Nhạc sĩ Huy Du và “Sẽ về Thủ đô”

Thu Hằng| 26/09/2019 09:46

(NSHN) – Ngày 10-10-1954 đã trở thành mốc son trong lịch sử Thủ đô oai hùng. Thành phố trong mùa thu mới của độc lập tự do, tưng bừng cờ hoa sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.

Hà Nội – nỗi nhớ khôn nguôi

Những ngày thu lịch sử này, được nghe ca khúc “Sẽ về Thủ đô” của cố nhạc sĩ Huy Du, nhiều người Hà Nội lại rưng rưng bao niềm xúc động.  

 “Ai về thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó
Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà
Đi học về qua luôn hát vui ca
Đây Hồ Hoàn Gươm bên nhịp cầu hồng
Khi chiều dần buông tôi hay qua đó
Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài
Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi”

Theo nhạc sĩ Huy Du, ca khúc “Sẽ về Thủ đô” ra đời năm 1948 tại mảnh đất Liên khu Ba. Hà Nội khi đó đang tạm bị giặc chiếm. Sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946 của Bác Hồ, tạm biệt Hà Nội đang rừng rực cháy, những người con Hà Nội lần lượt rời Thủ đô lên chiến khu, với mục đích bảo toàn và xây dựng lực lượng cách mạng. 

Lời ca trong “Sẽ về Thủ đô” là những cảm xúc thật đẹp, tươi rói trong hoài niệm với những cảnh sắc bình dị, nên thơ và hết sức thân thương. Phải là người Hà Nội mới nhớ Hà Nội đến thế!

“Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường
Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương
Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù
Năm cửa ô reo bước quân ca vang”…

Điệp khúc giàu chất tráng ca say lòng người này có lẽ là lời tâm huyết của những chiến sĩ Trung đoàn Thăng Long gửi gắm Thủ đô khi buộc phải xa đô thành và lòng thầm hẹn sẽ trở về giải phóng Thủ đô yêu dấu.

Bài hát gợi nhớ một thời lớp người Hà Nội hào hoa xếp bút nghiên đi kháng chiến. Một chút lãng tử: "Cất bước ra đi chiều năm xưa/ Dặm dài kháng chiến quên ngày về". Thế rồi, khi mà "bụi đường trường chinh pha mái tóc", lúc đó chất lãng tử năm xưa đã chuyển sang sự lạc quan, dưới cái nhìn biện chứng của người trong cuộc: "Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa"...

Sinh thời, nhạc sĩ Huy Du từng tâm sự: “Mình không sinh ra ở Hà Nội, quê mình ở Bắc Ninh, nhưng mình đã sống ở Hà Nội từ lúc 2 tuổi và lớn lên trên những con phố yên ả còn nhiều dáng dấp quê. Rồi những ngôi trường mái ngói, rồi những viên bi óng sánh xanh lam, những đêm hè đuổi bắt ve quanh núi Nùng Bách Thảo… Từng ngày, từng ngày mình lớn lên cùng với mảnh tường, ngõ phố, nhịp cầu. Hà Nội từ lúc nào đã trở nên sâu nặng, là phần hồn của mình”…

Tình yêu Thủ đô mãnh liệt, cháy bỏng, dù gian khổ của thời kỳ "phòng ngự", nhưng những người lính Hà Nội vẫn quyết tâm kháng chiến thắng lợi để mong một ngày gần nhất “Sẽ về Thủ đô”, như Huy Du chia sẻ: “Ngày ấy, chúng mình là lính Hà Nội... Hát với nhau để nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội và rồi đánh nhau cũng phải cho ra người Hà Nội”. 

Và lời thề son sắt năm xưa đã trở thành sự thực. Ngày 10-10-1954, nhạc sĩ Huy Du và những người con của Thủ đô yêu quý đã có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội giữa rừng cờ hoa tưng bừng chào đón.

Người thắp lửa bằng những ca khúc âm vang

Nhạc sĩ Huy Du (1926-2007) là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. 

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, từ bé Huy Du đã say mê âm nhạc nhưng không có điều kiện theo học các lớp chính quy mà phải tự học qua sách vở, bạn bè. Sự nghiệp âm nhạc của Huy Du bắt đầu từ chiếc kèn acmonica và cây đàn violon mua bằng tiền tiết kiệm.

Học xong thành chung năm 1944, Huy Du gia nhập Thanh niên cứu quốc. Trong cách mạng Tháng Tám, Huy Du tham gia tổng khởi nghĩa cướp trại bảo an binh ở Hà Nội, là đội viên tuyên truyền vũ trang. Những ngày này, nhạc sĩ tương lai được tắm mình trong không khí sôi sục của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Huy Du bước vào cuộc đời của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Rồi một đêm mùa đông giá buốt năm 1946, Trung đoàn Thủ đô mà ông là một trong những chiến sĩ đầu tiên, được lệnh rời Hà Nội ra đi, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ…

Trong kháng chiến, Huy Du sáng tác để động viên đồng đội xốc tới. Các ca khúc của ông đều cất lên từ cuộc sống chiến đấu và ước nguyện của người chiến sĩ. Ông đã chọn sáng tác là vũ khí để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân và đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp âm nhạc của mình.

Từ một chiến sĩ yêu âm nhạc, tài năng chớm nở trong kháng chiến chống Pháp, được đào tạo, bồi dưỡng đã phát triển rực rỡ trong kháng chiến chống Mỹ, Huy Du trở thành một nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng. Âm nhạc của ông đã nâng bước chân chiến sĩ, truyền sức mạnh cho họ trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Dường như Huy Du đã viết không biết mệt mỏi qua từng sự kiện, theo từng bước chân người lính ở khắp các chiến trường. Ông đã có mặt ở đường 9 Khe Sanh, trên những nẻo đường Trường Sơn, cùng người chiến sĩ hành quân ra trận, đến với hải đảo xa xôi để có những ca khúc để đời như: "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Đường ra mặt trận", "Nổi lửa lên em", "Đường chúng ta đi". "Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi"... Những nhạc phẩm hoành tráng mà tha thiết, lấp lánh khúc khải hoàn của ông đã thắp lửa tin yêu và khát vọng cho hàng triệu con tim yêu nước vững tin chiến đấu giành độc lập.

Theo thời gian, dường như sức sống các tác phẩm của ông càng mạnh mẽ, càng phát huy tác dụng trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ công chúng.

Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Huy Du đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Huy Du và “Sẽ về Thủ đô”