duy Tiến ra tranh cử Nghị viện thành phố Hà Nội. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn sau khi cụ Tiết bị mất chức Chánh tổng nhưng gia đình đã thu vén bán ruộng vườn để có một khoản tiền giúp ông tham gia tranh cử. Khuất Duy Tiến đã trúng cử với số phiếu cao nhưng “đánh hơi” thấy mầm họa, thực dân Pháp đã hủy bỏ kết quả bầu cử và đưa ông về quản thúc tại quê nhà.

Trong thời gian Khuất Duy Tiến bị quản thúc ở làng Thuần Mỹ, nhờ ảnh hưởng của ông mà các tài liệu, sách báo của Đảng đã đến với thanh niên yêu nước trong làng xã. Đầu năm 1940, tổ chức Thanh niên Phản đế xã Trạch Mỹ Lộc được thành lập, ban đầu chỉ gồm những người ruột thịt trong gia đình Khuất Duy Tiến như Khuất Thị Thuân, Khuất Thị Bảy, Khuất Thị Quyên... Đến tháng 1-1941, toàn xã đã có hơn 100 đoàn viên Thanh niên Phản đế Đông Dương. Từ đây, phong trào cách mạng của xã ngày càng phát triển, lan rộng sang các địa phương khác.

Trong ký ức của người thân, nhà cách mạng Khuất Duy Tiến là một người có tâm, có tài vận động, thu hút quần chúng. Do ảnh hưởng từ chí hướng tiến bộ của Khuất Duy Tiến nên cụ thân sinh Khuất Duy Tiết và những người chị, người em của ông đã lần lượt giác ngộ và tham gia cách mạng như các bà Khuất Thị Kiển, Khuất Thị Tuyện, Khuất Thị Hường, Khuất Thị Thuân, Khuất Thị Bảy (phu nhân đồng chí Hoàng Quốc Việt), Khuất Thị Quyên (phu nhân đồng chí Lê Hiến Mai).

Kể về “cơ duyên” để nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt trở thành con rể họ Khuất, bà Nhân cho biết: Trong thời gian hai nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt và Khuất Duy Tiến là bạn tù với nhau ở Côn Đảo, một hôm Hoàng Quốc Việt thấy Khuất Duy Tiến giữ tấm ảnh chân dung bà cụ thân sinh. Nhìn ảnh, Hoàng Quốc Việt thốt lên: “Ôi, bà cụ đẹp, phúc hậu quá!”. Khuất Duy Tiến liền nói: “Nhà tớ có mấy cô em đều xinh gái giống mẹ. Khi nào về tớ sẽ gả cho cậu một đứa” rồi cười: “Phải xem có đứa nào giác ngộ cách mạng thì mới gả cho cậu được!”.

Câu đùa tếu táo ấy đã thành hiện thực và Khuất Duy Tiến chính là “cầu nối” để người bạn tù, người đồng chí của mình trở thành em rể. Ở Côn Đảo về, mặc dù bị quản thúc nhưng Hoàng Quốc Việt vẫn lui tới làng Thuần Mỹ, gặp gỡ, bàn chuyện cách mạng với Khuất Duy Tiến, và rồi ông đã bén duyên với người con thứ 7 của gia đình họ Khuất. 9 năm sau, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã kết hôn với bà Khuất Thị Bảy.

“16 tuổi, mẹ tôi đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương và khi ba tôi thường xuyên tới nhà để bàn việc nước với anh trai của bà thì bà vẫn gọi là “anh già” hoặc “thượng cấp”, bởi mẹ tôi kém ba tôi tới 18 tuổi”, bà Nhân cho biết.

Trở thành rể họ Khuất, mối quan hệ giữa Hoàng Quốc Việt và Khuất Duy Tiến càng trở nên thân tình, gắn bó, bởi họ vừa là đồng chí cùng hoạt động cách mạng, vừa là anh em trong một gia đình.

