Người khơi mạch đổi thay của Quảng Hội

Đỗ Minh| 15/09/2019 06:56

(HNM) - Người dân thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) coi cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học là người khơi mạch cho sự đổi thay của quê hương. Nhiều năm qua, ông đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu và phục dựng lại hương ước làng. Bên cạnh đó, cựu chiến binh Ngô Văn Học còn đồng hành, góp sức cùng chính quyền trong nhiều phong trào như: Dồn điền đổi thửa, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nông thôn mới, làng quê văn minh…

Phục dựng nét đẹp văn hóa truyền thống

Đến thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) hỏi thăm cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học, người dân đều hồ hởi nhắc tới ông với tình cảm trìu mến, xen lẫn niềm tự hào.

Ông Ngô Văn Học (đeo kính) trao đổi với Chủ nhiệm Hợp tác xã Quảng Hội về phương pháp tuyên truyền trong thôn để thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện đầu tiên, Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hội (xã Quang Tiến) Nguyễn Kim Hùng chia sẻ với chúng tôi về ông Ngô Văn Học là chuyện trong buổi “ăn giỗ” của dòng họ trong những ngày đầu mới về hưu tại quê nhà. Lúc đó, ông Học đã mạnh dạn đề nghị người dân “xóa” tập tục đi ăn giỗ mang phong bì, tổ chức ăn uống linh đình, lãng phí. “Nói “mạnh dạn” là bởi cỗ làng, cỗ thôn, cỗ họ, các cụ lớn tuổi có cả, để bỏ qua cái hủ tục đó cũng phải nói ý nhị, nhẹ nhàng… không các cụ tự ái. Chưa kể, sau bữa cỗ đó, không ít người trong thôn bàn ra, tán vào: Nào là ông Học từng giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Quân khu 1, có chức vụ nên quan cách, về quê hương còn chỉ đạo, ra lệnh. Nào là… Nhưng có lẽ với cách chia sẻ, phân tích dung dị, thấu đáo, rồi qua nhiều lần kiên trì vận động, hủ tục này đã được xóa bỏ, trước hết trong dòng họ, sau đó lan rộng ra thôn, xã…” - Bí thư chi bộ Nguyễn Kim Hùng cho hay.

Chia sẻ về điều này, ông Ngô Văn Học nói: “Làng quê còn nghèo, còn khó khăn, cỗ bàn, phong bì đáp qua, trả lại, câu nệ quá! Xưa các cụ nói “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” là nói đến sự quan tâm, chia sẻ, chứ đâu thể hiện qua mâm cao cỗ đầy”.

Rũ bỏ hủ tục đó, ông Ngô Văn Học cùng với mọi người trong dòng họ Ngô thành lập quỹ khuyến học. Mấy năm liên tiếp, tỷ lệ học sinh giỏi và thi đỗ đại học của dòng họ này luôn cao nhất làng nên nhiều người rất phấn khởi. Sau đó, tại Đại hội Đảng bộ xã Quang Tiến lần thứ 19, nhiệm kỳ 2010-2015, với tư cách đại biểu chính thức, người cựu chiến binh ấy có nhiều cơ hội để đấu tranh, giải quyết dứt điểm nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã như thanh niên cờ bạc, rượu chè, gây rối trật tự…

Tuy nhiên, với ông Ngô Văn Học, niềm vui lớn nhất chính là việc tìm hiểu rồi ghi chép, phục dựng lại những nét đẹp truyền thống của người dân thôn Quảng Hội. Theo ông Học, năm 1960 người dân bàn giao đất để Nhà nước xây dựng nhà ga T1 của sân bay quốc tế Nội Bài, rồi đến Quảng Hội sinh sống. Trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiều tập tục, nét đẹp văn hóa của quê hương bị mai một, lãng quên… Điều đó khiến ông Học quyết tâm viết sử cho quê hương. Qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã hoàn thành 2 cuốn “Sử ký Quảng Hội” và “Hương ước làng Quảng Hội”. Hai cuốn sách được phát hành tới từng hộ gia đình và những người con xa quê để họ hiểu hơn về quê hương mình.

