“Chất Yên Thao”!

Thu Hằng| 24/10/2019 13:21

(HNMCT) - Nhà thơ, nhà báo Yên Thao có lẽ là “cựu thần” duy nhất còn lại của thế hệ người làm báo Hànộimới đầu tiên. Sắp bước sang tuổi 93 nhưng những vần thơ và câu chuyện ông kể vẫn dí dỏm, hài hước, đúng "chất Yên Thao"!

 30 năm là “Người xây dựng”

Trong ký ức của nhiều người, nhà thơ, nhà báo Yên Thao (tên thật là Nguyễn Bảo Thịnh) là một con người vạm vỡ, lúc nào cũng vui vẻ, hài hước, lúc nào cũng tỉ mỉ “gọt” những bài thơ châm biếm và “xuất bản miệng” khá nhiều thơ vui.

Là một “cựu thần” của báo Hànộimới, ông chia sẻ những cảm xúc vẫn tươi mới như thuở ban đầu: “Tôi là một trong những người đầu tiên về công tác ở báo Thủ đô, cơ quan của Thành ủy Hà Nội. Lúc này, giữa năm 1957, là thời kỳ đang tìm người cho tòa soạn cũng như lo cơ sở vật chất cho tờ báo. Tôi từ Sở Lương thực sang nên lãnh đạo báo phân công tôi làm phóng viên ban Thương nghiệp, phụ trách chuyên mục “Sổ tay người tiêu thụ” - ông Yên Thao nhớ lại.

Nhà báo Yên Thao - người “thổi hồn” cho chuyên mục "Mỗi ngày một chuyện".

Gắn bó với báo Thủ đô, rồi Thủ đô Hà Nội và nay là Hànộimới suốt 34 năm, từ buổi đầu đến khi nghỉ hưu (tháng 7-1991), nhà báo Yên Thao là người “giữ gôn” cho chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện”. Đây là “đặc sản” truyền thống của báo tồn tại từ khi xuất bản số đầu tiên đến tận bây giờ. Nói về mối duyên nợ này, ông cho biết: “Ban đầu, mục “Mỗi ngày một chuyện” vừa phê bình, vừa biểu dương, được hầu hết bạn đọc yêu thích và đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm theo dõi. Mỗi bài viết đều được Bác đọc, khoanh bằng bút đỏ, cắt gửi cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời công luận.

Theo ý kiến Bác, mục này chỉ nên để phê bình, báo mở thêm mục “Người tốt việc tốt” để biểu dương. Ngày ấy, lãnh đạo cơ quan thấy tôi có khiếu viết tiểu phẩm nên đã giao hẳn cho tôi. Bài vở ngày nào cũng phải có, lại còn đề phòng khi bài đưa duyệt bị “đổ” thì lập tức có bài dự trữ để thay thế. Khi ở ban Thương nghiệp, rồi sang ban Bạn đọc cũng như khi làm Trưởng ban Văn xã tôi cứ phải “ôm” mục này, bận như con mọn. Đã có lúc tôi muốn xin thôi nhưng rồi người viết mới không quen nên tôi phải è cổ ra gánh cho đến khi cầm sổ hưu. Tính ra có đến trên dưới 30 năm tôi là “Người xây dựng” của báo”.

Ông bảo, mục “Mỗi ngày một chuyện” quan trọng là phải viết làm sao cho cô đọng nhưng phải “hoạt” và “hóm”. Mục này cũng rất nhạy cảm vì nói quá một chút có thể bị “thổi còi”, còn nếu rụt lại thì sợ không tới. Tên tác giả thì phải “hy sinh” dưới cái bút danh rất chung là “Người xây dựng”.

Là một nhà báo tâm huyết và trách nhiệm, ông luôn quan sát cuộc sống bằng con mắt của một nhà phê bình sâu sắc. Bất cứ một việc nhỏ nào, dù nghiêm túc đến đâu thì óc trào phúng của ông cũng nghĩ ngay đến khía cạnh phê phán bằng tiếng cười châm biếm. Bài viết có thể dùng văn xuôi, có thể dùng văn vần (thơ) hoặc dùng văn xuôi nhưng có thêm văn vần để điểm xuyết. Ông bảo: “Sức nặng của mục này và sự “ăn nhau” của mục này có khi nằm ở sau mấy từ “Vậy có thơ rằng...” đấy!”.

Với nếp nghĩ dí dỏm, giọng điệu hài hước, sành chơi chữ, những tiểu phẩm, thơ châm của ông khiến người đọc phá lên cười đột ngột nhưng khoái trá. Nhiều câu thơ trào phúng của ông lan truyền trong xã hội như: “Thanh tra, thanh mẹ cái gì/ Cứ có phong bì là thành Thanh kiu”. Hay câu: “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài/ Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo”…

Có thể nói ông là “linh hồn” của chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện”. Những bài báo của ông luôn khiến bạn đọc và ngay cả các phóng viên của báo cũng háo hức chờ đợi. Khi tạm “đổi tay”, người mới viết không quen, thành thử đọc nhạt, đến nỗi lãnh đạo báo phải kêu lên: “Mỗi ngày một chuyện thế này thì phải đổi tên mục là... Mỗi ngày một tệ”. Thế là nhà báo Yên Thao lại phải “gánh”.

Cây bút trào phúng

Ngoài tài viết tiểu phẩm, nhà báo Yên Thao còn có sở trường làm thơ châm biếm, trào phúng, được ký với bút danh Cử Yên. Thơ của ông dí dỏm mà tinh đời, thường châm chĩa vào những thói hư tật xấu, sự lố lăng kệch cỡm của xã hội. 