Có một “Tuần lễ vàng”  trong dòng tộc

đường làng ngõ xóm xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) hôm nay. Ảnh: Bá Hoạt

Miếu làng Thuần Mỹ đã trở thành Nhà truyền thống và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1995. Những năm 1936 - 1946, nơi đây từng là cơ sở hoạt động của nhà cách mạng Khuất Duy Tiến và nhiều cán bộ tiền bối của Trung ương như: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai...

Tại nhà truyền thống, trong số 9 người được vinh danh “Có công với nước” thì dòng họ Khuất có tới 8 người. Nơi đây hiện lưu giữ kỷ vật là chiếc vali mây đựng tài liệu của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trong thời kỳ công tác ở đây vào năm 1946, cùng tấm ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi tặng gia đình ông Khuất Duy Tri ngày 30-7-1954, phía sau có dòng chữ: “Ở nhà anh hơn một năm, tôi không thể quên ông cụ và bà cụ. Tôi xin gửi đến anh bức ảnh này để tỏ lòng biết ơn và tình thân mến của tôi”. “Ông cụ” mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhắc đến là cụ Khuất Duy Huyên, bố đẻ của ông Khuất Duy Tri. Ông Tri  sau này là Thư ký của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Qua những tư liệu, kỷ vật của dòng họ Khuất, chúng tôi được biết một chi tiết thú vị. Trong Tuần lễ vàng tháng 9-1945, ngay sau ngày nước nhà giành được độc lập, dòng họ Khuất ở Trạch Mỹ Lộc đã có những đóng góp quan trọng.

Bà Hạ Chí Nhân kể: “Trong Tuần lễ vàng, thật ngẫu nhiên, ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, cả 3 người ruột thịt trong gia đình tôi gồm bác tôi (Khuất Duy Tiến), bố tôi (Hoàng Quốc Việt), mẹ tôi (Khuất Thị Bảy) đều có mặt trong cuộc vận động giới tư sản tham gia”.

Ở Hà Nội, ông Khuất Duy Tiến giữ vai trò chính trong việc vận động giới doanh nhân Hà thành ủng hộ cách mạng, trong đó có gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Ở Huế, sau khi cùng phái đoàn ông Trần Huy Liệu vào dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại, bà Khuất Thị Bảy đã làm công tác “triều đình vận”, thuyết phục vua Bảo Đại ra Hà Nội làm Cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận động Nam Phương Hoàng hậu đứng ra khai mạc Tuần lễ vàng ở Huế. Trong khi ấy, ông Hoàng Quốc Việt được Trung ương giao chủ trì phát động Tuần lễ vàng ở Nam Bộ. Tuần lễ vàng đã thành công rực rỡ, với kết quả cả nước quyên góp được hơn 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương.

Cùng thời điểm đó, ở làng Thuần Mỹ, một gia đình họ Khuất khác cũng đang âm thầm đóng góp công sức giúp đồng chí Tôn Đức Thắng thực hiện một nhiệm vụ bí mật quan trọng: Chế tác số vàng quyên góp được thành những thỏi vàng để mua vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Ông Khuất Duy Tri kể lại: “Ở quê khi đó không hề có một tiệm vàng nào, do đó việc đúc vàng được làm một cách hết sức bí mật tại gia đình tôi. Số vàng thỏi được đúc bằng những dụng cụ thô sơ và cất giấu dưới một căn hầm bí mật ngay dưới giường nằm, sau đó được Chính phủ sử dụng mua vũ khí, máy móc hoặc chuyển vào Nam. Nhân dân Thuần Mỹ và dòng họ Khuất đã bảo vệ, giúp đỡ đồng chí Tôn Đức Thắng hoàn thành sứ mệnh lịch sử lo toan tài chính cho nước Việt Nam mới”.

Ông Tri cũng cho biết thêm, cán bộ của Viện Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã về làng Thuần Mỹ sưu tầm kỷ vật của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng và họ đã thu thập được những dụng cụ chế tác vàng trong thời kỳ đồng chí Tôn Đức Thắng hoạt động ở địa phương, trong đó có các lọ sứ, bễ thổi lửa, chum đựng a-xít...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng họ Khuất ở xứ Đoài