Không dừng lại ở đó, ông Học còn tham gia viết kịch bản và đạo diễn chương trình lễ hội làng Quảng Hội, góp phần phục dựng những nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng quê có từ hơn 300 năm. Vì thế, bà con quý mến, tôn trọng ông trong vai trò người khơi mạch cho sự thay đổi trong đời sống văn hóa làng quê. “Công việc đó của ông Ngô Văn Học mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng lúc nào ông ấy cũng cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. Cuốn “Sử ký Quảng Hội” ra mắt, được Đảng ủy xã Quang Tiến và Huyện ủy Sóc Sơn đánh giá cao, thưởng cho tác giả 3 triệu đồng, nhưng ông ấy đã dành toàn bộ số tiền đó góp cho dân làng tổ chức lễ hội…” - Trưởng thôn Quảng Hội Nguyễn Văn Chuyển bày tỏ.

Chiến sĩ trên mặt trận đổi mới của địa phương

Không chỉ bài trừ hủ tục, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dòng họ, thôn xóm, ông Ngô Văn Học còn được biết đến như một chiến sĩ trong các phong trào: Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới… Người dân xã Quang Tiến vẫn nhớ như in hình ảnh ông Học lọ mọ đến từng nhà dân giải thích, tuyên truyền về chương trình dồn điền đổi thửa của thành phố. Ông Ngô Văn Học nói: “Tấc đất vốn là tấc vàng, người dân bám ruộng, theo đồng đất mà cày cấy, sinh nhai rồi lớn lên. Giờ để họ thay đổi tập quán từ bao đời, cần có hướng tuyên truyền. Do đó, tôi tập trung nghiên cứu, phân tích những khó khăn, vướng mắc, những thuận lợi, lợi ích của chương trình, từ đó góp ý với chính quyền, vận động nhân dân và được người dân tin tưởng, ủng hộ”.

Để góp phần giúp chính quyền hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa, ông đã nghiên cứu, khảo sát hơn 200 hộ gia đình trong thôn, xã và đến từng hộ để vận động, giải thích… Qua đó người dân thôn Quảng Hội nói riêng và xã Quang Tiến nói chung đồng thuận cao đối với chương trình này. Và Quang Tiến là một trong những xã hoàn thành sớm chương trình dồn điền đổi thửa của huyện Sóc Sơn.

Cùng với việc vận động người dân hưởng ứng phong trào dồn điền, đổi thửa, ông Ngô Văn Học còn miệt mài trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Ông chọn cách thể hiện của riêng mình qua ngòi bút với những tác phẩm báo chí như: “Hà Nội có một Đồng Đò” - phóng sự phản ánh về những con người ở nơi được coi là nghèo khó nhất Hà Nội. Hay bài viết về tấm gương cựu chiến binh Nguyễn Trọng Nhỉ 76 tuổi, xã Phù Lỗ, 41 năm “săn bom” vì sự an toàn - hạnh phúc của người dân… Qua nhiều năm cầm bút, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học có các tác phẩm đoạt giải A Đài tiếng nói Việt Nam mục Chuyện kể ở đại đội; giải A phóng sự Báo Quân đội nhân dân; giải C giải thưởng báo chí về đề tài Quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng Cục chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam) và nhiều giải thưởng khác. Trong cuộc sống hôm nay, ông luôn đau đáu với khát vọng phát triển của một làng quê nông thôn mới, từ đó có những tác phầm để nâng cao giá trị văn hóa của làng quê trong bối cảnh hội nhập, phát triển…

Nhắc về ông Ngô Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến Nguyễn Văn Thi nói: "Cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học là người chiến sĩ chưa bao giờ ngừng chiến đấu… Nghỉ hưu, về quê, ông đã tích cực tham gia nhiều phong trào với nhiệt huyết của một người hết lòng vì quê hương. Với chương trình nông thôn mới, ông đã cùng chính quyền và người dân xây dựng phương án, phân khu, phân lô,... hợp lý. Hiện nay, ông Ngô Văn Học tiếp tục đồng hành cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại quê hương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người khơi mạch đổi thay của Quảng Hội