Góp phần cảm hóa người lầm lỡ

Minh Ngọc| 29/09/2019 07:20

(HNM) - Bằng tấm chân tình của người thầy thuốc, hằng ngày, y sĩ Trần Trung Hiếu (sinh năm 1980) - cán bộ Phòng Y tế phục hồi sức khỏe, Cơ sở Cai nghiện ma túy số I, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) luôn ân cần chăm sóc, điều trị cho học viên cai nghiện ma túy. Không chỉ vậy, anh còn quan tâm, động viên, chia sẻ với họ như người thân trong gia đình. Cứ thế, từ những việc làm giản dị, y sĩ Trần Trung Hiếu đã góp phần cảm hóa không ít mảnh đời từng lầm lỡ để đưa họ về hòa nhập với cuộc sống đời thường...

“Ba cùng” với học viên

Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số I, Phòng Y tế phục hồi sức khỏe được bố trí ở khu vực điều trị cai nghiện. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trực 24/24 giờ nhằm hỗ trợ điều trị cắt cơn cho học viên trong giai đoạn đầu mới vào và điều trị phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần cho học viên trong suốt quá trình cai nghiện. Việc cùng ăn, ở, sinh hoạt với học viên giúp y sĩ Trần Trung Hiếu hiểu rõ bệnh, hoàn cảnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng.

Y sĩ Trần Trung Hiếu khám sức khỏe cho học viên điều trị cai nghiện ma túy. Ảnh: Hà Hiền

Y sĩ Hiếu kể, học viên Trần Viết N. (sinh năm 1963), ở buồng bệnh số 2 vào điều trị cai nghiện từ cuối tháng 5-2019 trong tình trạng sức khỏe suy yếu, do sử dụng ma túy lâu năm và bị bệnh tiểu đường. Thời gian đầu, ông N. chỉ nặng khoảng 40kg, thường xuyên mất ngủ, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi... Với học viên này, y sĩ Hiếu vừa tiến hành điều trị cắt cơn, trị bệnh tiểu đường, vừa nhẹ nhàng trò chuyện giúp cân bằng cảm xúc. “Khi biết học viên N. đã có cháu nội, ngoại, tôi thường kể cho ông nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, về những trường hợp cai nghiện thành công. Tôi cũng giúp ông N. kết nối với gia đình ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) với hy vọng ông sẽ vì người thân mà thay đổi”, y sĩ Trần Trung Hiếu cho biết.

Nhận được sự quan tâm, chăm sóc ân cần từ y sĩ Trần Trung Hiếu và đội ngũ cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy số I, sức khỏe của học viên N. dần cải thiện. “Hiện tại, tôi ăn ngon, ngủ sâu, ít nghĩ đến ma túy. Tôi sẽ kiên trì điều trị để sớm trở về với gia đình”, ông N. tâm sự.

Không riêng học viên N. mà các học viên khác đều được y sĩ Hiếu săn sóc tận tình. Không chỉ gần gũi với học viên bằng tấm lòng của người lương y, anh Hiếu còn cùng đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên trang bị cho họ kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh. Những người trẻ tuổi còn được tư vấn về chọn nghề… Nhờ đó, sau thời gian điều trị cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số I, một số học viên trẻ có đủ bản lĩnh, niềm tin để hòa nhập cộng đồng. Điển hình là hai anh em song sinh Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1992) trú tại xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã có việc làm, thu nhập ổn định; anh Đỗ Đại Dương (quận Hoàn Kiếm) không còn bị rối loạn hành vi, hiện sống vui vẻ bên gia đình, người thân…

Từ công tác chuyên môn, y sĩ Trần Trung Hiếu đã có sáng kiến hỗ trợ điều trị cai nghiện bằng phương pháp tắm các loại nước lá có chứa tinh dầu như sả, chanh, bưởi, bạc hà, hương nhu… Từ đó, anh đề xuất với Ban Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số I mở rộng diện tích trồng cây thuốc nam tại đơn vị để lấy lá nấu nước cho học viên tắm. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Tú Long, Trưởng phòng Y tế phục hồi sức khỏe đánh giá: “Tắm nước lá giúp học viên cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái hơn, nên hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy có sự chuyển biến tích cực”.

Những nỗi niềm trăn trở

Hiện Cơ sở Cai nghiện ma túy số I quản lý, điều trị cho hơn 300 học viên, trong đó số học viên từng có tiền án, tiền sự chiếm hơn 70%, số người có HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác chiếm hơn 30%. Đại đa số học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp, khi mới vào điều trị cai nghiện thường có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc, tâm lý… Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng y sĩ Trần Trung Hiếu không lo lắng. Vấn đề khiến anh băn khoăn là số người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa; tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng lên. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra phác đồ điều trị cai nghiện ma túy theo hướng khoa học, hiệu quả; con đường trở về của những người từng sử dụng ma túy còn nhiều gian nan…

“Tôi đã chứng kiến nhiều học viên không có người thân lên thăm hỏi, động viên trong suốt quá trình cai nghiện. Thậm chí, khi hết thời gian điều trị, một số học viên vẫn không có người thân đón về. Đối với họ, cảm giác người thân không còn cần đến mình đáng sợ hơn sự xa lánh, kỳ thị của cộng đồng. Đó cũng là lý do khiến một số người tái nghiện nhiều lần”, y sĩ Hiếu trăn trở.

Y sĩ Trần Trung Hiếu mong muốn các gia đình hãy nhân lên niềm tin vào những điều tốt đẹp cho họ bằng cách động viên, khích lệ họ cố gắng; cộng đồng tiếp tục rộng mở hơn nữa vòng tay, đối xử với họ bằng thái độ cởi mở, tin tưởng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thêm nhiều hơn chính sách hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng bằng những chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm phù hợp.

Nói về người cán bộ mẫn cán, ông Nguyễn Ái Học, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số I tự hào: Lối sống đẹp, việc làm nhân văn của y sĩ Hiếu đã góp phần cảm hóa không ít người từng sa chân vào con đường lầm lỡ; đồng thời góp phần tạo nên môi trường làm việc văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp tại Cơ sở. Cá nhân y sĩ Trần Trung Hiếu vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần cảm hóa người lầm lỡ