Nhà báo Yên Thao luôn chộp bắt những thói hư, tật xấu ngoài xã hội, ứng tác kịp thời nhằm uốn nắn tiêu cực, chống để xây, xây để chống. Theo ông, làm trào phúng phải biết chơi chữ thế nào cho hóm. Chữ chơi phải có duyên mới gây được cười.

Yên Thao phê phán thói cờ bạc: “Cờ bạc là bác thằng Bần/ Biết rồi khổ lắm! Khỏi cần nhắc nhau/ “Biết rồi” song có biết đâu/ Hy vọng vào cầu lại hóa ra đê”. Đi du lịch bị “chặt chém”, lập tức ông “sản xuất” ngay mấy câu đặc sệt chất Bút Tre: “Không đi không biết Tam Đao (Tam Đảo)/ Đi thì không biết chỗ nào mà ngu (ngủ)/ Một giường nhét đủ hai cu (cụ)/ Đêm nằm tính toán đến chu (chủ) nhật về”.

Để trêu chọc cái tinh thần thi đấu của thể dục thể thao nước nhà, vì không giành được thành tích nên lúc nào những người trong cuộc cũng nhấn mạnh “đi là để thử sức, để học tập”, Yên Thao liền cho “ra lò” mấy câu rất vui: “A-si-át... A-si-a/ Ta phá kỷ lục của ta thì tài/ Mang quân thi đấu nước ngoài/ Thắm tình hữu nghị... gặp ai cũng nhường”.

Ông có thể “nảy” ra tiếng cười ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào: “Về hưu mà chẳng làm thêm/ Thế nào cũng mắc chứng viêm túi quần/ Kèm theo nhồi máu cơ chân/ Xếp hàng chờ đợi đến lần lĩnh lương”.

Không yêu đời, không trẻ trung làm sao làm được thơ trào phúng!

Nhà thơ Yên Thao ý thức rằng mình làm thơ trào phúng cốt góp một tiếng cười, mong để con người sống tốt hơn, văn minh hơn. Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập Câu lạc bộ Thơ trào phúng Hà Nội (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội) và một thời gian dài là Chủ nhiệm. Câu lạc bộ từng có tác phẩm đoạt nhiều giải A về đề tài nếp sống mới, sinh đẻ có kế hoạch ở Thủ đô.

Nhà thơ trữ tình

Là người vui tính, hài hước, chuyên làm thơ trào phúng nhưng mấy ai biết rằng, thực ra Yên Thao là nhà thơ trữ tình thứ thiệt.

Năm 1946, chàng trai Nguyễn Bảo Thịnh lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này ông bắt đầu sáng tác thơ, những bài thơ lãng mạn trong chiến tranh và được văn đàn biết đến. Tiêu biểu trong số đó là Nhà tôi: “Này, anh đồng chí/ Người bạn pháo binh!.../ Anh rót cho khéo nhé/ Kẻo lại nhầm nhà tôi!/ Nhà tôi ở cuối thôn Đồi/ Có giàn thiên lý, có người tôi thương”… Ra đời năm 1949, cùng thời với Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Đôi mắt người Sơn Tây, Tây Tiến (Quang Dũng)..., Nhà tôi được đông đảo anh em chiến sĩ thuộc và nhanh chóng được phổ biến cả trong giới sinh viên, thanh niên ở thành thị, thậm chí cả người bên kia chiến tuyến cũng ngâm nga. Những vần thơ chứa đựng tâm tình của người lính xa nhà, hòa quyện giữa lòng yêu nước nồng nàn với tình cảm nhớ nhung, tha thiết... Bài thơ sau này được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát Chuyện giàn thiên lý càng được yêu thích, phổ biến rộng hơn.

Nhà thơ Yên Thao làm thơ trữ tình không nhiều, chỉ một tập thơ Thép Son ngót 30 bài (in năm 1950) do Nhà xuất bản Vệ Quốc Quân xuất bản. Năm 2000 ông in tập Yên Thao - Thơ được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng lớn.

Nổi tiếng là thế nhưng Yên Thao gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam rất muộn, mãi đến năm 2002, tức là khi ông đã 75 tuổi.

Hóm hỉnh, đa tình nhưng ông vẫn giữ lòng chung thủy với người vợ tào khang đã giúp ông nuôi dạy các con nên người. Trong bài Thương gửi Phú, vợ tôi kỷ niệm 36 năm ngày cưới (1989), ông viết những vần thơ chứa chan: “Thương cả khi yêu cùng lúc giận/ Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện làm ăn/ Anh thì thơ thẩn toàn mơ mộng/ Vun vén tay em khéo tảo tần/ Chẳng dám nói khoe mình hạnh phúc/ Ba sáu năm qua vẫn thuở nào…/ Chứa chan tình hỏi hai màu tóc/ Chan chứa tình em vẫn ngọt ngào”(“chứa chan” còn có nghĩa trào phúng là “chán chưa?”).

Nhắc đến bà, dù chân đau không đi lại được nhưng ánh mắt của ông vẫn vui vì biết rằng chỉ cách vài bước chân là có người phụ nữ đã cùng ông chia ngọt sẻ bùi.

Bây giờ, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng bất kỳ ai được gặp Yên Thao đều nhận thấy sức cuốn hút của ông vẫn thật kỳ lạ, giản dị, dễ gần, trẻ trung trong suy nghĩ và nói chuyện rất duyên, rất hóm, vẫn đúng “chất Yên Thao”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chất Yên Thao”!